Xây dựng chuỗi giá trị Petrovietnam: Giải pháp chiến lược gia tăng năng lực cốt lõi

Trước bối cảnh biến động của thị trường năng lượng toàn cầu, Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) xác định việc hình thành và nâng cao chuỗi giá trị toàn Tập đoàn là giải pháp trọng yếu nhằm bảo đảm hiệu quả sản xuất kinh doanh, tối ưu nguồn lực, gia tăng năng lực cốt lõi, lợi thế cạnh tranh, đặc biệt trong giai đoạn bản lề phát triển theo mô hình tập đoàn công nghiệp - năng lượng quốc gia gắn với chiến lược phát triển mới.

Petrovietnam đã thành lập hơn 30 chuỗi liên kết đầu tư và sản xuất, góp phần hình thành hệ sinh thái công nghiệp hiện đại và đồng bộ

Petrovietnam đã thành lập hơn 30 chuỗi liên kết đầu tư và sản xuất, góp phần hình thành hệ sinh thái công nghiệp hiện đại và đồng bộ

Chuỗi liên kết - điểm tựa nội lực của Petrovietnam

Trên thực tế thời gian qua, Petrovietnam đã thành lập hơn 30 chuỗi liên kết đầu tư và sản xuất, góp phần hình thành hệ sinh thái công nghiệp hiện đại và đồng bộ. Tập đoàn đã xây dựng hệ sinh thái công nghiệp dầu khí khép kín, đồng bộ từ khâu thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến đến phân phối và dịch vụ kỹ thuật chất lượng cao. Để phát huy hiệu quả chuỗi giá trị, Petrovietnam chú trọng kết nối các nguồn lực nội tại, khắc phục tình trạng đứt gãy liên kết và tối ưu hóa tài sản, cơ sở hạ tầng sẵn có. Trên cơ sở đánh giá toàn diện năng lực, điểm mạnh - yếu và tiềm năng của từng đơn vị, Tập đoàn đã xác định các chuỗi có tính khả thi cao để tập trung đầu tư và vận hành hiệu quả.

Tiêu biểu, có thể kể đến chuỗi liên kết giữa PV GAS và PVOIL, tận dụng lợi thế riêng để sản xuất xăng nền, dầu DO; chuỗi khí - điện - đạm - cảng dịch vụ; chuỗi chế biến sâu; chuỗi dịch vụ gắn với khối thượng nguồn (E&P)… Petrovietnam cũng đẩy mạnh quản trị và điều hành theo chuỗi, số hóa tài sản, tăng cường cơ chế phối hợp giữa các đơn vị thành viên qua giao ban định kỳ. Các nhà máy, cụm công nghiệp được định hướng phát triển gắn kết, phối hợp chặt chẽ từ khâu vận hành, bảo dưỡng sửa chữa, nhân lực đến tiêu thụ, qua đó tạo lợi ích hài hòa giữa các mắt xích.

Nhờ đó, giải pháp phát triển chuỗi giá trị từng bước khẳng định vai trò trung tâm trong chiến lược tăng trưởng của Petrovietnam, giúp Tập đoàn nâng cao nội lực, thích ứng nhanh với biến động, đồng thời gia tăng sức cạnh tranh và vai trò trong chuỗi cung ứng năng lượng khu vực và toàn cầu. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường nhiều biến động và thách thức, chuỗi liên kết là minh chứng cho sự đoàn kết của Petrovietnam - yếu tố giúp Tập đoàn vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn như Covid-19, đứt gãy chuỗi cung ứng, bất ổn kinh tế - chính trị trên thế giới...

