Xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp - trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trước vận hội mới - Bài cuối
Bài cuối: Đội ngũ cán bộ xã - trách nhiệm, áp lực lớn nhưng là chìa khóa thành công
Vận hành mô hình chính quyền hai cấp tỉnh - xã, cán bộ xã giữ vai trò then chốt, “một vai nhiều gánh”: vừa quản lý nhà nước, vừa tổ chức vận động nhân dân, vừa truyền đạt chủ trương, chính sách… tất cả đều phải làm tốt để phục vụ dân, giữ niềm tin của dân. Một số thế lực thù địch xuyên tạc rằng mô hình mới khiến cán bộ xã bị “quá tải”, “làm thay việc dân” để phủ nhận nỗ lực của đội ngũ cơ sở. Luận điệu ấy hoàn toàn sai trái. Thực tế, chính sự tận tâm, trách nhiệm của cán bộ xã xây dựng niềm tin trong nhân dân, khẳng định vai trò nòng cốt của tổ chức Đảng ở cơ sở và là minh chứng sống động cho hiệu quả đổi mới mô hình chính quyền vì dân phục vụ.
Trao thêm quyền, thêm trách nhiệm
Thực thi mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, đặc biệt là mở rộng quyền hạn và trách nhiệm cho cấp xã, phường là chủ trương lớn của Đảng nhằm đưa chính quyền đến gần dân, phục vụ dân tốt hơn. Tuy nhiên, các thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị đã cố tình xuyên tạc “giảm cấp” là “tách dân khỏi Đảng”, “đẩy quyền lực về trung tâm, bỏ mặc cơ sở”... Đây là những luận điệu sai trái, không đúng với thực tiễn đổi mới đang diễn ra tích cực tại cơ sở.
Toàn dân phấn khởi hưởng ứng mô hình chính quyền xã, phường mới. Bởi từ nay, cấp hành chính cơ sở có thêm nhiệm vụ lớn hơn là trung tâm tổ chức thực hiện đa số chủ trương, chính sách, pháp luật... của Đảng, Nhà nước trực tiếp tác động, phục vụ đời sống người dân. Quyền hạn và trách nhiệm của cấp xã đang ngày càng mở rộng, kéo theo khối lượng công việc lớn hơn và yêu cầu cao hơn đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên (CBĐV) xã, phường - những người đang “một vai nhiều gánh”, vừa lo quản lý nhà nước, vừa trực tiếp phục vụ và vận động nhân dân.
Trước đây, cấp xã, phường chủ yếu làm các nhiệm vụ hành chính cơ bản, phần lớn các quyết định phụ thuộc cấp huyện. Khi chuyển sang mô hình chính quyền 2 cấp, khâu trung gian cấp huyện cắt giảm, phân quyền sâu hơn cho CBĐV cấp xã. Điều đó đòi hỏi cán bộ cấp xã không chỉ giỏi chuyên môn, hiểu luật, mà còn phải có kỹ năng dân vận, tổ chức thực hiện và phối hợp liên ngành… Họ vừa là công chức hành chính, vừa tuyên truyền viên, tổ chức phong trào, hòa giải, là cầu nối chính sách giữa Đảng, chính quyền và nhân dân.

Cao Bằng cải cách hành chính theo hướng “một cửa”, “một cửa liên thông” được triển khai quyết liệt tại các xã, phường mới.
Mở rộng quyền lực đồng nghĩa với mở rộng trách nhiệm phục vụ dân. Đồng chí Đàm Đình Đạo, từ Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Quảng Hòa về làm Chủ tịch UBND xã Phục Hòa cho rằng: Mô hình xã mới, cán bộ xã không chỉ hoàn thành công việc theo quy định mà còn phải làm tốt hơn để người dân hài lòng, giải quyết công việc thấu đáo, công bằng, minh bạch, không để dân cảm thấy không bị xa rời giữa guồng máy cải cách. Mô hình chính quyền 2 cấp, đặt cấp xã vào vị trí trung tâm thì CBĐV càng tận tâm trong phục vụ dân, bởi mọi chính sách dù lớn đến đâu cũng phải đi qua cấp xã để đến được từng hộ, từng người dân.
