Xác định vai trò của TP.HCM trong kỷ nguyên vươn mình

Tại Tọa đàm 'TP.HCM làm gì để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc' do Học viện cán bộ TP.HCM tổ chức ngày 26/11, các đại biểu cho rằng, TP.HCM chưa bao giờ có cơ hội tốt như bây giờ để khơi dậy truyền thống năng động sáng tạo, đi đầu trong thực hiện các mục tiêu của dân tộc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

5 nội hàm “kỷ nguyên vươn mình”

Phát biểu đề dẫn, PGS – TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM cho biết, Tọa đàm phân tích, làm rõ hơn nội hàm về kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và của TP.HCM. Từ đó, góp phần thống nhất nhận thức, quyết tâm góp sức mình vào sự phát triển chung của đất nước. Nhận diện vai trò, sứ mệnh của TP.HCM trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

PGS – TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM

PGS – TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM

Đặc biệt, tọa đàm sẽ bàn về các giải pháp để không ngừng phát huy tính năng động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP.HCM – nguồn lực quan trọng dẫn dắt và tạo ra những bước đột phá, thành tựu mới trong tiến trình phát triển của Thành phố trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

"TP.HCM là đô thị đặc biệt, luôn đóng góp quan trọng của sự phát triển của cả nước. Trong mỗi giai đoạn phát triển có tính bước ngoặt, TP.HCM đều có những mô hình, cách làm mới, tính đột phá, sáng tạo. Do đó, kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là cơ hội, là thời cơ của TP.HCM thực hiện khát vọng phát triển, đổi mới sáng tạo, phát huy đúng tầm sóc, sứ mệnh dẫn đầu trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước", PGS – TS Nguyễn Tấn Phát nói.

Theo TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội, kỷ nguyên vươn mình là thời kì mà dân tộc Việt Nam dành nỗ lực hết mình, nắm bắt xu hướng phát triển thời đại, khẳng định vị thế của mình trong khu vực và thế giới; nhanh chóng vượt qua bẫy thu nhập trung bình để đến năm 2045 chúng ta sẽ trở thành nước phát triển với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội

TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội

Ông Trần Du Lịch cho rằng, nội hàm của kỷ nguyên vươn mình gồm có 5 nội dung. Thứ nhất về kinh tế phải chuyển từ "đang phát triển" thành phát triển thịnh vượng với sự gia tăng sản xuất mạnh mẽ; phải tăng mạnh sản xuất, tham gia mạnh vào chuỗi giá trị toàn cầu, kinh tế số, kinh tế xanh…phát huy ưu điểm của Việt Nam. Tiếp đó là tự hào về văn hóa dân tộc, bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống, lịch sử. Đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục, nghiên cứu, thích ứng xu hướng toàn cầu. Về đối ngoại, cần tiếp tục phát huy vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế và cuối cùng là bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia, khẳng định nền kinh tế độc lập tự chủ trong thời buổi toàn cầu hóa.

Phát huy vai trò đầu tàu của TPHCM trong kỷ nguyên vươn mình

Với riêng TP.HCM, ông Trần Du Lịch đề nghị cần phải thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 24 và 31 về Đông Nam bộ và TP.HCM. Duy trì tốc độ tăng trưởng cao gấp 1,2 – 1,5 lần cả nước để thể hiện vai trò dẫn dắt.

TP.HCM phải là nơi có hoạt động kinh tế có tính thị trường cao nhất cả nước; nâng cao vai trò cửa ngõ giao lưu, xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Trung tâm tài chính quốc tế.

TP phải đi đầu trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đi đầu và về đích đầu tiên trong mục tiêu hướng tới Net Zero; thể hiện vai trò là cái nôi của khởi nghiệp.

Đặc biệt, ông Trần Du Lịch đề nghị, TP.HCM cần một “cuộc cách mạng về tổ chức”, nâng cao hiệu lực hiệu quả nền công vụ, tiếp cận với ba góc độ là thể chế, bộ máy tổ chức và con người; cần làm đồng bộ và xây dựng chính quyền mẫu đúng nghĩa về chính quyền đô thị.

Ngoài ra, TP.HCM cần hoàn thành hệ thống giao thông kết nối vùng, triển khai Kết luận 49 về phát triển đường sắt đô thị tại TP.HCM với mục tiêu 183km đường sắt đô thị tới 2035…tiến tới kết nối toàn vùng TP.HCM cơ bản bằng đường sắt đô thị.

Đại biểu tham dự tại tọa đàm

Đại biểu tham dự tại tọa đàm

TS Trần Du Lịch cho rằng, TP.HCM chưa bao giờ có cơ hội tốt như bây giờ để khơi dậy truyền thống năng động sáng tạo theo các mục tiêu mà nghị quyết của Bộ Chính trị đã đề ra.

"Giai đoạn 2026 - 2035 có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp công nghiệp hóa nước ta thành nước công nghiệp, phải là giai đoạn thể hiện cao nhất sự khát vọng vươn lên của dân tộc và sự đồng thuận và quyết tâm cả hệ thống chính trị để đạt tốc độ tăng trưởng cao và bền vững. Vì vậy, cần xác lập vị trí, vai trò TP.HCM trong 10 năm tới. Đây là thời kỳ quyết định (Now or Never - Bây giờ hoặc không bao giờ). 10 năm quyết định trước khi chúng ta bước vào thời kỳ dân số già", TS khẳng định.

Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM

Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM

Theo ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, cần sớm xử lý các điểm nghẽn của TP như giao thông đô thị, tiến tới phát triển mạnh giao thông công cộng; xử lý vấn đề rác, ô nhiễm môi trường; vấn đề nhà ở cho người dân.

Ông Phạm Chánh Trực cho rằng, TP cũng cần chú ý đến cơ cấu kinh tế; liên kết vùng, chuyển mạnh sang kinh tế xanh. Đặc biệt cần kiện toàn lại tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ…

"Rèn luyện cán bộ, đảng viên, công chức thành một lực lượng rất mạnh, trình độ, năng lực, bản lĩnh, đạo đức... Cán bộ là gốc của mọi việc như câu nói của Bác Hồ 'có cán bộ tốt, việc gì không xong'. Bây giờ lại đang đẩy mạnh số hóa, giảm biên chế thì càng phải nâng chất lượng lên. Chúng ta cần đặc biệt quan tâm tới đội ngũ cán bộ và đạo đức…", ông Phạm Chánh Trực nói.

TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM

TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM

TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho rằng, cần phải lượng hóa các chỉ tiêu trong kỷ nguyên vươn mình bằng các chỉ số. Riêng TPHCM cần xác định rõ chỉ số phát triển nào là quan trọng trong thời gian tới.

Ông Vũ ví dụ, về chỉ số hạ tầng giao thông, trước năm 2022 TP gần như không có tuyến đường vành đai nào ngoài Vành đai 2 còn thiếu hơn chục km để khép kín.

Đến năm 2025, TP sẽ có Vành đai 3, chuẩn bị trình Vành đai 4 và khép kín Vành đai 2. Như vậy là, trong 5 năm tới, TP có hệ thống vành đai tương đối hoàn chỉnh và có thể vận hành trong 10 năm tiếp theo. Đồng thời cũng mở ra một quỹ đất hơn 2.000 ha, mà có thể làm TOD, tạo ra quỹ đất và tạo ra không gian đô thị mới.

Sắp tới, TP cũng bắt đầu thực hiện 7 tuyến metro còn lại, dài 183 km. TP.HCM cũng đã có kết luận về metro, quyết tâm vận hành metro 2 từ nay đến năm 2030; hay quyết tâm xóa 46.000 hộ trên kênh rạch trong vòng 5 năm, 10 năm tới.

Theo TS Trương Minh Huy Vũ, trong dự thảo văn kiện của TP thì có 5 nhóm trọng tâm và 25 chính sách; trong đó có những vấn đề về chính quyền đô thị, đường sắt… nhưng quan trọng nhất là làm sao huy động nguồn lực để thực hiện.

PGS – TS Vương Đức Hoàng Quân, Phó Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và Vệ sinh lao động

PGS – TS Vương Đức Hoàng Quân, Phó Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và Vệ sinh lao động

Trong khi đó, PGS – TS Vương Đức Hoàng Quân, Phó Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và Vệ sinh lao động đề nghị, cần phải xây dựng thương hiệu TPHCM. Đây không đơn thuần là logo hay slogan…mà là câu chuyện, đại diện những gì TP mong muốn thế giới biết đến.

Khi xây dựng thương hiệu cần lưu ý 3 yếu tố là bản sắc và giá trị cốt lõi của TP; hình ảnh danh tiếng, thương hiệu TP và thương hiệu TP phải mang lại trải nghiệm, lợi ích cho TP, cho người dân.

"Tôi xin đề xuất trên cơ sở là TP.HCM cần xây dựng một câu chuyện thương hiệu dựa trên bản sắc riêng, lịch sử, văn hóa, con người và tinh thần năng động, sáng tạo, mang được sự kết nối quá khứ hiện tại và tương lai và có câu chuyện của riêng mình. Tôi xin đề xuất câu khẩu hiệu là “TPHCM - nơi khát vọng thăng hoa” với sự khát vọng thăng hoa thì nó hoàn toàn phù hợp với khái niệm kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", ông Quân nói.

Hà Khánh/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/xac-dinh-vai-tro-cua-tphcm-trong-ky-nguyen-vuon-minh-post1138459.vov
Zalo