Xây dựng hệ sinh thái cho các doanh nghiệp tạo tác động xã hội
Dự án ISEE-COVID đạt được mục tiêu đề ra trong nâng cao năng lực của các doanh nghiệp tạo tác động xã hội; tăng cường phối hợp giữa các tổ chức trung gian hỗ trợ doanh nghiệp tạo tác động xã hội.
Trong 3 năm qua, dự án “Hỗ trợ hệ sinh thái các doanh nghiệp tạo tác động xã hội (SIB) tại Việt Nam ứng phó với COVID-19” (ISEE-COVID) đã hỗ trợ hơn 400 doanh nghiệp tạo tác động xã hội ở nhiều giai đoạn phát triển khác nhau; trong đó, gần 60% là doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Qua đó, tạo ra gần 15.000 việc làm, chủ yếu cho phụ nữ và các nhóm dễ bị tổn thương. Đây là kết quả được công bố tại lễ tổng kết Dự án ISEE-COVID và định hướng chiến lược cho hệ sinh thái trong tương lai, ngày 11/12, tại Hà Nội. Sự kiện do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Đại sứ quán Canada tại Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện.
Phát biểu tại sự kiện, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Bùi Anh Tuấn nhấn mạnh, trong công cuộc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, các tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội là thành phần quan trọng, vừa đóng góp vào phát triển kinh tế, vừa tác động đến xã hội và môi trường thông qua tạo việc làm và cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho nhóm yếu thế trong xã hội.
“Dự án ISEE-COVID đã cơ bản đạt được mục tiêu đề ra trong việc nâng cao năng lực của các doanh nghiệp tạo tác động xã hội; tăng cường phối hợp giữa các tổ chức trung gian hỗ trợ doanh nghiệp tạo tác động xã hội và tăng cường năng lực xây dựng và triển khai chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước”, ông Tuấn cho biết.
Tính đến năm 2021, Việt Nam có khoảng 26.027 SIB, chiếm 3% tổng số doanh nghiệp và hợp tác xã, nhóm các tổ chức kinh doanh này thể hiện tiềm năng đáng kể trong giải quyết các thách thức xã hội và môi trường.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã gây ra những thử thách lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu và tác động tích cực của các SIB đối với cộng đồng, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, người dân tộc thiểu số và người khuyết tật.
Trong bối cảnh đó, dự án ISEE-COVID, được tài trợ bởi Bộ Các vấn đề toàn cầu Canada (GAC) và đồng thực hiện bởi UNDP và Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã được triển khai nhằm hỗ trợ hệ sinh thái SIB phục hồi sau COVID-19, mở rộng hoạt động và tăng cường hợp tác giữa các bên để hướng tới tương lai phát triển bền vững.
Dự án cũng hỗ trợ 68 SIB thành công mở rộng thị trường trong nước và quốc tế; hỗ trợ 5 SIB xuất sắc huy động nguồn vốn hơn 25,5 tỷ đồng mở rộng sản xuất kinh doanh.
Nêu bật tác động mang tính chuyển đổi của dự án, Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam Ramla Khalidi nhấn mạnh, những thành tựu của dự án không chỉ dừng lại ở những con số thống kê mà chúng đại diện cho việc khôi phục sinh kế, trao quyền cho cộng đồng và giải quyết các thách thức về môi trường. Những thành tựu này thể hiện đúng tinh thần của các doanh nghiệp tạo tác động xã hội: cam kết lợi nhuận đi đôi với mục tiêu ý nghĩa.
Bà Nguyễn Hoài Châu, Cán bộ Chương trình cao cấp Đại sứ quán Canada tại Việt Nam cho biết, khi những doanh nghiệp lớn kết hợp cùng doanh nghiệp nhỏ làm những dự án chung thì sẽ được hưởng ưu đãi. Nhà nước đang khuyến khích những mô hình hợp tác như vậy để các doanh nghiệp lớn kéo doanh nghiệp nhỏ cùng phát triển.
“Điều này chúng tôi đang tính thêm trong việc hoàn thiện chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp”, bà Nguyễn Hoài Châu chia sẻ.
Ông Lê Đức Huy, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Simexco Đắk Lắk cho biết, Simexco Đắk Lắk tập trung vào sản phẩm nông nghiệp gồm: cà phê, hồ tiêu và nông sản với sản lượng khá lớn từ 120.000 - 130.000 tấn một năm với doanh số khoảng 7- 8% sản lượng tiêu thụ cà phê của Việt Nam. Năm 2023, Công ty đã xuất khẩu thu về 350.000 đô la. Tuy nhiên, điều khiến chúng tôi tự hào là việc kết nối được với 40.000 nông hộ và đạt được đầy đủ các giấy chứng nhận, yêu cầu của quốc tế cũng như trong nước về yêu cầu phát triển bền vững ngành hàng hồ tiêu, cà phê.
“Thế giới đang phát triển và một mình chúng ta không làm được thì việc tái khởi động nông nghiệp là điều cần thiết”, ông Lê Đức Huy khẳng định.
Để cung cấp hỗ trợ về mặt chính sách, Sách trắng đầu tiên về SIB, cũng như các nghiên cứu chính sách liên quan được thực hiện đã giúp các SIB được nhận dạng và dễ dàng hơn trong tiếp cận các chương trình hỗ trợ từ Chính phủ.
Sách trắng về các tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội Việt Nam năm 2023 đã cung cấp một cái nhìn tổng quan về hoạt động của các tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội tại Việt Nam.
Trong Sách trắng, các chỉ tiêu thống kê như số lượng và đóng góp của các tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội được tổng hợp, phân tích từ kết quả tổng điều tra doanh nghiệp, bao gồm hợp tác xã, các năm từ 2017 đến 2021; trong đó thể hiện rõ tác động của COVID - 19 thông qua so sạn dữ liệu thống kê năm 2021và năm trước đó. Đồng thời, các chỉ tiêu, chỉ số phản ảnh hiện suất sản xuất kinh doanh của các tổ chức kinh doanh, bao gồm doanh thu thuần, lợi nhuận trước thuế, thu nhập của người lao động và thu nhập bình quân cũng được phân tích, tổng hợp dựa trên kết quả tổng điều tra doanh nghiệp, hợp tác xã hàng năm trong giai đoạn 2017 - 2021.
Sách trắng hiện đang chỉ tập trung vào hai nhóm là “doanh nghiệp” và “hợp tác xã “ do đây là hai loại hình có dữ liệu thu nhập được trong cơ sở dữ liệu quốc gia. Các loại hình tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội khác chưa được thống kê do hạn chế về mặt dữ liệu…