Xây dựng nông thôn mới góp phần nâng cao đời sống người dân
Công tác thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần nâng cao đời sống người dân và giảm nghèo bền vững.
Tính đến cuối tháng 11-2024, tỉnh Tiền Giang có 135/135 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 100% số xã trên địa bàn tỉnh; trong đó có 58 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10 xã NTM kiểu mẫu; 3 đô thị (TP. Mỹ Tho, TP. Gò Công và TX. Cai Lậy) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 7 huyện Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây, Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành và Tân Phước đạt chuẩn huyện NTM.
Các cấp lãnh đạo và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hoàn chỉnh các tiêu chí tại các xã đã đạt chuẩn NTM theo quy định mới. Tính đến cuối tháng 11-2024, toàn tỉnh Tiền Giang có 127/135 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (đạt tỷ lệ 94,07%) và 53/58 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt tỷ lệ 91,38%), đảm bảo duy trì đạt 19/19 tiêu chí theo quy định của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM/NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025; bình quân tiêu chí xã đạt chuẩn NTM là 18,94 tiêu chí/xã; bình quân tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao là 18,76 tiêu chí/xã.
Triển khai thực hiện phong trào xây dựng NTM không chỉ làm thay đổi diện mạo những làng quê, mà đời sống người dân cũng ngày càng nâng cao. Các chương trình chuyên đề thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã được thực hiện hiệu quả, qua đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Trong xây dựng sản phẩm OCOP, từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh Tiền Giang đã công nhận 7 sản phẩm đạt OCOP 4 sao (đạt 70% kế hoạch năm 2024), 50 sản phẩm đạt OCOP 3 sao (đạt 100% kế hoạch năm 2024). Nâng tổng số toàn tỉnh hiện có 299 sản phẩm OCOP, trong đó có 202 sản phẩm OCOP 3 sao (chiếm 67,56%), 97 sản phẩm OCOP 4 sao (chiếm 32,44%), với tổng số 146 chủ thể tham gia (gồm 26 hợp tác xã, 48 doanh nghiệp và 72 hộ sản xuất, kinh doanh), vượt mục tiêu kế hoạch thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 là 99 sản phẩm. Các sản phẩm OCOP đã nâng cao giá trị sản phẩm nông thôn, giúp người dân có thêm thu nhập và tạo việc làm cho người dân nông thôn khi các chủ thể sản xuất OCOP mở rộng sản xuất.
Cùng với đó, tỉnh đã đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn với 19 điểm du lịch đã được UBND tỉnh công nhận với các điểm du lịch nông nghiệp nông thôn nổi bật, như: Điền Lan Thôn Trang, Vườn Lan Thảo Nguyên, Nhà cổ Ba Đức, Vườn táo Sáu Hồi, Dược liệu xanh Thiên Ân,... Nhìn chung, những mô hình du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh hoạt động hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của khách du lịch khi đến Tiền Giang...
Cùng với đó, tỉnh Tiền Giang triển khai hiệu quả các chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng NTM. Theo đó, tỉnh tiếp tục triển khai các chương trình, dự án, đề tài khoa học công nghệ liên quan đến ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, như: Dự án Vùng sản xuất lúa công nghệ cao; xây dựng và nhân rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản theo quy trình kỹ thuật GAP có ứng dụng công nghệ tiên tiến, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản…
Cùng với đó, các ngành chức năng tỉnh tổ chức thực hiện công tác cấp và quản lý mã số vùng trồng trên phần mềm (https://csdltrongtrot.mard.gov.vn); hướng dẫn các vùng trồng đã được cấp mã số cập nhật dữ liệu trên hệ thống phần mềm, cập nhật thông tin nhật ký canh tác điện tử, góp phần phục vụ cho truy xuất nguồn gốc và xuất khẩu. Qua đó, giá trị nông sản được nâng cao thông qua các kênh xuất khẩu, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân khu vực nông thôn.
Các giải pháp nêu trên trong công tác triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dụng NTM trên địa bàn tỉnh đã tạo cơ sở và nền tảng thuận lợi để người dân từng bước nâng cao đời sống vật chất và kinh tế. Có thể nói rằng, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã tạo nên sự cộng hưởng tích cực với Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để góp phần hỗ trợ người dân nâng cao thu nhập thông qua các giải pháp phát triển kinh tế bền vững. Theo báo cáo kết quả sơ bộ rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ năm 2024, cuối tháng 11-2024, toàn tỉnh còn 4.037 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,79% (giảm 888 hộ nghèo, tương ứng giảm 0,18% kế hoạch đề ra) và 7.616 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,5%.
Với những kết quả đạt được trong xây dựng NTM, trong năm 2025, tỉnh Tiền Giang phấn đấu đến hết quý I năm 2025, có 100% xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM/NTM nâng cao phải đảm bảo đạt chuẩn theo quy định mới (Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM/NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025) và tất cả các huyện, thành, thị đã được công nhận đều phải đảm bảo đạt chuẩn theo quy định mới.
Tỉnh phấn đấu có thêm 5 xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao, nâng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao là 67 xã (đạt tỷ lệ 49,63%); 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, nâng số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trên là 16 xã (đạt tỷ lệ 11,85%); 1 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM nâng cao (huyện Gò Công Tây), nâng số huyện đạt chuẩn NTM nâng cao của tỉnh là 3/8 huyện, đạt tỷ lệ 37,5%.
Đặc biệt, tỉnh Tiền Giang phấn đấu được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025.