Xanh hóa những dòng sông chảy qua nội đô Hà Nội
Hà Nội đang thực hiện một chiến lược táo bạo và quyết liệt nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm các dòng sông lịch sử trong lòng Thủ đô.

Toàn cảnh công trình đập tràn giữ nước đầu tiên trên sông Tô Lịch nhìn từ trên cao, nổi bật với hình khối rõ ràng và các lớp chắn nước bố trí song song. Ảnh: Khánh Huy
Sông Tô Lịch thay đổi mỗi ngày
Trong đó, sông Tô Lịch là tâm điểm của chiến dịch nạo vét bùn và cải thiện chất lượng nước. Đây không chỉ là một hoạt động khắc phục ô nhiễm đơn lẻ, mà là bước khởi đầu cho một kế hoạch dài hạn, khôi phục những dòng sông ô nhiễm như: Tô Lịch, Nhuệ, Đáy, Kim Ngưu, Sét và Lừ.
Từ đầu tháng 2/2025, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã triển khai chiến dịch nạo vét sông Tô Lịch, đặt mục tiêu hút khoảng 50.000 - 60.000m³ bùn thải trước tháng 8/2025. Công việc chủ yếu được thực hiện vào ban đêm để giảm thiểu tác động đến giao thông, nhưng công nhân vẫn phải làm việc trong những điều kiện hết sức khắc nghiệt: ngâm mình trong dòng nước đen đặc, đối diện với mùi hôi nồng nặc và rác thải lẫn trong bùn. Những nỗ lực này không chỉ nhằm khơi thông dòng chảy mà còn tạo nền tảng cho các dự án lớn hơn. Mới đây, kế hoạch bổ cập nước từ sông Hồng - với mức đầu tư 550 tỷ đồng - sẽ hỗ trợ cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch, giúp thau rửa và khôi phục hệ sinh thái của con sông này.
Để bảo đảm hiệu quả lâu dài, ngoài công tác nạo vét, Hà Nội còn dồn lực hoàn thiện các dự án xử lý nước thải, với Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá là dự án trọng điểm. Dự án này sẽ góp phần thu gom và xử lý lượng nước thải chưa qua xử lý từ các khu đô thị trước khi xả ra sông Tô Lịch và các nhánh sông khác. Hiện dự án đã đạt hơn 90% tiến độ xây dựng và dự kiến đi vào vận hành trong thời gian tới. Khi hoàn thành, nhà máy sẽ giúp giảm đáng kể lượng nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý đổ vào sông, qua đó góp phần cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch và hệ thống sông nội đô của Hà Nội.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, trung bình mỗi ngày, sông Tô Lịch phải tiếp nhận khoảng 160.000m3 nước thải sinh hoạt. Hầu hết lượng nước thải này không được xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn đã xả trực tiếp ra sông. Sau nhiều năm ô nhiễm nghiêm trọng, Hà Nội hiện đang đồng loạt triển khai các giải pháp kỹ thuật - hạ tầng - môi trường - cảnh quan, với mục tiêu trả lại dòng chảy xanh cho sông Tô Lịch.
Báo cáo mới đây của Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Sở Xây dựng đã hoàn thành giai đoạn I việc nạo vét bùn lòng sông, từ đường Hoàng Quốc Việt đến cầu Khương Đình, với chiều dài tuyến khoảng 7km, khối lượng khoảng 49.914m3.
Dự kiến, trong tháng 8/2025, sẽ hoàn thành giai đoạn 2 (từ cầu Khương Đình đến chùa Long Quang) với chiều dài 5km, khối lượng khoảng 11.800m3. Đối với việc chỉnh trang vệ sinh môi trường, cây xanh 2 bên sông, Sở Xây dựng đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Hà Nội và các nhà thầu thực hiện duy trì cây cảnh, cây mảng, thảm cỏ trên tuyến đường Láng và dọc bờ sông Tô Lịch thường xuyên, liên tục, bảo đảm tần suất theo quy định.
Phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô
Để đạt được mục tiêu làm sạch sông Tô Lịch và các con sông ô nhiễm khác, TP cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng. Các quận như Ba Đình, Đống Đa và Cầu Giấy đã lắp đặt camera giám sát để ngăn chặn hành vi xả rác bừa bãi. Các phong trào “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp” cũng được phát động mạnh mẽ, khuyến khích người dân tham gia phân loại rác tại nguồn và giảm thiểu xả thải ra sông.
Mặc dù các nỗ lực đang được triển khai khẩn trương, tiến độ hoàn thiện các dự án vẫn là một thách thức lớn. Việc xử lý ô nhiễm không thể chỉ dừng lại ở các dự án nạo vét bùn hay xây dựng nhà máy xử lý nước thải. Các chuyên gia môi trường cho rằng việc kiểm soát chặt chẽ nguồn xả thải và triển khai các giải pháp đồng bộ là yếu tố then chốt. Nếu các dự án không được giám sát chặt chẽ và đi vào vận hành đúng tiến độ, những nỗ lực hiện tại sẽ không mang lại hiệu quả bền vững.
Hà Nội cũng cần những giải pháp đột phá hơn trong việc tạo dòng chảy cho các con sông. Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, việc bổ sung nước sạch từ sông Hồng là điều kiện cần thiết để khôi phục dòng chảy tự nhiên và làm sạch sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy. Từ những nỗ lực làm sạch các dòng sông, Hà Nội đang dần chuyển mình thành một TP xanh, trong lành hơn, không chỉ cho các thế hệ hiện tại mà còn cho thế hệ tương lai. Dự án làm sạch sông Tô Lịch sẽ là một mô hình để áp dụng cho các dòng sông khác, tạo nền tảng cho một Hà Nội bền vững và thân thiện với môi trường.
Đáng chú ý, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 3865/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét”, giai đoạn 2025–2030.
Theo đó, phê duyệt Đề án "Phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô" và danh mục 32 chương trình, dự án giai đoạn 2025 - 2030 tập trung triển khai các nội dung như: kiểm soát - phòng ngừa ô nhiễm; xây dựng hệ thống sông nội đô cân bằng - sinh thái; thiết kế, quy hoạch, cải tạo cảnh quan kiến trúc; tăng cường năng lực - nâng cao nhận thức; cụ thể như các Dự án xử lý nước thải Yên Xá; Dự án Xây dựng hệ thống thu gom nước thải (lưu vực S1) về nhà máy xử lý nước thải Yên Sở; nghiên cứu, đề xuất giải pháp bổ cập nước đối với sông Kim Ngưu, Lừ, Sét; Dự án tổng thể đầu tư xây dựng bổ cập nước, cải tạo chỉnh trang sông Tô Lịch...
TP giao Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức triển khai Đề án; đôn đốc, tổng hợp và báo cáo kết quả thực hiện hằng năm. Căn cứ Danh mục các chương trình, dự án ưu tiên đã được UBND TP phê duyệt tại Đề án, các đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, tổng hợp kinh phí thực hiện hằng năm, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Nguồn kinh phí được cấp từ ngân sách TP, phường/xã và các nguồn huy động hợp pháp khác.