Xây dựng trường học hạnh phúc không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc lưu ý TP.HCM xây dựng mô hình trường học hạnh phúc không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu mà phải đi vào chiều sâu.
Sáng 29-11, Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết trường học hạnh phúc và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025. Tại đây, những cách làm hay của các trường đang xây dựng trường học hạnh phúc đã được chia sẻ.
Nhiều cách làm sáng tạo
Bà Lê Trà Mi, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS, THPT Tân Phú (quận Tân Phú), cho biết trường đã thành lập các ban với nhiệm vụ khác nhau để thực hiện trường học hạnh phúc.
Cụ thể, ban EHS (ban môi trường, sức khỏe và an toàn) đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một môi trường học tập và làm việc an toàn, lành mạnh cho học sinh.
Ban bảo vệ trẻ em do hiệu trưởng là trưởng ban sẵn sàng tiếp nhận và kịp thời xử lí mọi thông tin liên quan đến quyền bảo vệ trẻ em, các hành vi xâm hại đến học sinh.
Ban 5S (sẵn sàng, săn sóc, sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ) giúp tạo ra không gian học tập và làm việc sạch sẽ, ngăn nắp và hiệu quả hơn.
Cuối cùng, ban An toàn vệ sinh thực phẩm có sự tham gia của bộ phận y tế đảm bảo nguồn thực phẩm được cung cấp từ những nhà cung cấp uy tín. Ban giám sát quy trình chế biến thực phẩm tại bếp ăn và căn tin để đảm bảo sức khỏe học sinh.
Bên cạnh đó, trường còn tổ chức các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, phát triển môi trường học tập tràn ngập yêu thương với việc thầy cô dạy học theo phương pháp tích cực, là chuyên viên tâm lý luôn lắng nghe học trò.
Còn Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn (quận 3) đã thiết lập và tạo dựng mối quan hệ giữa nhà trường - gia đình - xã hội thật sự là cầu nối nhịp nhàng. Trong đó, mỗi cá nhân luôn hoàn thiện và thay đổi từng ngày để phù hợp với thực tế của ngành giáo dục.
Đó là nhà trường thay đổi trong xây dựng kế hoạch giáo dục, xây dựng môi trường giáo dục an toàn với đầy đủ cơ sở vật chất. Thầy cô thay đổi phương pháp giảng dạy, tổ chức các hoạt động vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn và thay đổi trong cách ứng xử với học sinh. Còn với phụ huynh, đó là sự phối hợp trong cách giáo dục, sự công khai về thông tin để họ hiểu và cùng đồng hành với trường.
TP.HCM, nơi đầu tiên có trường học hạnh phúc
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, TP.HCM là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai bài bản xây dựng trường học hạnh phúc.
Năm qua, TP.HCM đã khẳng định vai trò tiên phong, sáng tạo trong việc triển khai mô hình này. Các trường học tại TP không chỉ là nơi truyền tải kiến thức và kỹ năng, mà đã từng bước trở thành những ngôi nhà thứ hai thật sự hạnh phúc. Ở đó, mỗi học sinh được tôn trọng sự khác biệt, được cảm nhận sự yêu thương và sẻ chia từ bạn bè, thầy cô.
"Tôi mong rằng mỗi thầy cô giáo, mỗi cán bộ giáo dục hãy xem đây là trách nhiệm và cũng là cơ hội để đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Trường học hạnh phúc là một nội dung rất đặc biệt, rất hay nhưng cũng rất khó thực hiện. Các tiêu chí phải được triển khai một cách bài bản, tránh mang tính hình thức hoặc đánh giá theo lối hành chính.
Tôi đề nghị TP tiếp tục phát huy tinh thần đó, duy trì và nhân rộng các giá trị cốt lõi, đảm bảo trường học hạnh phúc không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu mà đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả thiết thực” - ông Phúc nhấn mạnh.
"Học tập ở trường học hạnh phúc không phải là học ít hơn mà là học trong sự thích thú, sáng tạo, học trong sự hạnh phúc. Do đó, theo đuổi mô hình trường học hạnh phúc không tách rời công cuộc đổi mới giáo dục" - Ông NGUYỄN VĂN PHÚC, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu, TP.HCM có gần 2.400 trường học. Sau 1 năm triển khai chỉ có hơn 1.500 trường đánh giá theo bộ tiêu chí trường học hạnh phúc mà Sở GD&ĐT đã ban hành.
"Tôi đề nghị thủ trưởng các đơn vị chủ động đánh giá xem trường mình đã đáp ứng được tiêu chí nào của trường học hạnh phúc. Sở GD&ĐT TP.HCM sẽ không kiểm tra việc thực hiện mô hình, song tôi mong rằng việc xây dựng trường học hạnh phúc sẽ trở thành ý thức của các trường, các giáo viên " - Giám đốc Sở GD&ĐT nhấn mạnh.
Theo ông Hiếu, trường học hạnh phúc là tế bào của xã hội hạnh phúc. Trong đó, hiệu trưởng giữ vai trò quan trọng. "Sự thay đổi vì trường học hạnh phúc bắt đầu từ sự thay đổi của hiệu trưởng" - ông Hiếu bày tỏ.