Xã Hồng Sơn: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp

Xã Hồng Sơn được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: An Mỹ, Hồng Sơn, Hợp Tiến, Lê Thanh, Xuy Xá, Phùng Xá (huyện Mỹ Đức).

Hồng Sơn là xã nằm ở miền Bắc huyện Mỹ Đức, có dãy núi đá vôi ở phía Tây. Một số núi có tên là: Núi Phổ Đà, Núi Yên Ngựa, Núi Con Mối... (nhưng chủ yếu được gọi là núi Phổ Đà). Chân núi và trên núi Phổ Đà có quần thể: chùa Cao - Bàn Long Tự, chùa cao với cảnh sắc sơn thủy hữu tình được nhiều người đến chiêm bái, tham quan. Việc chọn tên gọi là Hồng Sơn vừa dễ nhận diện, vừa bảo đảm lấy theo tên các địa danh lịch sử, văn hóa, có giá trị lịch sử, truyền thống và đã được nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao quyết định công tác cán bộ cho lãnh đạo xã Hồng Sơn.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao quyết định công tác cán bộ cho lãnh đạo xã Hồng Sơn.

Vị trí địa lý, diện tích, dân số xã Hồng Sơn

Xã Hồng Sơn giáp các xã: Hòa Xá, Mỹ Đức, Phúc Sơn, Vân Đình của thành phố Hà Nội và tỉnh Phú Thọ. Xã có diện tích tự nhiên là 54,38 km2; quy mô dân số là 63.130 người.

Xã Hồng Sơn được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: An Mỹ, Hồng Sơn, Hợp Tiến, Lê Thanh, Xuy Xá, Phùng Xá (huyện Mỹ Đức), trong đó:

Xã An Mỹ (Huyện Mỹ Đức): Diện tích: 6,04; Quy mô dân số: 7.960
Xã Hồng Sơn (Huyện Mỹ Đức): Diện tích: 17,05; Quy mô dân số: 8.010
Xã Lê Thanh (Huyện Mỹ Đức): Diện tích: 7,57; Quy mô dân số: 13.644
Xã Xuy Xá (Huyện Mỹ Đức): Diện tích: 5,33; Quy mô dân số: 9.372
Xã Phùng Xá (Huyện Mỹ Đức): Diện tích: 4,41; Quy mô dân số: 9.213
Xã Hợp Tiến (Huyện Mỹ Đức): Diện tích: 13,98; Quy mô dân số: 14.931

Đặc điểm kinh tế, xã hội xã Hồng Sơn

Xã Hồng Sơn có địa hình bán sơn địa, là cửa ngõ phía Tây Nam tiếp giáp với xã Lương Sơn, tỉnh Phú Thọ. Đây là vùng đất cổ, có truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời, là nơi có những đóng góp đầu tiên trong nền văn minh sông Hồng (vùng đất này xưa kia thuộc không gian văn hóa Sơn Nam Thượng).

Xã Hồng Sơn có các tuyến đường quan trọng như: tỉnh lộ 419, quốc lộ 21A, quốc lộ 21B và đường Hồ Chí Minh đi qua. Điều này tạo thuận lợi cho việc kết nối với các khu vực lân cận thuộc Hà Nội, Ninh Bình, Phú Thọ. Xã Hồng Sơn đang đẩy mạnh các dự án cải tạo nâng cấp hệ thống đường bộ, bao gồm cả đường tỉnh, đường liên xã và các tuyến đường phục vụ phát triển đô thị.

Đặc điểm kinh tế xã Hồng Sơn

Hồng Sơn phát huy thế mạnh sản xuất nông nghiệp truyền thống. Mặc dù còn không ít khó khăn và hạn chế, xã đã có những tiến bộ nhất định trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là mô hình V-A-C, vườn đồi và sản xuất theo mô hình trang trại đang phát triển khá nhanh. Hồng Sơn đầu tư cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch trải nghiệm sản xuất nông, lâm nghiệp. Nổi bật với làng nghề thuốc Nam, phát triển kinh tế gắn với dược liệu và sản phẩm OCOP, tạo giá trị gia tăng và việc làm tại chỗ.

