Xã Sơn Đồng: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp

Xã Sơn Đồng được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Sơn Đồng, Lại Yên, Tiền Yên (huyện Hoài Đức); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các xã : Vân Canh, Song Phương (huyện Hoài Đức) ; một phần diện tích tự nhiên và dân số của các xã: An Khánh, An Thượng, Vân Côn (Hoài Đức).

Lý do lấy tên xã mới là Sơn Đồng là do xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức nằm ở ngoại thành Hà Nội, cách trung tâm thủ đô khoảng chừng gần hai chục cây số về phía Tây, không chỉ nổi tiếng là đất khoa bảng mà còn được nhiều người trong và ngoài nước biết đến là một làng nghề làm đồ thờ và tượng gỗ.

Theo đó, việc lựa chọn tên Sơn Đồng bảo đảm phù hợp với nguyên tắc ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho xã mới, hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ; đồng thời, tên Sơn Đồng giúp dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, bảo đảm tính hệ thống, khoa học.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao quyết định công tác cán bộ cho lãnh đạo xã Sơn Đồng

Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao quyết định công tác cán bộ cho lãnh đạo xã Sơn Đồng

Vị trí địa lý, diện tích, dân số xã Sơn Đồng

Xã Sơn Đồng giáp các phường: Tây Mỗ, Xuân Phương và các xã: Quốc Oai, An Khánh, Hoài Đức, Dương Hòa của thành phố Hà Nội. Xã có diện tích tự nhiên là 21,57 km2; quy mô dân số là 63.267 người.

Xã Sơn Đồng (Huyện Hoài Đức): Diện tích: 3,33 km²; Quy mô dân số: 11.068 người
Xã Vân Canh (Huyện Hoài Đức): Diện tích: 4,35 km²; Quy mô dân số: 16.220 người
Xã Lại Yên (Huyện Hoài Đức): Diện tích: 3,28 km²; Quy mô dân số: 8.917 người
Xã Tiền Yên (Huyện Hoài Đức): Diện tích: 3,08 km²; Quy mô dân số: 7.753 người
Xã Song Phương (Huyện Hoài Đức): Diện tích: 4,95 km²; Quy mô dân số: 14.530 người
Xã An Khánh (Huyện Hoài Đức): Diện tích: 1,87 km²; Quy mô dân số: 3.329 người
Xã An Thượng (Huyện Hoài Đức): Diện tích: 0,11 km²; Quy mô dân số: 0 người
Xã Vân Côn (Huyện Hoài Đức): Diện tích: 0,60 km²; Quy mô dân số: 1.450 người

Đặc điểm kinh tế, xã hội xã Sơn Đồng

Xã Sơn Đồng có lịch sử hình thành lâu đời, gắn liền với quá trình khai hoang, lập ấp của cha ông. Theo tài liệu lịch sử, khu vực này xưa kia thuộc tổng Yên Lũng, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, người dân vẫn kiên cường bám trụ, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, tạo điều kiện cho xã trở thành khu vực sầm uất.

Xã Sơn Đồng tiếp giáp kết nối với phường Tây Mỗ, Xuân Phương và xã Quốc Oai, An Khánh, Hoài Đức, Dương Hòa, kết nối với quốc lộ 32 và đường cao tốc Láng - Hòa Lạc đi liên tỉnh và các tuyến đường cấp Thành phố, tuyến đường liên xã, qua đó thúc đẩy thông thương phát triển kinh tế - xã hội, kết nối hạ tầng giao thông - vận tải.

Thế mạnh của xã Sơn Đồng là làng nghề mộc (sơn son thếp vàng) và phát triển nông nghiệp chất lượng cao, kết hợp với các cụm làng nghề sản xuất các sản phẩm lương thực, thực phẩm đặc trưng địa phương.

