Xây dựng hệ giá trị đặc trưng của người Hà Nội
Sáng 11/12, tại Bảo tàng Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức tọa đàm 'Triển khai các giải pháp thực hiện tuyên truyền về hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, xây dựng tiêu chí người Hà Nội thanh lịch, văn minh'.
Hà Nội - trái tim của cả nước, không chỉ là trung tâm đầu não chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của Việt Nam mà còn là nơi hội tụ tinh hoa dân tộc. Với tư cách là Thủ đô ngàn năm văn hiến, Hà Nội đã vinh dự đón nhận nhiều danh hiệu cao quý như Thành phố Anh hùng, Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, năm 2023, Sở đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức hai hội nghị tọa đàm khoa học về "Xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực Người Hà Nội thanh lịch, văn minh". Kết quả này đã là cơ sở để Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị số 30 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Ông Đào Xuân Dũng - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, Hà Nội cần phát huy mạnh mẽ các giá trị con người như nguồn lực nội sinh để phát triển. Để văn hóa Hà Nội đi đầu, gương mẫu thì không có cách nào ngoài xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Muốn vậy phải có các tiêu chí mới để đóng góp nhiều hơn nữa cho Hà Nội và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, việc xây dựng hệ giá trị đặc trưng của người Hà Nội đã được xác định dựa trên ba trụ cột: Hệ giá trị văn hóa (dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học); Hệ giá trị gia đình (ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh); và Hệ giá trị con người Việt Nam (yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo).
Tại tọa đàm "Triển khai các giải pháp thực hiện tuyên truyền về hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và xây dựng tiêu chí Người Hà Nội thanh lịch, văn minh" đã thu hút sự tham gia của hơn 100 đại biểu từ các cơ quan Trung ương và Thành phố tham gia thảo luận về việc xác định hệ giá trị đặc trưng của con người Hà Nội. Ban Tổ chức cũng đã nhận được 46 bài viết, trong đó có 27 bài từ các quận, huyện, thị xã và 19 bài từ các chuyên gia, nhà khoa học.
Các đại biểu nhấn mạnh việc xây dựng các chuẩn mực và tiêu chí người Hà Nội không chỉ nhằm nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân mà còn góp phần gia tăng sức cạnh tranh và khả năng hội nhập quốc tế của Thủ đô. Đây cũng là giải pháp quan trọng để thúc đẩy sự đoàn kết, đồng thuận xã hội, và phát triển bền vững, hướng tới mục tiêu đưa Hà Nội trở thành Thành phố phát triển toàn cầu vào năm 2045.