Khi được trao thêm quyền, nhiều CBĐV phát huy tính chủ động, linh hoạt, làm việc sâu sát cơ sở, gần dân. Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Hân, nguyên Chủ tịch UBND phường Hợp Giang (Thành phố) nay làm cán bộ phường Thục Phán, không chỉ điều hành thông suốt công tác quản lý hành chính mà còn trực tiếp xuống cơ sở vận động người dân đồng thuận tháo gỡ các điểm nóng dân cư... Đó là hình ảnh chân thực của CBĐV tận tâm phục vụ dân.
Tâm huyết và trách nhiệm - xóa bỏ nguy cơ “thủ tục hóa” mô hình
Một trong những yêu cầu cấp thiết đặt ra trong cách mạng tinh gọn bộ máy, cải cách hành chính phải đi vào thực chất, tạo chuyển biến tích cực trong đời sống nhân dân, chứ không dừng lại ở hình thức, khẩu hiệu. Do đó, CBĐV cơ sở chính là mắt xích then chốt, nếu không nhận thức đầy đủ về vai trò, trách nhiệm, tâm huyết trong công cuộc đổi mới sẽ dễ dẫn đến căn bệnh: “thủ tục hóa” mô hình, hành chính hóa cải cách, biến một chủ trương đúng thành hình thức, rập khuôn và làm nghèo đi giá trị tư tưởng, chiến lược đổi mới của Đảng.
Thực tế cho thấy, có nơi, có lúc, một số CBĐV còn nhìn nhận chính quyền 2 cấp, một cửa liên thông, chuyển đổi số… là “cơ chế mới”, “công cụ hành chính” chứ không phải đòi hỏi đổi mới từ tư duy đến hành động. Vẫn làm việc theo kiểu “có chỉ đạo thì làm”, “đúng quy trình là xong” mà không quan tâm đến kết quả cuối cùng là sự hài lòng của người dân nên có thể khiến cải cách dễ rơi vào hình thức. Nếu còn những CBĐV chưa nhận thức đầy đủ sẽ dẫn đến “thủ tục hóa” hành chính, tạo kẽ hở để các thế lực thù địch, kẻ xấu sẽ lợi dụng quy chụp rằng “cải cách chỉ là khẩu hiệu”, “Đảng xa rời thực tế”, “cán bộ làm vì thành tích”… gây sự hoài nghi trong dân, làm xói mòn niềm tin nếu chúng ta không kịp thời nhận diện để làm thực chất và đấu tranh phản bác.
Loại bỏ cách nghĩ hạn chế trên, CBĐV luôn xác định mình là chủ thể dẫn dắt tư tưởng và hành động cải cách hành chính, biến mô hình thành thực tiễn sống động, là cầu nối đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào lòng dân. Trên địa bàn tỉnh, cải cách hành chính theo hướng “một cửa”, “một cửa liên thông” được triển khai quyết liệt tại các xã, phường mới. Anh Nguyễn Văn Thịnh, phường Tân Giang chia sẻ: Trước đây giải quyết thủ tục giấy tờ đi lòng vòng từ phường lên Thành phố. Giờ chỉ cần lên bộ phận một cửa phường nộp và hẹn ngày là nhận kết quả. Cán bộ giờ tiếp dân nhanh hơn, vui vẻ thân thiện hơn.
Nhiều đảng viên cơ sở tâm huyết nêu gương, khơi dậy niềm tin trong nhân dân. Đồng chí Đàm Thị Phượng, nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Tà Lùng (Quảng Hòa) nay sáp nhập về làm cán bộ xã Phục Hòa, trước khi sáp nhập xã, đồng chí Phượng không ngồi chỉ đạo trên giấy mà xây dựng mô hình “Dân gọi cán bộ công chức trả lời” cùng cán bộ đơn vị trực tiếp hướng dẫn người dân cách tra cứu hồ sơ qua máy tính, điện thoại… làm thủ tục hành chính; đôn đốc cán bộ “làm nhanh, giải quyết tận nơi” lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả công việc. Bà con được hướng dẫn, từ e ngại sang chủ động sử dụng dịch vụ công trực tuyến thay vì đến trụ sở UBND thị trấn.