Trong giai đoạn Tập đoàn đang thực hiện bước chuyển kỷ nguyên theo mô hình tập đoàn công nghiệp - năng lượng quốc gia, giải pháp phát triển chuỗi liên kết gia tăng giá trị càng trở nên cấp thiết và đã được xác định rõ trong Chiến lược phát triển Petrovietnam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Năng lượng – Công nghiệp – Dịch vụ là 3 trụ cột chiến lược giai đoạn phát triển mới của Petrovietnam

Năng lượng – Công nghiệp – Dịch vụ là 3 trụ cột chiến lược giai đoạn phát triển mới của Petrovietnam

Chiến lược định hình mô hình phát triển theo ba trụ cột: Năng lượng – Công nghiệp – Dịch vụ, xác định năng lượng là cốt lõi, từ đó, đảm bảo cung cấp nhu cầu năng lượng quốc gia, trong đó có tỷ lệ lớn năng lượng phát thải thấp.

Mỗi trụ cột không tồn tại độc lập mà gắn kết chặt chẽ với nhau, hình thành chuỗi giá trị tích hợp từ khâu tìm kiếm – thăm dò – khai thác, chế biến – phân phối đến tiêu thụ và cung cấp dịch vụ. Đây cũng chính là cơ sở để Petrovietnam tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh và thích ứng linh hoạt với xu hướng phát triển xanh, số hóa, kinh tế tuần hoàn, chuyển dịch năng lượng.

Petrovietnam - Một hệ sinh thái hoàn chỉnh

Để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chuỗi liên kết trở thành lợi thế khác biệt nổi bật của Petrovietnam so với các doanh nghiệp cùng ngành trong nước và khu vực, gia tăng năng lực cốt lõi và sức cạnh tranh, Hội đồng Thành viên, Ban Tổng Giám đốc và các đơn vị thành viên của Petrovietnam đã thống nhất các giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, hình thành hệ sinh thái năng lượng - tối ưu sức mạnh tổng hợp. Tập đoàn tiếp tục phát huy một số chuỗi liên kết điển hình đã và đang hoạt động hiệu quả như: Chuỗi khí - điện - đạm giữa PV GAS, PV Power, PVFCCo, PVCFC; Chuỗi lọc - hóa dầu giữa BSR, PVOIL và các đơn vị chế biến - vận chuyển; Chuỗi đầu tư hạ tầng khí hóa lỏng (LNG) và cung ứng điện khí.

Đáng chú ý, Petrovietnam đang tập trung phát triển các dự án có tính liên kết chuỗi cao, tiêu biểu như chuỗi khí - điện Lô B - Ô Môn, chuỗi dự án khí Cá Voi Xanh, các cụm điện khí LNG Quảng Ninh, Quỳnh Lập… Các chuỗi này không chỉ tối ưu hiệu quả kinh tế, mà còn tạo nền tảng kỹ thuật, công nghiệp bền vững cho quốc gia.

Bên cạnh đó, chiến lược đầu tư của Tập đoàn hướng tới hình thành các trung tâm công nghiệp - năng lượng quốc gia tích hợp đa lĩnh vực như: sản xuất - chế biến - phân phối - dịch vụ. Petrovietnam đang kiến tạo các hub công nghiệp - năng lượng tích hợp quy mô quốc gia, chú trọng phát triển hạ tầng dùng chung như cảng biển, kho chứa, hệ thống đường ống liên vùng, logistics năng lượng.

Petrovietnam hướng tới hình thành các trung tâm công nghiệp - năng lượng quốc gia tích hợp đa lĩnh vực

Petrovietnam hướng tới hình thành các trung tâm công nghiệp - năng lượng quốc gia tích hợp đa lĩnh vực

Đây là yếu tố then chốt để gia tăng hiệu quả vận hành, chia sẻ nguồn lực giữa các đơn vị thành viên và giảm chi phí đầu tư cho toàn ngành. Các trung tâm này không chỉ giúp gia tăng chuỗi giá trị, tối ưu nguồn lực cho Petrovietnam, mà còn là hạt nhân phát triển vùng, lan tỏa công nghệ, nguồn nhân lực và tiêu chuẩn vận hành quốc tế đến các ngành công nghiệp liên quan.

