XÁC ĐỊNH RÕ ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC TRONG DỰ ÁN LUẬT PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI (SỬA ĐỔI)

Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), nhiều ý kiến đại biểu đề nghị cần có quy định cụ thể hơn, huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị, xã hội nhằm tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người; Đồng thời, xác định rõ đối tượng tuyên truyền, hình thức tuyên truyền, bổ sung nhóm đối tượng là người khuyết tật vào nhóm cần được tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục.

Toàn cảnh Phiên họp

Toàn cảnh Phiên họp

Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 dành 1 Điều quy định về thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người. Trong đó xác định: Thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và cộng đồng trong phòng, chống mua bán người, đề cao cảnh giác, tích cực tham gia phòng, chống mua bán người.

Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Trần Thị Nhị Hà – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội cho rằng, nội dung dự thảo quy định về thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người còn chung chung. Tại khoản 2 Điều 7 quy định về nội dung thông tin tuyên truyền giáo dục nhưng không xác định rõ đối tượng tuyên truyền tập trung vào đối tượng nào, hình thức tuyên truyền giáo dục cụ thể ra sao.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Đại biểu cho biết, theo báo cáo về tình hình mua bán người ở Việt Nam năm 2021, nạn nhân chủ yếu là người dân tộc thiểu số, vùng cao, biên giới, ở độ tuổi trẻ em hoặc lứa tuổi 19 đến 20 tuổi, phần lớn là nữ giới. Nếu nhìn vào những con số thống kê có thể thấy việc tuyên truyền phải nhằm tới những đối tượng cụ thể là trẻ em, phụ nữ, người dân tộc thiểu số ở vùng cao biên giới.

Qua báo cáo thống kê cho thấy, hầu hết nạn nhân chỉ học hết lớp 9, có một số ít học hết lớp 12, vì vậy đại biểu đề xuất dự thảo luật cần quy định việc đưa vào nội dung chương trình dạy học bắt buộc đối với các địa bàn vùng cao, biên giới để giáo dục về phòng ngừa, mua bán người, giúp các em học sinh có thể nhận thức về những hành vi mua bán người từ sớm. Qua đó bản thân có khả năng nhận diện nguy cơ và có biện pháp để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.

Trăn trở trước tình trạng mua bán thai nhi, đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đề nghị bổ sung điều khoản riêng biệt về mua bán thai nhi, bao gồm các quy định cụ thể về hành vi mua bán thai nhi, các hình thức xử phạt và biện pháp bảo vệ. Bổ sung nội dung về biện pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về quyền của thai nhi và bà mẹ mang thai; nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của việc mua bán thai nhi. Đại biểu nhấn mạnh, việc nâng cao nhận thức sẽ giúp giảm thiểu các hành vi vi phạm và tạo ra một môi trường xã hội lành mạnh, bảo vệ tốt hơn cho thai nhi và bà mẹ mang thai.

Đại biểu Phạm Đình Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum

Đại biểu Phạm Đình Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum

Đại biểu Phạm Đình Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cũng đề nghị bổ sung nhóm đối tượng là người khuyết tật vào nhóm cần được tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục dự kiến quy định tại khoản 5 Điều 7. Cụ thể, bổ sung quy định tại khoản 5 Điều 7 và quy định như sau: "Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục cần được tăng cường đối với phụ nữ, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, học sinh, sinh viên, người khuyết tật và những người cư trú tại khu vực biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và những địa bàn xảy ra nhiều vụ việc mua bán người”.

Góp ý về quy định tuyên truyền, vận động giáo dục, tư vấn phòng ngừa mua bán người theo Điều 7, Điều 8 của dự thảo luật, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, thực trạng các địa phương hiện nay có nơi phong tục tập quán, tảo hôn, cưới hỏi dễ bị lợi dụng, biến tướng, thậm chí có người vì hoàn cảnh gia đình chấp nhận mua bán người thân, lao động nam, nữ thanh niên nghe lời đi làm việc nước ngoài việc nhẹ lương cao, bị lôi kéo bán hàng ở nhà hàng, karaoke, cà phê nhưng thực chất là bán dâm, bảo kê. Tình trạng các đối tượng lợi dụng hôn nhân nước ngoài, cho, nhận con nuôi, mang thai hộ, hiến mô, tạng… diễn biến tương đối phức tạp, cho nên cần nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, phòng ngừa, tuyên truyền cho mọi đối tượng để thông hiểu về phòng ngừa sai phạm hoặc nhận thức đúng đắn về đạo đức, lối sống.

Góp ý vào quy định tại Điều 19 về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cấp, các thành viên của Mặt trận tham gia phòng ngừa mua bán người, Thượng tọa Lý Minh Đức – Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng cho biết, tại khoản 2 Điều 19 quy định: "Tuyên truyền, khuyến khích, động viên thành viên, hội viên, quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người và quy định khác của pháp luật có liên quan". Thượng tọa Lý Minh Đức cho rằng, đối với người Khmer, các thành viên sống trong phum, sóc, ngoài phum, sóc thường có ít nhất một ngôi chùa, dù ở lứa tuổi nào ai ai cũng đều đi chùa, được học giáo lý, giáo luật, học đạo đức.

Thượng tọa Lý Minh Đức – Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng

Thượng tọa Lý Minh Đức – Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng

Vì thế, đại biểu nêu hai kiến nghị: Thứ nhất, để làm tốt trách nhiệm là thành viên của Mặt trận, các cấp, các ngành, định kỳ tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng công tác xã hội cho các cơ sở thuộc tổ chức tôn giáo trong lĩnh vực hoạt động trợ giúp xã hội. Thứ hai, hoàn thiện, bổ sung các văn bản thấp có liên quan, hỗ trợ để các cơ sở thuộc tổ chức tôn giáo làm tài liệu; cùng với chính quyền địa phương tuyên truyền kiến thức và những quy định của pháp luật đến bà con phật tử.

Cho ý kiến về khoản 1 Điều 50 dự thảo luật quy định trách nhiệm của Bộ Quốc phòng trong công tác tuyên truyền, phòng, chống mua bán người ở địa bàn khu vực biên giới, hải đảo, đại biểu Hoàng Hữu Chiến – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho biết, đối với nội dung này tại Điều 6, Điều 7 Luật Phổ biến giáo dục pháp luật xác định ở Trung ương do Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ về phổ biến giáo dục pháp luật; bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật; Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, chủ trì, phối hợp với bộ đội biên phòng, công an, hải quan, kiểm lâm, cảnh sát biển tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở khu vực biên giới, ven biển và hải đảo.

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh lý các quy định để đảm bảo tính thống nhất giữa các văn bản pháp luật và phù hợp với Điều 54, Điều 60 dự thảo luật này về trách nhiệm của Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân các cấp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người.

Lan Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=87609
Zalo