Nếu còn những CBĐV ngại đổi mới, xem cải cách như mệnh lệnh hành chính sẽ tạo sơ hở cho kẻ xấu xuyên tạc rằng cải cách chỉ là hình thức. Vì trong thời đại bùng nổ thông tin, các thế lực thù địch luôn rình rập để bóp méo bất kỳ sơ hở nào. Mỗi biểu hiện trì trệ đều là “góc tối” để kẻ xấu khai thác tung tin giả thất thiệt. Do đó, phòng chống nguy cơ “thủ tục hóa” mô hình chính là nhiệm vụ quan trọng trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng khi tiến hành tinh gọn bộ máy.

Cán bộ, đảng viên phường Tân Giang phát huy tính chủ động, linh hoạt, làm việc sâu sát cơ sở, gần dân.
Tăng quyền lực, tăng thêm cách làm mới để phục vụ dân hiệu quả hơn
Mở rộng quyền lực, không gian phát triển cho chính quyền cấp xã, phường đồng thời tăng thêm trách nhiệm cho CBĐV cơ sở. Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, CBĐV cấp xã phải được đầu tư, hỗ trợ và tin tưởng giao việc xứng đáng, để họ không chỉ “một vai nhiều gánh” mà còn “gánh đúng, gánh trúng, gánh vì dân”. Chính họ là những người gần dân nhất, là lực lượng quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ dân trong thời kỳ mới.
Qua vận hành xã, phường mới cho thấy nhiều CBĐV được mở rộng quyền hạn sẽ phát huy được tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt. Đồng chí Chu Phương Thanh, nguyên Trưởng Ban pháp chế HĐND huyện Hòa An, nay chuyển về làm Phó Chủ tịch UBND xã Hòa An mới không chỉ quản lý hành chính mà còn thường xuyên xuống địa bàn nắm tình hình, vận động từng hộ dân làm đường, xây dựng nông thôn mới, tháo gỡ điểm nóng dân cư… với tinh thần cầu thị, thấu hiểu, thuyết phục được nhân dân ủng hộ, tin yêu. Đó là hình ảnh cán bộ xã mới đúng nghĩa, không né tránh, không hình thức mà tận tâm phục vụ dân vì lợi ích chung.
Thúc đẩy chính quyền xã, phường mới vận hành hiệu quả cần thêm các giải pháp căn cơ cho CBĐV xã, phường: tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, tập huấn kỹ năng dân vận và chuyên môn; cấp trên điều động cán bộ có năng lực từ tỉnh, huyện về xã công tác sẽ tạo luồng sinh khí mới, hỗ trợ chuyên môn và truyền cảm hứng đổi mới cho CBĐV cơ sở… Những cán bộ trẻ, có tư duy hiện đại sẽ góp phần khơi dậy sự năng động trong tổ chức thực thi nhiệm vụ tại cơ sở.
Bên cạnh đó, CBĐV xã, phường cần phát huy mô hình “Cán bộ dân vận khéo”, “Chính quyền điện tử gần dân”, cải cách hành chính tại bộ phận một cửa; huy động vai trò chi bộ, các tổ chức đoàn thể thôn, xóm như “tai mắt” là “tay nối dài” của chính quyền. Khi chi bộ mạnh, đoàn thể gần dân, chính quyền sẽ không bị bất ngờ trước các điểm nóng, không bị gián đoạn trong truyền đạt chủ trương.
Đặc biệt, CBĐV phải lấy ý kiến, mức độ hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả nhiệm vụ, là công cụ giám sát thường xuyên. Khi người dân được tham gia đánh giá cải cách sẽ tránh được bệnh cải cách hình thức, đồng thời tạo động lực để CBĐV phục vụ bằng cả tâm huyết.
Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy sẽ thành công khi có sự chuyển biến từ tư duy đến hành động của CBĐV. Sự đồng hành từ cấp trên, sự giám sát từ nhân dân và tinh thần cống hiến từ mỗi CBĐV cơ sở chính là “bộ ba” bảo đảm cải cách không rơi vào hình thức, đúng nhịp, vững vàng, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Khẳng định tính ưu việt của nền hành chính phục vụ dân do Đảng lãnh đạo, chuẩn bị cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới.