Xây dựng nông thôn mới năm 2023: Tiền Giang gỡ khó để về đích đúng hẹn
Sau nhiều năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay Tiền Giang có 137 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM; trong đó, có 39 xã NTM nâng cao, 2 xã NTM kiểu mẫu; 3 đô thị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 4 huyện NTM. Tiếp nối kết quả đạt được trong những năm qua, năm 2023 Tiền Giang đặt mục tiêu 5 xã đạt chuẩn NTM, 15 xã NTM nâng cao, 2 xã NTM kiểu mẫu, 2 huyện NTM.MỨC ĐỘ ĐẠT TIÊU CHÍ CÒN THẤP
Theo Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) tỉnh Tiền Giang, trong năm 2023, toàn tỉnh có 5 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM là Bình Đức và Điềm Hy (huyện Châu Thành), Tân Thạnh, Phú Đông và Phú Tân (huyện Tân Phú Đông).
Tuy nhiên, đến nay, cả 5 xã đều chưa đạt các tiêu chí là Quy hoạch (đang trong thời gian lập Đồ án Quy hoạch mới hoặc quy hoạch duyệt đã hết hạn), Tổ chức sản xuất và phát triển nông thôn, Môi trường và an toàn thực phẩm. Trong đó, xã Điềm Hy và Bình Đức yêu cầu phải đạt chuẩn NTM để Châu Thành ra mắt huyện NTM.
Đối với 15 xã phấn đấu ra mắt NTM nâng cao trong năm nay, đến nay các xã đạt số tiêu chí rất thấp, bình quân tiêu chí đạt được 11,53 tiêu chí/xã. Trong đó, có 14 xã chưa đạt về tiêu chí Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, Môi trường và an toàn thực phẩm; 13 xã chưa đạt tiêu chí Quy hoạch; 9 xã chưa đạt tiêu chí Giáo dục. Ngoài ra, còn có 9 xã chưa đạt chỉ tiêu về cứng hóa, bảo trì, biển báo, chiếu sáng… hằng năm của tiêu chí Giao thông.
Còn các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đến nay xã Cẩm Sơn (huyện Cai Lậy) đạt 1/4 yêu cầu, còn xã Long Khánh (TX. Cai Lậy) chưa đáp ứng cả 4/4 yêu cầu quy định trong Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao giai đoạn 2022 - 2025, cụ thể như thu nhập bình quân đầu người còn thấp, mô hình ấp thông minh, quy định đạt ít nhất một trong những lĩnh vực nổi trội về sản xuất hoặc về cảnh quan môi trường và ít nhất 1 lĩnh vực khác trong các lĩnh vực như: Giáo dục, văn hóa, du lịch, an ninh trật tự, chuyển đổi số.
Phó Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh Nguyễn Văn Mẫn đánh giá, việc thực hiện các tiêu chí của các xã trong kế hoạch phấn đấu đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu trong năm 2023 chưa đảm bảo đúng tiến độ, lộ trình và kế hoạch đề ra. Kéo theo đó, 2 huyện phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2023 là huyện Châu Thành và huyện Cái Bè hiện tại cũng chỉ mới đạt 3/9 tiêu chí, còn 6 tiêu chí chưa đạt gồm Quy hoạch, Giao thông, Y tế - Văn hóa - Giáo dục, Kinh tế, Môi trường, Chất lượng môi trường sống.
NỖ LỰC VỀ ĐÍCH
Để đạt mục tiêu số xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, huyện NTM theo kế hoạch đề ra trong năm 2023, UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị, thành khẩn trương rà soát và tổ chức thực hiện kế hoạch để tiếp tục duy trì và nâng chất các tiêu chí đã đạt được theo quy định mới, đặc biệt là các xã được công nhận theo Bộ tiêu chí NTM giai đoạn trước đó.
Riêng đối với huyện Cái Bè và huyện Châu Thành cần khẩn trương hoàn chỉnh lại báo cáo đánh giá thực trạng, mức độ đạt các tiêu chí xã và huyện NTM theo Bộ tiêu chí NTM mới. Đồng thời, 2 địa phương này cần khẩn trương hoàn thành công tác lập Đồ án Quy hoạch xây dựng xã NTM, Quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm xã; hoàn tất thủ tục chuẩn bị đầu tư các công trình/dự án (các tuyến đường huyện, các công trình văn hóa, công trình trường học...) đảm bảo tất cả các công trình phải cơ bản hoàn thành tại thời điểm trình thẩm tra, thẩm định huyện đạt chuẩn NTM.
Đặc biệt, huyện Châu Thành cần khẩn trương chỉ đạo và hỗ trợ 2 xã Bình Đức và Điềm Hy hoàn thành các tiêu chí còn lại trước khi đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định và trình ký huyện đạt chuẩn NTM.
Với yêu cầu về mức độ đạt chuẩn NTM ngày càng cao và khó thực hiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng chỉ đạo các địa phương lưu ý đến các giải pháp để thực hiện các tiêu chí như Thu nhập, Hộ nghèo, Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, Môi trường (hoặc tiêu chí Môi trường và an toàn thực phẩm), Chất lượng môi trường sống, An ninh trật tự.
Tiền Giang có 137/142 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; trong đó có 39 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 3 đô thị (TP. Mỹ Tho, TX. Gò Công, TX. Cai Lậy) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 4 huyện (Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây, Cai Lậy) đạt chuẩn NTM.
Đây là các chỉ tiêu, tiêu chí thuộc trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương..., cần được quan tâm đẩy mạnh để có đủ cơ sở tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí theo quy định của xã phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2023. “UBND các địa phương cần tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn cho các xã rà soát, xây dựng lại kế hoạch, lộ trình chi tiết để tổ chức thực hiện theo kế hoạch đề ra.
Các địa phương khẩn trương hoàn thành hồ sơ, thủ tục đầu tư xây dựng các dự án, công trình xây dựng cơ bản, đảm bảo công tác đấu thầu, thi công hoàn thành đúng với tiến độ xây dựng NTM đã được phê duyệt, nhất là đối với các công trình có quy mô lớn, vốn đầu tư lớn do UBND cấp huyện làm chủ đầu tư.
Cùng với đó là tăng cường vận động nhân dân thường xuyên dọn dẹp, thu gom rác thải khu vực nông thôn; tích cực tham gia bảo vệ nguồn nước, vệ sinh lòng kinh, mương, rạch khu vực cư trú. Đồng thời, xử lý nghiêm hành vi vứt rác thải và rác thải nguy hại, thuốc bảo vệ thực vật, xác vật nuôi xuống kinh, mương, rạch gây ô nhiễm nguồn nước” - đồng chí Phạm Văn Trọng nhấn mạnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Mẫn cũng cho biết, Ban Chỉ đạo tỉnh đang yêu cầu sở, ngành tỉnh có liên quan phối hợp với Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra tiến độ thực hiện các công trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tại các địa phương; kịp thời báo cáo và tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh; trong đó, các địa phương cần chủ động hơn trong phối hợp với các sở, ngành tỉnh có liên quan và các địa phương trong việc tham mưu thẩm định, trình phê duyệt chủ trương đầu tư, kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với các công trình, dự án phục vụ các tiêu chí xã NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu trong năm 2023.