Xác định hàng giả: Từ miền Tây lên TPHCM, bay ra Hà Nội mới kiểm nghiệm xong mẫu
Trung tâm Thương mại Saigon Square là một nỗi nhức nhối về hàng giả. Nhưng quy trình để kiểm tra, xác định vi phạm lại không đơn giản.
Từ miền Tây lên TPHCM, bay ra Hà Nội mới kiểm nghiệm xong mẫu
Ngày 22/7, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội đã có buổi làm việc với UBND TPHCM về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống thuốc giả, thực phẩm giả. Tại buổi làm việc, cơ quan chức năng đã nêu lên những khó khăn điển hình trong công tác phòng, chống hàng gian, hàng giả.
Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết, hiện có 2 hình thức kiểm tra cơ sở là kiểm tra theo chuyên đề và kiểm tra đột xuất. Đối với kiểm tra theo chuyên đề, cơ quan chức năng thường phải có thông báo trước khi tới địa điểm kiểm tra. Khi đoàn kiểm tra đến, các cơ sở thường đã kịp chuẩn bị để đối phó.
Như vậy, kiểm tra đột xuất mới mang lại hiệu quả trong quản lý Nhà nước.
Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường TPHCM, ông Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, muốn phát hiện được dấu hiệu vi phạm khi kiểm tra đột xuất thì trước đó, cơ quan chức năng phải tự mua mẫu hàng về kiểm nghiệm. Khi xác định có dấu hiệu vi phạm, cơ quan chức năng mới tổ chức kiểm tra và lấy mẫu chính thức.

Toàn cảnh buổi làm việc của đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội với UBND TPHCM về hoạt động phòng, chống thuốc giả, thực phẩm giả sáng 22/7. Ảnh: Trần Chung
Dẫu vậy, để có căn cứ và giá trị sử dụng hoặc để đối tượng kiểm tra chấp nhận kết quả, mẫu được mua phải có hóa đơn của chủ cơ sở đó hoặc có biên bản lấy mẫu.
“Nhiều cán bộ phải tự bỏ tiền ra mua mẫu. Sau khi kiểm tra, nếu vi phạm được phát hiện thì đối tượng vi phạm phải chịu chi phí đó. Trái lại, nếu không có vi phạm, cơ quan chức năng phải chịu trách nhiệm chi trả. Trong khi, kinh phí phục vụ kiểm tra chất lượng của lực lượng quản lý thị trường phải được lập dự toán từ cuối năm trước để xin phê duyệt cho năm sau. Mọi thứ rất phức tạp”, ông Đạt nói.
Vì thế, lực lượng chức năng cũng chỉ dám bỏ tiền mua mẫu hàng hóa, chứ không thể chi tiền cho việc kiểm nghiệm vì chi phí quá cao.
Bên cạnh đó, không phải trung tâm kiểm nghiệm nào cũng kiểm tra được tất cả các chỉ tiêu. Do đó, các trung tâm này phải thuê lại dịch vụ kiểm nghiệm của bên thứ ba, gây kéo dài thời gian và ảnh hưởng tới mẫu.
“Trước đây, chúng tôi từng lấy mẫu trong gói bột mì và mang từ miền Tây lên TPHCM để kiểm nghiệm. Thời điểm đó, không có trung tâm nào tại thành phố kiểm nghiệm được mẫu. Lực lượng chức năng lại phải cử cán bộ bay ra Hà Nội mang mẫu đi kiểm nghiệm do yêu cầu mẫu phải được xét nghiệm trong vòng 24 giờ”, ông Đạt dẫn chứng.
Trong khi đó, theo đại diện Bộ Công Thương, các đối tượng làm hàng giả ngày càng tinh vi. Đơn cử, trong sữa giả, các đối tượng kê tới 70 loại vi chất, nhưng lực lượng chức năng đem đi kiểm nghiệm thì chỉ có 32-34 loại.
Chưa kể, bao bì được sản xuất tại Việt Nam và làm giả các thương hiệu quốc tế rất đẹp. Nhìn vào bao bì y như hàng thật nhưng chất lượng là giả. Lực lượng chức năng cũng không đủ người để triển khai hoạt động kiểm tra thường xuyên.
Tại TPHCM, ông Nam nêu ví dụ về Trung tâm Thương mại Saigon Square là một nỗi nhức nhối về hàng giả. “Thậm chí, Saigon Square còn bị nêu tên khi Việt Nam tham gia các cuộc đàm phán song phương, đa phương về vi phạm sở hữu trí tuệ và nạn hàng giả”, ông Nam nói.

Lực lượng chức năng kiểm tra chất lượng hàng hóa tại Saigon Square. Ảnh: QLTT
Ngân sách thu 2.000 tỷ từ xử lý hàng gian, hàng giả
Theo báo cáo của UBND TPHCM, tình hình sản xuất và kinh doanh hàng giả diễn ra hết sức phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi.
Quá trình sản xuất thuốc giả được bố trí cùng lúc tại nhiều nơi, sử dụng mạng xã hội hoặc ứng dụng giao hàng tận nhà để mua/bán nhằm che giấu địa điểm. Việc sản xuất thường đặt tại các khu vực nhà không số, ít người qua lại hoặc núp bóng dưới hoạt động sản xuất của các công ty bình phong để tránh sự chú ý của người dân và cơ quan chức năng.
Đối với sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, các đối tượng thường tập trung vào những mặt hàng có giá trị cao, thường không sản xuất với số lượng lớn mà xé lẻ, hoặc sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, không cho người đặt hàng đến nơi sản xuất để lấy hàng nhằm tránh bị phát hiện, xử lý.
Trước đây, hàng giả lưu thông trên thị trường đa số là sản phẩm làm giả bao bì, tem nhãn mạo danh sản phẩm thật; tập trung vào những loại mặt hàng có sức tiêu thụ lớn, các thương hiệu lớn trên thị trường.
Tuy nhiên, hiện nay một số cơ sở sản xuất hàng giả tự tạo mẫu sản phẩm không được cấp giấy đăng ký lưu hành, tự đặt tên cơ sở sản xuất, in số đăng ký hoặc số công bố sản phẩm giả, sử dụng mã vạch, mã QR giả, tem chứng nhận sản phẩm giả nhằm đánh lừa cả cơ sở bán lẻ lẫn người tiêu dùng.
Từ tháng 1/2024 đến tháng 6/2025 các đơn vị, sở, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo 389 TPHCM đã thanh tra, kiểm tra hơn 27.700 vụ; phát hiện và bắt giữ hơn 4.400 vụ vi phạm về hàng cấm, hàng lậu; gần 22.000 vụ vi phạm về gian lận thương mại, gần 1.500 vụ vi phạm về hàng giả; tổng số tiền thu nộp ngân sách là gần 2.000 tỷ đồng.
Riêng thực hiện tháng cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (từ ngày 15/5 đến ngày 15/6), lực lượng chức năng TPHCM đã tiến hành kiểm tra, xử lý 3.341 vụ, tổng số tiền thu nộp ngân sách hơn 228 triệu đồng; khởi tố 2 vụ, 6 đối tượng.