Xây dựng chuỗi cung ứng nông sản an toàn bền vững giữa TPHCM và Lâm Đồng

Việc xây dựng chuỗi cung ứng giữa TPHCM và tỉnh Lâm Đồng nhằm đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm - vốn đang được xã hội đặc biệt quan tâm.

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở An toàn Thực phẩm TPHCM tại buổi làm việc. (Ảnh: L.N).

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở An toàn Thực phẩm TPHCM tại buổi làm việc. (Ảnh: L.N).

Ngày 26/7, Hội nghị sơ kết công tác phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn giữa TPHCM và tỉnh Lâm Đồng năm 2024 diễn ra nhằm giải quyết các vấn đề về chất lượng và tạo cầu nối vững chắc cho doanh nghiệp hai địa phương.

Kết quả từ các chuỗi cung ứng an toàn

Tính đến nay, tỉnh Lâm Đồng có 18 cơ sở tham gia đề án xây dựng mô hình thí điểm “Chuỗi thực phẩm an toàn”, cung cấp cho thị trường TPHCM 19.888 tấn rau, củ, quả và 8.081 tấn thịt heo mỗi năm.

Riêng trong năm 2024, có thêm 5 cơ sở mới tham gia. Các sản phẩm từ chuỗi không chỉ được đảm bảo về chất lượng từ khâu sản xuất mà còn được quản lý chặt chẽ trong suốt quá trình vận chuyển và phân phối.

Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ từ Dự án “An toàn thực phẩm vì sự phát triển” (SAFEGRO) do Canada tài trợ, các doanh nghiệp Lâm Đồng tiếp tục nâng cao năng lực.

Điển hình là trường hợp Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Nông sản Phong Thúy, được hỗ trợ xây dựng mô hình theo tiêu chuẩn GlobalG.A.P., hoàn thiện phần mềm truy xuất nguồn gốc minh bạch và phát triển thương hiệu, bao bì cho các sản phẩm chủ lực như xà lách, cà chua, dưa leo…

 Sản phẩm trưng bày của Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Sơn Farm. (Ảnh: L.N)

Sản phẩm trưng bày của Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Sơn Farm. (Ảnh: L.N)

Ngoài ra, Sở An toàn thực phẩm TPHCM tạo điều kiện cho doanh nghiệp Lâm Đồng tham quan, khảo sát tại Siêu thị MM Mega An Phú, kết quả là 3 biên bản ghi nhớ hợp tác được ký kết.

Đặc biệt, sự kiện quảng bá "Bơ 034 - Lâm Đồng hành trình xanh cùng hệ thống siêu thị Bách hóa Xanh" có 11 hợp đồng cung cấp được ký kết trực tiếp, mở ra kênh tiêu thụ ổn định cho đặc sản của tỉnh.

Một sáng kiến nổi bật khác là chương trình "Tick xanh trách nhiệm" do Sở Công Thương TPHCM triển khai. Đến nay, có 59 nhà cung cấp nông sản Lâm Đồng tham gia.

Hệ thống siêu thị Bách Hóa Xanh tổ chức ký kết chương trình này với 16 nhà cung cấp tại Lâm Đồng với mục tiêu chung tay ngăn chặn thực phẩm không an toàn và bảo vệ người tiêu dùng.

Kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt

Bà Phạm Khánh Phong Lan – Giám đốc Sở An toàn Thực phẩm TPHCM cho biết, năm 2024, Sở tiến hành lấy 332 mẫu rau củ quả có nguồn gốc từ Lâm Đồng để kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Kết quả cho thấy: 331/332 mẫu (99,7%) đạt chuẩn. Chỉ có 1 mẫu duy nhất (0,3%) bị phát hiện vi phạm và đã thông tin đến Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng để phối hợp xử lý tận gốc, thể hiện một cơ chế quản lý khép kín và có trách nhiệm.

Hiện, có 79 cơ sở sản xuất của Lâm Đồng được cấp chứng nhận an toàn, cung cấp nông sản cho thị trường TPHCM.

Theo bà Lan, TPHCM và Lâm Đồng tiếp tục đẩy mạnh các nội dung hợp tác trong thời gian tới. Kế hoạch trọng tâm bao gồm việc tiếp tục triển khai và nhân rộng Đề án "Chuỗi thực phẩm an toàn", dự kiến tổ chức Hội nghị tổng kết giai đoạn 2021-2025 và Hội chợ triển lãm, trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các cơ sở tham gia “Chuỗi thực phẩm an toàn” tháng 11/2025.

 Người dân luôn quan tâm đến nguồn gốc và thành phần trước khi lựa chọn mua một sản phẩm. (Ảnh: L.N)

Người dân luôn quan tâm đến nguồn gốc và thành phần trước khi lựa chọn mua một sản phẩm. (Ảnh: L.N)

Đồng thời, hai bên tăng cường công tác giám sát chéo, lấy mẫu kiểm tra tại các kênh phân phối ở TPHCM và tại nơi sản xuất ở tỉnh Lâm Đồng; tiếp tục tận dụng sự hỗ trợ của dự án SAFEGRO để nâng cấp các chuỗi giá trị và hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc, hướng tới một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm và hiệu quả.

“Sự hợp tác chặt chẽ giữa TPHCM và Lâm Đồng tạo ra một hình mẫu điển hình về liên kết vùng, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn củng cố niềm tin của người tiêu dùng vào nông sản Việt, góp phần xây dựng một tương lai an toàn và bền vững”, bà Lan nhấn mạnh.

Lâm Đồng hiện nay là tỉnh có diện tích lớn nhất nước với diện tích tự nhiên hơn 24.233km2; dân số hơn 3,87 triệu người. Là tỉnh có tiềm năng và lợi thế về tài nguyên đất đai, nguồn nước, nguồn nhân lực và điều kiện sinh thái phù hợp để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa với các loại nông đặc sản ưu thế so với các vùng khác như: Rau củ quả, hoa, chè, cà phê, sầu riêng, thanh long và các loại thủy hải sản….

Ngành nông nghiệp của Lâm Đồng có diện tích canh tác khoảng 1.052,1 nghìn ha, trong đó diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao khoảng hơn 107 nghìn ha, tập trung phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh như cà phê, chè, rau củ quả, hoa, cây ăn quả, dâu tằm…

Lâm Ngọc

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/xay-dung-chuoi-cung-ung-nong-san-an-toan-ben-vung-giua-tphcm-va-lam-dong-post741558.html
Zalo