Xây dựng nông thôn mới chuyển từ số lượng sang chất lượng
Chương trình Xây dựng nông thôn mới đang chuyển từ chú trọng số lượng sang nâng cao chất lượng, hướng đến phát triển bền vững, nâng cao đời sống người dân.

Nâng cao chất lượng tiêu chí giao thông thôn, bon ở Nhân Cơ là yêu cầu thường xuyên để đáp ứng nhu cầu phát triển mới.
Sau sáp nhập còn chính quyền 2 cấp, Lâm Đồng hiện có 80 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt tỷ lệ 77,7%); 9 xã nông thôn mới nâng cao (đạt 8,7%); 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu (đạt 2,9%). Nhìn về con số có thể thấy tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới khá cao, tuy nhiên, xã đạt chuẩn nâng cao và kiểu mẫu còn ít. Điều này đang đặt ra nhiều trăn trở, thách thức cho đội ngũ cấp ủy chính quyền, đoàn thể địa phương. Làm sao để không chỉ đạt, giữ vững mà còn nâng cao các tiêu chí nông thôn mới.
Tại xã Nhân Cơ, ông Trần Công Dũng, Chủ tịch UBND xã cho biết, đến nay, xã đã đạt 19/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Trong đó, năm 2024, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về giáo dục. Tuy nhiên, trước không gian phát triển mới, khi sáp nhập 3 xã là Nhân Cơ, Nhân Đạo, Đắk Wer thì số chỉ tiêu, tiêu chí đạt, chất lượng tiêu chí đã có sự thay đổi. Ông Dũng cho rằng, khi nhìn nhận về chất lượng các tiêu chí thì vẫn còn nhiều công việc cần phải làm. Cụ thể như đối với tiêu chí giao thông, điện ở các thôn, bon, liên thôn, bon, khu vực sản xuất tập trung mức đạt còn cơ bản. Nhiệm vụ nâng cao chất lượng tiêu chí này để tạo động lực cho kinh tế là việc cần quan tâm nhiều hơn, bởi đòi hỏi của người dân ngày càng cao.
Nhân Cơ là xã có nhiều lợi thế để tăng thu nhập từ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Xã có Quốc lộ 14 chạy qua, nơi đóng chân của Nhà máy Alumin Nhân Cơ, Công ty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân nhưng vẫn chưa tạo được sự bứt phá mạnh mẽ từ nhóm ngành, nghề này. Tổng giá trị lĩnh vực này trong 5 năm qua của Nhân Cơ mới đạt mức 380 tỷ đồng, tăng khoảng 25 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ, chiếm 19,5% tổng thu, đạt 51,9% so với chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Do đó, xã cho rằng, dù đạt các tiêu chuẩn khá cao của nông thôn mới nhưng nếu không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí thì dễ dàng bị tụt lại, thậm chí khó phát triển nếu cứ theo thành tích. “Việc chuyển đổi nhận thức, tư duy từ chỗ đạt tiêu chí sang đạt bền vững, không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí là điều tất yếu để nông thôn mới thực chất”, ông Dũng khẳng định thêm.

Nhóm tiêu chí về thu nhập của người dân đòi hỏi ngày càng cao hơn trong xây dựng nông thôn mới ở xã Quảng Khê
Tại xã Quảng Khê, một xã vùng sâu, vùng xa, nơi có đông đồng bào dân tộc sinh sống, trong đó có gần 40% là dân tộc thiểu số, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, việc đạt số lượng tiêu chí được coi là khó. Theo ông Mai Văn Tùng, Chủ tịch UBND xã, trong bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, qua đánh giá, đến nay, xã đã, đang duy trì đạt 19/19 tiêu chí. Tuy nhiên, khi đối chiếu với bộ tiêu chí về xã nông thôn mới nâng cao thì xã Quảng Khê mới đạt 7/19 tiêu chí gồm tiêu chí số 1, 2, 4, 7, 9, 11, 12, còn lại đều chưa đạt. Do đó, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện, Đảng ủy, chính quyền xã xác định phải có sự thay đổi trong tư duy xây dựng nông thôn mới, đó là không chỉ chạy theo số lượng mà đạt chất lượng tiêu chí.
Giai đoạn 2021 - 2025, chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trở thành điểm sáng cho phát triển của Việt Nam, hoàn thành đạt và vượt toàn bộ các mục tiêu được Quốc hội và Chính phủ giao. Đến hết tháng 6/2025, cả nước đã có 6.084/7.669 xã (79,3%) đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 10,6% so với cuối năm 2021). Với những kết quả đạt được, giai đoạn tới 2026 - 2035, việc chuyển đổi tư duy, chuyển đổi trọng tâm từ số lượng sang chất lượng tiêu chí là điều cần thiết, trở thành nhiệm vụ hàng đầu để nông thôn mới bền vững, thực chất.