Xây dựng nông thôn mới: Chặng nước rút không dễ dàng - (bài 1) Những xã cuối cùng về đích nông thôn mới
Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới ở Thái Nguyên là để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Trong những năm qua tỉnh đã huy động các nguồn lực tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Với những giải pháp cụ thể, thiết thực, các chỉ tiêu đề ra đã dần hiện thực hóa. Tuy nhiên đối với những xã miền núi, vùng cao thì quá trình xây dựng nông thôn mới không dễ.
Mục tiêu của tỉnh trong năm 2024 là có ít nhất 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao; 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 1 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM. Đồng thời tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng tiêu chí ở các địa phương đã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Kỳ tích của xã đặc biệt khó khăn
Năm 2024, Văn Lăng là xã cuối cùng của huyện Đồng Hỷ về đích xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Đây thực sự là một kỳ tích bởi Văn Lăng là xã khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm khoảng 70% dân số, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện với số hộ nghèo đa chiều chiếm 30,93%.
Những năm trước đây, trên địa bàn xã rất khó khăn về giao thông, hệ thống cơ sở hạ tầng nghèo nàn. Hệ thống y tế, trường học chưa được đầu tư nhiều, đa số đều xuống cấp. Các điểm trường ở những xóm, bản người Mông như: Liên Phương, Mỏ Nước, Bản Tèn... chủ yếu là lớp học tạm, được ghép từ những tấm gỗ mỏng và không có điện. Người dân quen với lối sống tự cung tự cấp, ít được tiếp cận với khoa học - kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, thậm chí vẫn còn nhiều hộ thiếu ăn khi giáp hạt...
Xác định XDNTM là nhiệm vụ quan trọng, không chỉ thực hiện trước mắt mà còn phải duy trì lâu dài và cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự chung tay góp sức của nhân dân, xã Văn Lăng đã thành lập Ban Chỉ đạo XDNTM; kiện toàn Ban Quản lý thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và kiện toàn Ban phát triển tại tất cả các xóm; xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết để hoàn thành các tiêu chí NTM. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội thực hiện tốt công tác phổ biến, tuyên truyền tới đoàn viên, hội viên và nhân dân...
Đối với những xóm, bản có đông đồng bào DTTS, xã dựa vào già làng, trưởng bản, người có uy tín để tuyên truyền, vận động người dân. Nói một lần bà con chưa thông suốt thì nói nhiều lần, vừa vận động, vừa phân tích cho bà con thấy được những lợi ích của chương trình XDNTM.
Đồng thời với công tác tuyên truyền, vận động, xã tranh thủ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn hỗ trợ của Nhà nước để đầu tư xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng hệ thống thủy lợi, giao thông nông thôn... Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.
UBND xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người dân; xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, từng bước đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn... Nhờ đó, phong trào XDNTM đã dần tạo được sức lan tỏa trong nhân dân, đa số bà con đều tích cực tham gia các phong trào tại địa phương.
Để về đích NTM vào năm 2024 theo kế hoạch, Ban quản lý xã, Ban phát triển NTM các xóm, MTTQ, các đoàn thể nhân dân từ cấp xã, xóm đã tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao vai trò, trách nhiệm trong cán bộ đảng viên, vận động nhân dân tham gia xây dựng NTM theo tinh thần "Phát huy nội lực, từ nhà ra ngõ, từ dễ đến khó".
Đối với những tiêu chí chưa đạt, xã xây dựng kế hoạch và có giải pháp cụ thể, phân công nhiệm vụ rõ người, rõ việc từng chỉ tiêu, tiêu chí NTM cho các thành viên Ban Chỉ đạo XDNTM của xã phụ trách. Ví dụ như đối với tiêu chí thu nhập, xã đang thực hiện lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia; tiếp cận vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội với số vốn trên 70 tỷ đồng để thực hiện hiệu quả các chương trình nâng cao chất lượng nhà ở; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi …
Xã cuối cùng của huyện Phú Lương về đích
Đến thời điểm hiện tại, huyện Phú Lương đã cơ bản đạt các tiêu chí, chỉ tiêu của huyện NTM. Để đảm bảo về đích theo kế hoạch, huyện Phú Lương đang dồn lực quyết tâm hoàn thiện các chỉ tiêu cuối cùng đã đề ra trong những tháng cuối năm 2024.
Đầu năm 2024, xã Yên Trạch là xã cuối cùng của huyện được công nhận hoàn thành NTM sau chặng đường dài nỗ lực. Với gần 95% số dân là đồng bào dân tộc Tày, khi bắt đầu thực hiện Chương trình XDNTM giai đoạn 2011-2020, xã có hơn 50% số hộ nghèo. Từ năm 2020 đến nay, Yên Trạch tập trung thực hiện tiêu chí giao thông, bê tông hơn 20km đường trục xóm và liên xóm.
Với tiêu chí giảm nghèo đa chiều, trong 2 năm vừa qua xã phải giảm được hộ nghèo, cận nghèo xuống còn 12%. Để hoàn thành tiêu chí này, UBND xã đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ cụ thể và giao các thành viên UBND xã, trưởng các đoàn thể của xã, xóm xuống tìm hiểu hoàn cảnh từng hộ, hỗ trợ đúng địa chỉ và trúng nhu cầu của người dân.
Cụ thể, đề xuất huyện hỗ trợ về con giống, phân bón cho các gia đình thiếu tư liệu sản xuất; kết nối với một số cơ sở chế biến gỗ ở địa phương để giới thiệu việc làm cho lao động; gia đình có con học xong sẽ được tư vấn, hướng dẫn, giới thiệu việc làm tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Qua thống kê, rà soát trên địa bàn xã còn 21 nhà dột nát, huyện Phú Lương đã huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ xây dựng mới. Phú Lương phấn đấu đề nghị UBND tỉnh thẩm tra công nhận Phú Lương là huyện NTM vào cuối năm 2024.
Điểm nổi bật trong phong trào XDNTM của tỉnh là việc khơi dậy sức dân cùng tham gia, thực sự phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng. Người dân chủ động giám sát trong việc thực hiện các nội dung từ khâu lập kế hoạch, tổ chức thực hiện kế hoạch, nghiệm thu kết quả và sử dụng, như: đường giao thông, nhà văn hóa, kênh mương... Từ đó, tạo động lực, sự tin tưởng để nhân dân toàn tỉnh cùng chung tay, góp sức đẩy nhanh tiến độ XDNTM.
Đến nay, 12/12 xã của huyện Đồng Hỷ đạt chuẩn NTM; 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn của huyện từng bước được cải thiện, nhất là các lĩnh vực về giao thông, thủy lợi, nông nghiệp... Qua đó tạo tiền đề vững chắc để Đồng Hỷ hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2025.
(Còn nữa)