Xây dựng Khu, Cụm công nghiệp xanh nhìn từ Phú Xuyên (Bài 9)

Là vùng đất trăm nghề huyện Phú Xuyên có lợi thế rất lớn để phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đầu tư xây dựng cụm công nghiệp làng nghề là hướng tạo động lực phát triển kinh tế địa phương bền vững.

Vùng đất trăm nghề

Toàn huyện Phú Xuyên hiện có 43 làng nghề được thành phố công nhận, trong đó 42 làng nghề đang hoạt động với 546 doanh nghiệp, hợp tác xã và 17.600 hộ sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, thu nhập từ làm nghề tiểu thủ công nghiệp của huyện đạt tới 80 triệu đồng/người/năm.

Phú Xuyên nơi tập trung nhiều làng nghề nổi tiếng.

Phú Xuyên nơi tập trung nhiều làng nghề nổi tiếng.

Trong đó, nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như: Khảm trai ở xã Chuyên Mỹ là thủy tổ nghề khảm trai có từ thế kỷ 11; nặn tò he ở Xuân La, xã Phượng Dực có cách đây 300 năm và là làng nghề nặn tò he duy nhất ở Việt Nam... Ngoài ra còn có những làng nghề tiêu biểu khác như: May comple ở Vân Từ, giày da Phú Yên, đan cỏ tế xuất khẩu ở Phú Túc, đồ gỗ cao cấp ở Tân Dân, Nam Tiến, nghề cơ kim khí ở Đại Thắng, dệt lưới chã ở xã Quang Trung... Các làng nghề trên địa bàn đã có thương hiệu, đứng vững tại thị trường trong nước, một số sản phẩm được xuất khẩu tới nhiều quốc gia.

Hiện nay trên địa bàn huyện Phú Xuyên có 4 cụm công nghiệp (CCN) gồm: CCN làng nghề Phú Túc 6,19ha, CCN làng nghề Đại Thắng 7,37ha, CCN làng nghề Phú Yên 10,5ha và CCN làng nghề Vân Từ 6,59ha đã và đang hoàn thành theo lộ trình và kế hoạch đã được phê duyệt. Tới đây, huyện Phú Xuyên đang đề nghị thành phố thành lập 3 CCN mới ở xã Phượng Dực, Sơn Hà, Văn Hoàng.

Lễ khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN làng nghề Phú Yên.

Lễ khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN làng nghề Phú Yên.

Dự kiến 4 CCN đầu tiên trên địa bàn Phú Xuyên sẽ thu hút khoảng 300 doanh nghiệp và hộ sản xuất, kinh doanh vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Việc phát triển CCN sẽ đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và người lao động, do vậy huyện Phú Xuyên tiếp tục xây dựng thêm 3 CCN mới.

Theo quy hoạch giai đoạn 2020 - 2030 đã được Bộ Công Thương chấp thuận và thành phố phê duyệt, toàn huyện Phú Xuyên sẽ được đầu tư xây dựng 11 CCN.

Tạo động lực phát triển bền vững

Với địa phương có nhiều làng nghề truyền thống như Phú Xuyên thì các CCN và CCN làng nghề giữ vai trò rất quan trọng cho sự phát triển bền vững của làng nghề. Trước tiên, CCN làng nghề góp phần giải quyết khó khăn về mặt bằng cho cơ sở sản xuất, kinh doanh ở làng nghề.

Đồng thời, đây cũng là dịp để các địa phương di dời cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư, góp phần giảm ô nhiễm môi trường làng nghề, bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và an ninh trật tự. Bên cạnh đó, đây là nơi thu hút lao động, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người lao động, góp phần nâng cao đời sống cho người dân địa phương".

CCN làng nghề Vân Từ đang trong quá trình giải phóng mặt bằng.

CCN làng nghề Vân Từ đang trong quá trình giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, các chủ đầu tư không chỉ quan tâm xây dựng hạ tầng kỹ thuật, mà còn bố trí quỹ đất làm khu luyện tập thể dục thể thao, sắp xếp khu quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề và các dịch vụ khác phục vụ khách tham quan và người lao động, góp phần khai thác tiềm năng du lịch làng nghề.

Thực tế hiện nay, huyện Phú Xuyên các doanh nghiệp, công ty đang hoạt động sản xuất giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động ở địa phương. Đa phần các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn chủ yếu ở gần hoặc nằm trong khu dân cư do đó không đảm bảo điều kiện hoạt động, ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ cao.

Xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại CCN làng nghề Phú Yên.

Xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại CCN làng nghề Phú Yên.

Do đó, huyện Phú Xuyên tiếp tục kêu gọi xã hội hóa công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nhằm huy động nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ thi công các CCN. Đặc biệt, ưu tiên xây dựng CCN tại các làng nghề có nhu cầu bức thiết về mặt bằng sản xuất, kinh doanh, hoặc những làng nghề có mức độ ô nhiễm cao nhằm di dời các hộ sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, tạo động lực phát triển kinh tế bền vững.

Theo ông Nguyễn Xuân Thanh, Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên: Với việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đưa các CCN vào hoạt động không chỉ giải quyết vấn đề về môi trường, mở rộng sản xuất làng nghề mà còn góp phần thuận lợi trong ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển mới.

-CCN làng nghề Phú Túc được thành lập theo Quyết định số 2954/QĐ-UBND, ngày 15/6/2018 của UBND TP Hà Nội tại thôn Lưu Thượng, xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Minh làm chủ đầu tư. CCN có diện tích 5,94ha, ngành nghề hoạt động chủ yếu: sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ cỏ tế, mây tre đan, dịch vụ phục vụ cụm công nghiệp... Tổng mức đầu tư cụm xây dựng công nghiệp khoảng 117,6 tỷ đồng,

- CCN làng nghề Đại Thắng được thành lập theo Quyết định số 2953/ QĐ-UBND ngày ngày 15/6/2018 của UBND TP Hà Nội do Công ty CP Hanel Mirolin làm chủ đầu tư. CCN có diện tích 7,37ha đất ở tại xã Đại Thắng. Ngành nghề hoạt động chủ yếu phục vụ ngành nghề của làng nghề Đại Thắng: cơ khí, sản xuất bàn ghế, đồ mộc gia dụng, may màn, dịch vụ phục vụ cụm công nghiệp…

- CCN làng nghề Vân Từ được thành lập theo Quyết định số 2796/QĐ-UBND, ngày 26/6/2020 của UBND TP Hà Nội do Công ty CP HTC Toàn Cầu làm chủ đầu tư. CCN có diện tích gần 7ha dự án với tổng mức đầu tư 185 tỷ đồng, được giao đất trong thời hạn 50 năm.

- CCN làng nghề Phú Yên được thành lập theo Quyết định 2952/QĐ-UBND ngày 15/6/2018 của UBND TP Hà Nội do Công ty CP tư vấn đầu tư xây dựng Chí Cường làm chủ đầu tư. CCN có diện tích 10,5ha, tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng, với các ngành nghề như: Sản xuất da giầy, may mặc, sơn mài, dịch vụ phục vụ CCN, các ngành nghề khác…

Còn nữa...

Hà Đông

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/xay-dung-khu-cum-cong-nghiep-xanh-nhin-tu-phu-xuyen-bai-9-88160.html
Zalo