'Xanh hóa' để làm chủ 'cuộc chơi' trong Hiệp định RCEP

RCEP mang đến cơ hội lớn cho ngành hàng, nhưng cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải chuyển đổi xanh để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và cạnh tranh bền vững.

Coi "tiêu chuẩn xanh" là động lực

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Hiệp định RCEP) là hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa 10 nước ASEAN và 5 đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand. Hiệp định chiếm khoảng 30% của tổng sản phẩm nội địa GDP toàn cầu, trở thành một khối thương mại lớn nhất trong lịch sử.

Với Việt Nam, Hiệp định RCEP chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Đây là một trong số 17 FTA mà Việt Nam tham gia. Các FTA đang mang đến những điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp để mở rộng thị trường xuất khẩu. Cùng với đó, các FTA cũng đem lại những ưu đãi thuế dành cho hàng hóa Việt Nam có nguồn gốc phù hợp được chứng nhận, sản xuất bền vững và minh bạch thông tin. Do vậy, để tận dụng tối đa các ưu đãi thương mại từ thị trường FTA, doanh nghiệp cần phải đổi mới mọi hoạt động, trong đó có những tiêu chuẩn "xanh hóa".

Dệt may là một trong những ngành hàng sản xuất và xuất khẩu chủ lực của Vệt Nam. Ảnh: Đức Vũ

Dệt may là một trong những ngành hàng sản xuất và xuất khẩu chủ lực của Vệt Nam. Ảnh: Đức Vũ

Ngành dệt may và da giày là hai ngành hàng sản xuất và xuất khẩu chủ lực của Vệt Nam. Thời gian qua, hai ngành hàng này đã có nhiều đóng góp quan trọng, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với mức tăng trưởng bình quân trên 10%/năm.

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt trên 44 tỷ USD, còn da giày đạt trên 28 tỷ USD. 10 tháng năm 2024, xuất khẩu dệt may đạt 36,11 tỷ USD, tăng 9,86% so với cùng kỳ. Năm 2024, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế thế giới nhưng xuất khẩu của dệt may dự kiến vẫn đạt 44 tỷ USD và da giày đạt 27 tỷ USD.

Số liệu của Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO) cũng cho thấy, 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ngành da giày đạt khoảng 13 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện, giày dép Việt Nam đã có mặt ở 150 thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản, Anh…

Kết quả trên đạt được nhờ việc tận dụng tốt các FTA, nhất là ở khối các thị trường có Hiệp định RCEP, FTA - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Theo ông Lê Xuân Thịnh - Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), chuỗi giá trị dệt may, da giày hiện nay đã tham gia sâu rộng vào trong chuỗi giá trị toàn cầu. Phần lớn các sản phẩm dệt may của Việt Nam xuất khẩu đến hơn 100 thị trường và đây cũng chính là sức ép mà hiện nay các doanh nghiệp dệt may đang gặp phải.

Trong quá trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, sức ép lớn nhất là về xu hướng. Phải đáp ứng các nhu cầu, yêu cầu về môi trường, hay như chúng ta hiện nay đang nói là "xanh hóa" sản phẩm, cũng như giảm phát thải khí nhà kính, phù hợp với tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay. "Chúng ta muốn phát triển bền vững, muốn đi được dài hơn, phải có các lộ trình cắt giảm các chi phí liên quan đến nguyên vật liệu, tài nguyên, nước và có những biện pháp để tái chế, tuần hoàn, giúp doanh nghiệp cắt giảm các chi phí và phù hợp hơn với tiêu chuẩn môi trường, cũng như sức ép đòi hỏi từ người tiêu dùng hiện nay", ông Thịnh chia sẻ.

Yêu cầu về bền vững và cạnh tranh đã thúc đẩy các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chuyển đổi xanh. Ảnh: Giang Linh

Yêu cầu về bền vững và cạnh tranh đã thúc đẩy các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chuyển đổi xanh. Ảnh: Giang Linh

Triển khai các giải pháp bền vững

Mặc dù, da giày là một trong các ngành công nghiệp truyền thống của Hải Phòng, song ông Nguyễn Công Hân - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hải Phòng - cho biết, giày dép, túi xách xuất khẩu mới chỉ tăng về lượng, chưa tăng nhiều về chất. Khả năng đáp ứng các quy định đối với mặt hàng này theo cam kết trong các FTA chưa cao… Những điều này dẫn đến nguy cơ làm giảm sự cạnh tranh của ngành giày dép trên thị trường quốc tế.

Theo các chuyên gia, cơ hội và tiềm năng phát triển ngành da, giày và túi xách Việt Nam còn rất lớn. Tuy nhiên, xu hướng "xanh hóa" trên thế giới đang đòi hỏi ngày càng khắt khe đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu. Đối với doanh nghiệp ngành da giày, áp lực chuyển đổi xanh càng rất lớn khi dệt may và da giày là ngành gây ô nhiễm môi trường còn ở mức cao.

Để tuân thủ các quy định này, bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam - cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cấp rất nhiều nhằm củng cố năng lực nội tại. Cần nhanh chóng cải thiện minh bạch thông tin chuỗi cung ứng sản phẩm của mình bắt đầu từ khâu nguyên liệu, sản xuất bền vững hướng đến kinh tế tuần hoàn, có trách nhiệm với xã hội và môi trường.

Cùng với đó, Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam đề xuất, Nhà nước cần ban hành những chính sách phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi, xây dựng được hệ tiêu chuẩn, quy chuẩn đồng nhất. Bởi trong quá trình chuyển đổi xanh hóa, nhiều yêu cầu được đặt ra sẽ gây phát sinh chi phí tuân thủ lớn cho các doanh nghiệp. Khi có giải pháp tổng thể, các doanh nghiệp sẽ nhìn nhận được toàn diện và xây dựng được các tiêu chuẩn tuẩn thủ rõ ràng, giúp các doanh nghiệp có cơ sở để nắm bắt, thực thi chuẩn xác.

Mặt khác, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ đặc thù, chính sách cụ thể về quỹ đất, khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, quỹ tài chính về môi trường... để doanh nghiệp "sản xuất xanh" có thể tiếp cận các nguồn quỹ này thuận lợi, giúp tăng cường tiềm lực, đẩy nhanh quá trình đầu tư và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế...

Chí Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xanh-hoa-de-lam-chu-cuoc-choi-trong-hiep-dinh-rcep-361274.html
Zalo