Xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn xuất khẩu

Sản xuất nông nghiệp vùng Tây Bắc hiện mang tính nhỏ lẻ, phân tán nên giá trị chưa cao. Xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, liên kết chuỗi và đẩy mạnh công nghệ chế biến… là cần thiết để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản toàn vùng.

Chế biến dứa phục vụ xuất khẩu tại Trung tâm Chế biến rau quả DOVECO (Sơn La). (Ảnh MINH ANH)

Chế biến dứa phục vụ xuất khẩu tại Trung tâm Chế biến rau quả DOVECO (Sơn La). (Ảnh MINH ANH)

Những năm gần đây, nhiều địa phương vùng Tây Bắc đã phát huy lợi thế vùng để phát triển các sản phẩm nông nghiệp giá trị cao như cà-phê, chè, cây ăn quả đặc sản… Tuy nhiên, sản xuất vẫn mang tính nhỏ lẻ, phân tán nên giá trị chưa cao. Xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, liên kết chuỗi và đẩy mạnh công nghệ chế biến… là yêu cầu cần thiết để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản toàn vùng

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Cầm Thị Phong, toàn tỉnh hiện có gần 85.050ha cây ăn quả với sản lượng 510.000 tấn/năm; 35.563ha cây công nghiệp lâu năm, sản lượng hơn 102.000 tấn/năm.

Tỉnh đã phát triển mạnh các cây chủ lực như xoài, nhãn, mận, cà-phê, chè… Định hướng đến năm 2030, tỉnh sẽ ổn định 90.000ha cây ăn quả, sản lượng 765.000 tấn/năm; 25.000ha cà-phê với sản lượng 40.000 tấn/năm, phát triển cà-phê đặc sản 5.950ha, tăng tỷ lệ diện tích áp dụng VietGAP, công nghệ tưới tiết kiệm nước, mã số vùng trồng và chế biến sâu.

Sơn La đặt mục tiêu sớm trở thành trung tâm chế biến nông sản vùng Tây Bắc. Toàn tỉnh hiện có 216 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, 201 chuỗi sản xuất, chế biến, kinh doanh quả an toàn, tổng diện tích 4.502ha, sản lượng đạt khoảng 54.207 tấn/năm; diện tích cây trồng đạt chứng nhận Viet GAP là 5.596ha.

Riêng cà-phê, hiện có 23.448ha được chứng nhận bền vững với sản lượng ước đạt 28.000 tấn. Nhằm đẩy mạnh khâu chế biến nông sản, toàn tỉnh đã có gần 560 cơ sở chế biến, gần 3.000 cơ sở sấy long nhãn, 40 kho lạnh bảo quản nông sản phục vụ chế biến.

Tại tỉnh , Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Lò Hồng Phong cho biết: Với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng đặc thù, Điện Biên có nhiều tiềm năng để phát triển các loại cây có giá trị kinh tế cao như: xoài, bưởi, dứa, mắc-ca, cà-phê, chè, cao su.

Về cây công nghiệp: diện tích cà-phê đạt gần 4.800ha, cao su hơn 5.000 ha, cây mắc-ca hơn 12.300ha. Cây ăn quả có sản lượng khoảng 1.420 tấn quả tươi... Hiện tỉnh đang khởi công nhà máy chế biến nông sản.

Đối với tỉnh , việc phát triển các loài dược liệu đặc hữu đang là hướng đi chính của ngành nông nghiệp. Toàn tỉnh hiện có hơn 23.000ha dược liệu các loại, trong đó quế hơn 10.000ha, thảo quả hơn 6.500ha, sơn tra hơn 2.000ha và sâm Lai Châu hơn 130ha.

Sản lượng khai thác dược liệu của tỉnh Lai Châu hằng năm ước đạt 3.000 tấn, minh chứng cho tiềm năng phát triển dược liệu của tỉnh.

Mặc dù mỗi địa phương vùng Tây Bắc đều có thế mạnh riêng về phát triển nông nghiệp và đã đạt được những thành tựu đáng kể trong thời gian qua, nhưng ngành nông nghiệp toàn vùng vẫn đang phải đối mặt với những thách thức chung, như: sản xuất phân tán, chi phí cao, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng; tỷ lệ chế biến sâu thấp; mẫu mã bao bì, nhãn mác chưa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu; thiếu liên kết bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp; hệ thống logistics còn hạn chế.

Trước thực tế đó, bà Vũ Thị Vân Phượng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VietRAP Đầu tư Thương mại cho rằng: Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông sản vùng Tây Bắc thì cần thiết phải xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, có sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân, hợp tác xã với doanh nghiệp.

Cụ thể như với các loại dược liệu, do đây là loại cây đặc thù cần tuân thủ quy trình canh tác nghiêm ngặt, thời gian canh tác dài nên việc xây dựng vùng nguyên liệu là vô cùng quan trọng trên cơ sở lựa chọn đúng loại cây, giống tốt, có đơn vị bao tiêu và đầu tư vào phát triển bao bì, nhãn mác…

Hiện VietRAP đang xây dựng mô hình vùng trồng gắn với hợp tác xã quản lý và các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

Cụ thể, khi phát triển vùng trồng dược liệu tại Vân Hồ (tỉnh Sơn La), Công ty đã liên kết với 3 hợp tác xã chủ chốt cùng hàng trăm hộ dân. Sau 3 năm, diện tích vùng trồng đạt 60ha, trong đó 20ha đã thu hoạch đến chu kỳ thứ tư.

Công ty cũng hướng đến hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế từ cây dược liệu và định hướng phát triển sản phẩm đồ uống có thành phần thảo dược.

Muốn có nông sản chất lượng đưa ra thị trường thì điều tiên quyết là xây dựng vùng nguyên liệu. Không có vùng nguyên liệu thì không thể làm được chuỗi giá trị.

(Thứ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam)

Cùng quan điểm về phát triển vùng nguyên liệu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TH Ngô Minh Hải cho rằng, thách thức trong phát triển vùng Tây Bắc hiện nay chủ yếu nằm ở nguồn nguyên liệu, nhất là trong điều kiện TH đã xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng cho các loại nguyên liệu đầu vào nên cần lựa chọn các nhà cung cấp đáp ứng được các tiêu chuẩn này.

Nêu thí dụ từ thực tiễn tỉnh Sơn La đã xây dựng thành công 50.000ha vùng nguyên liệu dứa và chanh leo đạt chuẩn, Thứ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam nhấn mạnh: Muốn có nông sản chất lượng đưa ra thị trường thì điều tiên quyết là xây dựng vùng nguyên liệu. Không có vùng nguyên liệu thì không thể làm được chuỗi giá trị. Do đó, thời gian tới các địa phương cần quan tâm đầu tư vào vùng nguyên liệu, từ giống, quy trình canh tác đạt chuẩn đến hạ tầng để làm chủ chuỗi giá trị nông sản.

THÙY ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/xay-dung-vung-nguyen-lieu-dat-chuan-xuat-khau-post891959.html
Zalo