Xây dựng chính sách, pháp luật về nhà giáo nhìn từ kinh nghiệm quốc tế

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia liên quan đến điều chỉnh vai trò của nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo.

Ngày 26/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với UNESCO tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Khung chính sách và pháp lý đối với nhà giáo trong bối cảnh toàn cầu hóa - Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất đối với Việt Nam”.

 Hội thảo “Khung chính sách và pháp lý đối với nhà giáo trong bối cảnh toàn cầu hóa - Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất đối với Việt Nam”. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Hội thảo “Khung chính sách và pháp lý đối với nhà giáo trong bối cảnh toàn cầu hóa - Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất đối với Việt Nam”. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Tại hội thảo, Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến đã có phần trình bày về “Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị về chính sách, pháp luật nhà giáo Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa”. Theo Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến, trong bối cảnh hiện nay, đang có những thay đổi mạnh mẽ về nhận thức đối với vị thế và vai trò nhà giáo ngày nay trước yêu cầu phát triển giáo dục trong một thế giới thay đổi nhanh chóng và khó lường.

Vấn đề đặt ra rằng trong bối cảnh đó, kinh nghiệm thế giới có thể gợi ý gì cho việc xây dựng và phát triển chính sách, pháp luật về nhà giáo tại Việt Nam.

 Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Về những tác động đến vai trò, vị thế và chính sách đối với nhà giáo ở Việt Nam, theo thầy Tiến, 10 năm qua, chúng ta đã thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đó chính là chuyển đổi giáo dục trong bối cảnh Việt Nam.

Cùng với quan điểm về chuyển đổi giáo dục đó thì chính sách nhà giáo theo Nghị quyết 29 đã phát triển đội ngũ nhà giáo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới.

Và ở mỗi giai đoạn đổi mới giáo dục, theo xu thế giáo dục toàn cầu, các văn bản quy phạm đã được ban hành để nâng cao năng lực và động lực của đội ngũ nhà giáo khi vai trò của nhà giáo ngày càng phức tạp với tư cách là người hướng dẫn, người tạo điều kiện và người sáng tạo tri thức.

Trình bày về kinh nghiệm quốc tế trong phát triển chính sách, pháp luật về nhà giáo, theo Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến, UNESCO và ILO là những tổ chức quốc tế đầu tiên khởi xướng việc ban hành các khuyến nghị năm 1966 và 1997 về vị thế nhà giáo.

Bên cạnh đó, vào những năm đầu thế kỷ 21, với ngày càng nhiều bằng chứng khoa học về vai trò quyết định của đội ngũ nhà giáo trong việc nâng cao chất lượng giáo dục: Nhiều tổ chức quốc tế khác như Ngân hàng thế giới, OECD, UNICEF, EI (Tổ chức Giáo dục Quốc tế) đã chung tay làm rõ một loạt vấn đề mà việc phát triển chính sách nhà giáo cần lưu ý.

Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, với các xu thế giáo dục toàn cầu liên tục xuất hiện cùng các sáng kiến thúc đẩy chuyển đổi giáo dục: Các nghiên cứu và khuyến nghị về chính sách nhà giáo phát triển rất mạnh mẽ.

Do đó, một nền tảng tri thức phong phú và tin cậy đã hình thành làm cơ sở cho phát triển chính sách nhà giáo.

Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế, Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, chính sách nhà giáo có hiệu quả nhất khi được xây dựng theo một tiếp cận tổng thể và toàn diện; làm rõ được những vấn đề cần tháo gỡ, đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cùng các thách thức và rào cản trong việc thiết kế và tổ chức thực hiện các chính sách trước đây về nhà giáo. Đó không nhất thiết phải là một văn bản chính sách hoàn toàn mới mà chỉ cần là một văn bản hợp nhất được các chính sách riêng lẻ và thành công trước đây về nhà giáo trong một khung pháp lý thống nhất.

Nhận định mặc dù đội ngũ nhà giáo Việt Nam đã có nhiều tiến bộ so với trước, nhưng trước yêu cầu ngày càng cao và phức tạp của công cuộc đổi mới giáo dục, đội ngũ này vẫn đang trong tình trạng thiếu về số lượng, bất hợp lý về cơ cấu, chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng, Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến cũng đưa ra một số khuyến nghị cụ thể về phát triển chính sách, pháp luật về nhà giáo ở Việt Nam như sau:

Một là, xây dựng chính sách nhà giáo theo tiếp cận toàn diện và tổng thể, phù hợp với các quan điểm chỉ đạo trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục;

Hai là, phát triển các chương trình đào tạo và bồi dưỡng nhà giáo theo định hướng chuyển đổi, đi trước một bước để sẵn sàng cho việc chuyển đổi việc dạy và học trong các cơ sở giáo dục;

Ba là, nhận diện và khắc phục những tồn tại, rào cản hiện nay trong tuyển dụng, sử dụng và giữ chân nhà giáo;

Bốn là, nâng cao tính chuyên nghiệp của nghề dạy học;

Năm là, cải thiện các điều kiện làm việc của nhà giáo trên cơ sở xây dựng văn hóa học đường tích cực;

Sáu là, đảm bảo chế độ tiền lương, đãi ngộ và khen thưởng nhà giáo tương xứng với vị thế, vai trò, trách nhiệm và hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo;

Bảy là, thúc đẩy trách nhiệm của nhà giáo trong phát triển chuyên môn nghề nghiệp;

Tám là, nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác quốc tế về nhà giáo;

Chín là, xây dựng cơ chế quản lý nhà giáo thống nhất trong toàn ngành giáo dục.