Đặc điểm kinh tế xã Sơn Đồng

Kinh tế xã có những bước phát triển vượt bậc, nơi đây tập trung nhiều dự án khu đô thị mới, hiện đại, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ cũng đang phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Trên địa bàn xã phát triển đa dạng mô hình hộ sản xuất - kinh doanh cá thể; trong đó có rất nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương; trong đó lĩnh vực thương mại - dịch vụ trên địa bàn được phát triển theo hướng đô thị hóa thông qua việc hình thành một số siêu thị quy mô nhỏ và trung bình, các chợ dân sinh được cải tạo, nâng cấp, đáp ứng được nhu cầu của nhân dân.

Hiện nay, cơ cấu kinh tế của xã ưu tiên theo hướng: công nghiệp, xây dựng - thương mại, dịch vụ - nông nghiệp.

Trên địa bàn xã Sơn Đồng có các khu, cụm làng nghề truyền thống như Phú Yên, Vân Từ; cụm công nghiệp Nam Tiến, đặc biệt là Sơn Đồng nổi tiếng với nghề điêu khắc mỹ nghệ, sản phẩm đồ thờ cúng, hiện nay đang phát triển mô hình làng nghề gắn với du lịch. Xã Sơn Đồng chú trọng truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ, hỗ trợ các cơ sở sản xuất. Bên cạnh đó, xã đang tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp làng nghề để thu hút các doanh nghiệp, tạo việc làm cho người dân và di dời các cơ sở sản xuất khỏi khu dân cư, đảm bảo môi trường sống và thúc đẩy làng nghề phát triển bền vững.

Đặc điểm văn hóa - xã hội xã Sơn Đồng

Nét văn hóa đặc trưng của xã thể hiện qua các lễ hội truyền thống, các di tích lịch sử văn hóa và tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng. Người dân của xã cũng nổi tiếng với sự sáng tạo, hiếu học, đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Trên địa bàn xã có nhiều di tích trong đó có lăng đá xóm Chợ xếp hạng cấp Quốc gia năm 1964; lăng đá xóm Gạo xếp hạng cấp Quốc gia năm 1964 , chùa Lại Yên (Nhạ Phúc Tự) xếp hạng cấp Quốc gia năm 1997; miếu Kính Thiên Đài xếp hạng cấp Quốc gia năm 1997; đình làng Tiền Lệ được xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 2011; đình Lại Yên xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 2021.

Chùa Kỳ Đà, chùa Niên Phúc được xếp hạng cấp Tỉnh năm 1986; đền Thượng được xếp hạng cấp Tỉnh năm 1986; quán Nước (thôn Tiền Lệ) là di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp Thành phố năm 2012; đình thôn Yên Thái xếp hạng cấp Thành phố năm 2022.

Sản phẩm làng nghề tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu của xã là miến dong, bánh kẹo, bột, bún…

Trạm y tế xã thực hiện tốt công tác thường trực, khám chữa bệnh cho nhân dân, tăng cường hoạt động khám, chăm sóc sức khỏe chủ động, thực hiện khám tư vấn sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi trên địa bàn; thực hiện tốt công tác tiêm chủng mở rộng cho trẻ em đầy đủ các loại vắc-xin; đồng thời vận động nhân dân tham gia BHYT, góp phần nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn… Trên địa bàn xã có 05 trạm y tế (Sơn Đồng, Vân Canh, Lại Yên, Tiền Yên, Song Phương).

Hiện nay, trường học các cấp mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn xã đều đạt chuẩn quốc gia; toàn xã có 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường mầm non. Trên địa bàn xã có 04 trường THCS (Vân Canh, Lại Yên, Tiền Yên, Song Phương), 04 trường Tiểu học (Vân Canh, Lại Yên, Tiền Yên, Song Phương), 04 trường Mầm non (Vân Canh, Lại Yên, Tiền Yên, Song Phương).

Trụ sở Đảng ủy - UBND xã Sơn Đồng: Số 6, đường Tiền Yên, thôn Tiền Lệ, xã Sơn Đồng
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Sơn Đồng: đồng chí Nguyễn Trúc Anh
Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng: đồng chí Phạm Gia Lộc
Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Sơn Đồng: đồng chí Nguyễn Thị Thanh.

Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây

Đài Hà Nội

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/xa-son-dong-nhung-thong-tin-chi-tiet-sau-sap-xep-344196.htm
Zalo