Thứ hai, chia sẻ dữ liệu, công nghệ và nguồn lực. Để chuỗi liên kết thực sự hiệu quả, yếu tố thể chế và hạ tầng đóng vai trò then chốt. Petrovietnam hướng đến xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu dùng chung về vật tư, kỹ thuật, nhân lực, thiết bị… thúc đẩy chuyển đổi số toàn chuỗi, từ đầu tư, vận hành, thương mại đến quản trị, đào tạo.

Petrovietnam đặt mục tiêu xây dựng thể chế đặc thù, tạo điều kiện thúc đẩy liên kết giữa các đơn vị thành viên, đơn giản hóa quy trình đầu tư, mua bán nội bộ và sử dụng hạ tầng dùng chung. Cùng với đó, Tập đoàn đẩy mạnh đầu tư khoa học công nghệ và chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu chung toàn Tập đoàn, từ đó tích hợp quản trị chuỗi trên nền tảng cơ sở dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (Machine Learning) và công nghệ mô phỏng số (Digital Twin), cho phép điều hành hoạt động khai thác, sản xuất theo thời gian thực, nâng cao năng suất và giảm rủi ro.

Việc ứng dụng các công nghệ hiện đại cũng mở ra khả năng kết nối sâu rộng với các đối tác quốc tế trong các lĩnh vực mới như hydrogen, CCUS, điện gió ngoài khơi - những lĩnh vực đòi hỏi yêu cầu cao về tính đồng bộ, hệ thống và khả năng kiểm soát chuỗi giá trị một cách toàn diện.

Thứ ba, hoàn thiện thể chế nội bộ và cơ chế phối hợp chuỗi liên kết. Để liên kết hiệu quả, Petrovietnam xác định cần có quy định, tiêu chí đánh giá và cơ chế điều phối rõ ràng, đồng thời thiết lập quy chế phối hợp chuỗi cung ứng nội bộ.

Bên cạnh xây dựng chuỗi liên kết trong ngành, Petrovietnam cũng đặc biệt chú trọng liên kết với các doanh nghiệp ngoài ngành, bao gồm cả khu vực kinh tế nhà nước và tư nhân, khẳng định vai trò tiên phong của Petrovietnam trong chuyển dịch năng lượng, góp phần nâng cao nội lực quốc gia trong bối cảnh cạnh tranh và biến động toàn cầu ngày càng gia tăng.

Không chỉ giới hạn trong nước, Petrovietnam định hướng phát triển các chuỗi liên kết xuyên biên giới, thông qua đầu tư thượng nguồn ở nước ngoài, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dầu khí, LNG, hydrogen, ammoniac xanh, nhiên liệu sinh học... qua đó từng bước khẳng định vị thế của Petrovietnam trong chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu.

Liên kết chuỗi là giải pháp chiến lược gia tăng giá trị, kết nối nguồn lực, giúp Petrovietnam thực sự phát huy được sức mạnh tổng thể, khẳng định vai trò trụ cột trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và dẫn dắt quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới. Như định hướng của Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng “Với mục tiêu đầy khát vọng, Petrovietnam đang chuyển dịch mạnh mẽ sang mô hình tập đoàn công nghiệp - năng lượng quốc gia với 3 trụ cột: Năng lượng - Công nghiệp - Dịch vụ. Việc kết nối chuỗi giá trị chính là cốt lõi tạo nên lợi thế cạnh tranh khác biệt nổi bật trong tương lai, bởi Petrovietnam không chỉ là một doanh nghiệp, mà là một hệ sinh thái hoàn chỉnh trên cả 5 lĩnh vực trong tư duy công nghiệp - năng lượng”.

Phương Thảo

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/xay-dung-chuoi-gia-tri-petrovietnam-giai-phap-chien-luoc-gia-tang-nang-luc-cot-loi-729563.html
Zalo