Là đơn vị đào tạo, tại hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn – Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất, dự thảo cần xây dựng chuẩn đội ngũ nhà giáo có năng lực tiệm cận với yêu cầu quốc tế. Chất lượng người thầy phải gắn với học tập, bồi dưỡng suốt đời như vậy mới đáp ứng sự thay đổi, tác động của bối cảnh.

Song song với năng lực, đạo đức nhà giáo là nội dung được Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm, theo đó, thầy cô phải đi đầu trong thực hiện pháp luật, gương mẫu trong hành xử.

Còn theo thầy Nguyễn Đức Phương, giảng viên tại Lào mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ra quy định điều động biệt phái nhà giáo và chính sách hợp tác quốc tế giữa chính phủ quốc tế và Việt Nam tại dự thảo Luật Nhà giáo. Đồng thời quy định một cách đầy đủ hơn về chế độ, chính sách đối với giảng viên thực hiện giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài.

Đánh giá cao cách tiếp cận của dự thảo Luật Nhà giáo, đặc biệt là sau các lần chỉnh sửa, bổ sung thì đã có sự tương đồng đối với luật về nhà giáo ở các quốc gia trên thế giới, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Xuân Hải - Hiệu trưởng Trường Đại học Hải Phòng có những ý kiến góp ý thêm về công tác tuyển dụng giảng viên ở các cơ sở giáo dục đại học công lập; lưu ý chính sách về lương giáo viên đối với các cơ sở giáo dục đại học tự chủ, chưa tự chủ; thu hút giảng viên, chế độ cho giảng viên người nước ngoài.

Để thu hút được các giáo viên nước ngoài, theo cô Nguyễn Kim Dung – Giám đốc Pháp chế và Đối ngoại Trường Đại học Anh Quốc chia sẻ, cũng cần có những sự điều chỉnh phù hợp để tạo điều kiện cho giảng viên hành nghề tại Việt Nam.

Đối với chính sách thu hút nhà giáo, chính sách hiện hành mới ở mức độ để thu hút nhà giáo trong nước, chưa có chính sách thu hút nhân tài, thu hút nhà giáo nước ngoài có trình độ cao vào Việt Nam giảng dạy ở các ngành nghề mới mà nhu cầu xã hội đang cần. Trong khi đó, Việt Nam có rất ít giảng viên đáp ứng các nhu cầu này

Vì vậy, cô Dung kiến nghị nên miễn giấy phép lao động, đơn giản hóa hành chính đối với giảng viên nước ngoài.

Ngoài ra, hiện nay về trình độ chuẩn của nhà giáo trong nước và quốc tế đang khác nhau. Nếu như ở Việt Nam, giáo viên phải có trình độ cử nhân Sư phạm hoặc chứng chỉ liên quan, thì các nước như Mỹ, Úc chỉ cần có bằng cử nhân.

"Do đó, thầy cô ở nước ngoài rất bị hạn chế cấp phép giảng dạy vào nước ta dù họ có đủ trình độ, chuyên môn", cô Dung cho hay.

 Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Ghi nhận các ý kiến đóng góp tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, quan điểm xây dựng luật xây dựng khung quy định, nhiều vấn đề chi tiết sẽ được thể hiện ở các văn bản dưới luật.

Trao đổi 5 vấn đề, Thứ trưởng nhấn mạnh, thứ nhất, các nước tiến tiến và có truyền thống về giáo dục, họ xác định vai trò, vị thế của nhà giáo đối với sự hưng thịnh của quốc gia. Đầu tư cho giáo dục, phát triển nhà giáo là đầu tư cho sự phát triển, cho hiện tại và tương lai.

Thứ hai, xây dựng các chính sách theo hướng tăng cường và thuận lợi nhất để thu hút phát triển nhà giáo. Đó không chỉ là vấn đề tiền lương, mà còn là điều kiện làm việc, không gian sáng tạo... Đây không phải ưu đãi, biệt đãi đối với nhà giáo, mà là những chính sách cơ bản mà kinh nghiệm trên quốc tế đã chứng minh.

Thứ ba, chính sách tuyển dụng, quản lý nhà giáo theo hướng phân cấp theo hệ thống ngành dọc.

Thứ tư, thời gian tới, trong quá trình tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hướng tới xây dựng những chính sách phát triển đội ngũ nhà giáo.

Thứ năm, ghi nhận, tiếp thu, tổng hợp đầy đủ ý kiến của các chuyên gia, nhà đào tạo theo tinh thần khoa học, có chọn lọc trên cơ sở phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam.

Thu Trang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/xay-dung-chinh-sach-phap-luat-ve-nha-giao-nhin-tu-kinh-nghiem-quoc-te-post247371.gd
Zalo