Xã có nhiều làng nghề, trong đó làng nghề dệt may, nhuộm Phùng Xá được Thành phố công nhận; làng Phùng Xá cũng là một trong những địa phương có sản phẩm OCOP 5 sao của Thành phố; làng nghề trồng dâu, nuôi tằm và dệt lụa Xuy Xá,...

Xã Hồng Sơn có tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt là dịch vụ du lịch sinh thái gắn với văn hóa - tâm linh. Khu du lịch sinh thái hồ Quan Sơn - Tuy Lai (nằm trên địa bàn xã Hồng Sơn và xã Phúc Sơn) trở thành khu du lịch cấp Thành phố.

Kinh tế xã đang từng bước chuyển đổi theo hướng phát triển bền vững, gắn kết giữa nông nghiệp truyền thống với các ngành nghề mới, phù hợp với định hướng phát triển vùng ngoại thành Hà Nội.

Đặc điểm văn hóa - xã hội xã Hồng Sơn

Xã Hồng Sơn mang đậm nét đặc trưng của văn hóa đồng bằng Bắc Bộ, là cái nôi hình thành văn hóa, văn minh của người Việt. Nhiều địa danh còn lưu dấu tích quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc như: Trống đồng ở làng Phú Duy (An Tiến) được tìm thấy vào năm 1962, hiện đang được trưng bày ở bảo tàng Lịch sử. Hồng Sơn là nơi văn hóa làng xã được gìn giữ nguyên vẹn, đời sống cộng đồng gắn bó, tinh thần tương thân tương ái được phát huy.

Địa bàn có nhiều làng nghề, trong đó làng nghề dệt may, nhuộm Phùng Xá là làng nghề truyền thống đã được Thành phố công nhận; làng nghề trồng dâu, nuôi tằm và dệt lụa Xuy Xá...

Hồng Sơn có nhiều di tích lịch sử, đình chùa cổ kính, lễ hội truyền thống được duy trì hàng năm, tạo điều kiện phát triển du lịch văn hóa nổi bật được xếp hạng cấp Quốc gia như: đình Kênh Đào, đình Tảo Khê, đình Đoan Nữ và đền Vua Đinh Tiên Hoàng.

Xã có hạ tầng giáo dục đồng bộ đầy đủ các cấp học phổ thông, đảm bảo nhu cầu học tập cho người dân trên địa bàn. Một số trường phổ thông tiêu biểu trên địa bàn gồm: Trường Mầm non Hồng Sơn, Trường Mầm non An Mỹ, Trường Mầm non Hợp Tiến; Trường Mầm non Lê Thanh, Trường Mầm non Phùng Xá, Trường Mầm non Xuy Xá; Trường Tiểu học Hợp Tiến, Trường Tiểu học Lê Thanh, Trường Tiểu học Hồng Sơn, Trường Tiểu học Phùng Xá, Trường Tiểu học Xuy Xá; Trường THCS Phùng Xá, Trường THCS An Mỹ, Trường THCS Xuy Xá, Trường THCS Hợp Tiến, Trường THCS Lê Thanh; Trường THPT Mỹ Đức B,...

Xã có hệ thống trạm y tế được trang bị trang thiết bị đồng bộ, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân tuyến cơ sở cơ bản dần đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; thực hiện đầy đủ, đồng bộ các chương trình y tế.

Trụ sở Đảng ủy xã Hồng Sơn: số 5 đường Xuy Xá, xã Hồng Sơn (địa chỉ cũ: số 5 đường Xuy Xá, thôn Thượng, xã Xuy Xá, huyện Mỹ Đức)
Trụ sở UBND xã Hồng Sơn: đường Hồng Sơn, thôn Hạ Sở, xã Hồng Sơn (địa chỉ cũ: đường Hồng Sơn, thôn Hạ Sở, xã Hồng Sơn, huyện Mỹ Đức)
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hồng Sơn: đồng chí Lê Chí Hòa
Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Hồng Sơn: đồng chí Ngô Quốc Ca
Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hồng Sơn: đồng chí Nguyễn Thị Bình.

Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây

Đài Hà Nội

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/xa-hong-son-nhung-thong-tin-chi-tiet-sau-sap-xep-344146.htm
Zalo