Xã Suối Hai: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp

Xã Suối Hai được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Tản Lĩnh, Ba Trại (huyện Ba Vì); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Cẩm Lĩnh, Thụy An (huyện Ba Vì).

Lý do lấy tên xã mới là Suối Hai bởi trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cùng với bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, lực lượng dân quân tự vệ huyện Ba Vì đã phối hợp bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, lập nên những chiến công xuất sắc. Trong chiến công đó có sự đóng góp không nhỏ của những nữ dân quân xã Thụy An, những “cô gái Suối Hai”.

Bên cạnh đó, địa bàn xã có hồ Suối Hai nổi tiếng, là điểm du lịch thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước ghé thăm. Theo đó, việc chọn tên đơn vị hành chính mới là Suối Hai dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, bảo đảm tính hệ thống, khoa học; có ý nghĩa lịch sử cách mạng, có tính đại diện của Thủ đô.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao quyết định công tác cán bộ cho lãnh đạo xã Suối Hai

Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao quyết định công tác cán bộ cho lãnh đạo xã Suối Hai

Vị trí địa lý, diện tích, dân số xã Suối Hai

Xã Suối Hai giáp phường Tùng Thiện và các xã: Bất Bạt, Ba Vì, Yên Bài, Quảng Oai của thành phố Hà Nội. Xã Suối Hai có diện tích tự nhiên là 51,56 km2; quy mô dân số là 35.201 người.

Xã Ba Trại (Huyện Ba Vì): Diện tích: 20,32 km²; Quy mô dân số: 15.867 người
Xã Cẩm Lĩnh (Huyện Ba Vì): Diện tích: 3,41 km²; Quy mô dân số: 1.779 người
Xã Tản Lĩnh (Huyện Ba Vì): Diện tích: 27,64 km²; Quy mô dân số: 17.555 người
Xã Thụy An (Huyện Ba Vì): Diện tích: 0,19 km²; Quy mô dân số: 0 người

Đặc điểm kinh tế, xã hội

Xã Suối Hai nằm ở phía Tây Bắc trung tâm thành phố Hà Nội, kết nối với quốc lộ 32, cầu Trung Hà và cầu Văn Lang đến Phú Thọ, mở ra cơ hội liên kết vùng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Xã Suối Hai là vùng phát triển du lịch sinh thái, nông nghiệp sạch và bảo tồn đa dạng sinh học. Đây cũng là một trong những khu vực phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn. Với địa hình đa dạng, gồm đồi núi và các dải đồng bằng nhỏ xen kẽ, xã có điều kiện thuận lợi để mở rộng sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các mô hình nông nghiệp sạch và đa dạng cây trồng.

Đặc điểm kinh tế xã Suối Hai

Kinh tế của xã chủ yếu dựa vào nông nghiệp, với các cây trồng chủ lực như lúa, ngô, sắn, chè và cây ăn quả. Khu vực Ba Trại có 9 làng nghề sản xuất và chế biến chè búp khô truyền thống, được công nhận làng nghề truyền thống. Sản phẩm chè Ba Trại đã được chứng nhận OCOP 3 sao và áp dụng tiêu chuẩn VietGAP. Khu vực Tản Lĩnh nổi bật với mô hình trồng mai trắng. Nghề trồng mai trắng không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.

Xã Suối Hai sở hữu địa hình đa dạng với nhiều đồi núi và hệ sinh thái rừng tự nhiên phong phú, góp phần tạo nên cảnh quan thiên nhiên đẹp, thuận lợi phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng, đồng thời bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá của vùng.

Xã Suối Hai nổi bật với hồ Suối Hai là một hồ nước ngọt nhân tạo, diện tích mặt nước khoảng 10 km², trữ lượng lên tới 100 triệu m3, có vai trò cung cấp nước tưới cho nông nghiệp, điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển du lịch sinh thái. Nhờ cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp với 14 hòn đảo lớn nhỏ, hồ Suối Hai đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách yêu thích du lịch sinh thái, cắm trại, chèo thuyền và câu cá.

Với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, Suối Hai đang phát triển mô hình du lịch sinh thái gắn với bảo vệ môi trường và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Du khách có thể tham quan các đồi chè xanh mướt, trải nghiệm quy trình sản xuất chè và thưởng thức sản phẩm tại chỗ. Mô hình này không chỉ bảo tồn nghề truyền thống mà còn tạo cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Đặc điểm văn hóa - xã hội xã Suối Hai

Là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Mường và Dao, với nhiều phong tục, tập quán truyền thống như: lễ hội xuống đồng, lễ hội mừng cơm mới, lễ hội cầu mưa… Văn hóa cồng chiêng là một trong những nét đặc trưng của người Mường tại địa phương. Hiện nay, xã duy trì nhiều đội cồng chiêng ở các thôn và có các câu lạc bộ văn hóa văn nghệ cồng chiêng với sự tham gia của đông đảo người dân, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Nhiều di tích lịch sử nổi bật nằm giáp ranh xã Suối Hai: khu di tích lịch sử K9 (Đá Chông) được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đặc biệt gắn liền với hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trên địa bàn xã có đình Tam Mỹ là ngôi đình cổ thờ Tam vị Đức Thánh tản - vị Thần đứng đầu hàng Tứ bất tử trong tín ngưỡng của người Việt, được nhân dân tôn là Đệ nhất Phúc Thần được các triều đại phong kiến tôn là Thượng Đẳng Tối Linh thần, là vị thần có công bảo vệ đất nước và che chở cho muôn dân.

Về y tế, xã Suối Hai có các cơ sở y tế cơ bản đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân địa phương. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và nguồn nhân lực đang từng bước được đầu tư và nâng cấp, bảo đảm thực hiện hiệu quả các chương trình y tế cộng đồng như tiêm chủng mở rộng, phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh thông thường, chăm sóc sức khỏe sinh sản và quản lý bệnh mãn tính. Đặc biệt, nhờ vào sự liên kết với Trung tâm Y tế Ba Vì và các bệnh viện khu vực, công tác chuyển tuyến, tiếp cận dịch vụ chuyên sâu được cải thiện rõ rệt, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh cho người dân.

Xã sở hữu hệ thống giáo dục đa dạng, đồng bộ và đang ngày càng phát triển. Trên địa bàn có nhiều trường học từ bậc tiểu học đến trung học cơ sở, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của con em trong khu vực. Trong đó, Trường Tiểu học Ba Trại A là đơn vị tiêu biểu với đội ngũ giáo viên chuyên môn vững vàng và nỗ lực nâng cao chất lượng giảng dạy.

Trường Tiểu học Ba Trại B có khuôn viên rộng rãi, nhiều cây xanh, tạo môi trường học tập thân thiện, tích cực đổi mới phương pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, Trường Tiểu học Tản Lĩnh với cơ sở vật chất hiện đại và nhiều hoạt động ngoại khóa phong phú cũng góp phần quan trọng trong việc giáo dục toàn diện cho học sinh.

Phục hồi và bảo tồn rừng phòng hộ, rừng đặc dụng tại khu vực núi Ba Vì, triển khai các dự án bảo tồn đa dạng sinh học gắn với du lịch sinh thái.

Trụ sở Đảng ủy - UBND xã Suối Hai: Thôn Đức Thịnh, xã Suối Hai
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Suối Hai: đồng chí Đỗ Mạnh Hưng
Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Suối Hai: đồng chí Nguyễn Ngọc Mạnh
Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Suối Hai: đồng chí Nguyễn Minh Đức.

Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây.

Đài Hà Nội

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/xa-suoi-hai-nhung-thong-tin-chi-tiet-sau-sap-xep-344035.htm
Zalo