Xã hội hóa sách giáo khoa không xóa bỏ vai trò quản lý của Nhà nước

Việc huy động nguồn lực xã hội biên soạn sách giáo khoa càng cần sự quản lý, xét duyệt chặt chẽ của Bộ GD&ĐT, nhằm đảm bảo mục tiêu đổi mới giáo dục.

Bước sang năm thứ 5 thực hiện Chương trình GDPT 2018, đến nay học sinh và giáo viên ở mọi khối lớp đều đã được giảng dạy, học tập những bộ sách giáo khoa (SGK) mới. Những bộ sách không chỉ đổi mới về nội dung, hình thức, mà ngay từ quy trình biên soạn đã có nhiều sự thay đổi.

Chủ trương một chương trình, nhiều bộ SGK giờ đây đã dần được đón nhận và khẳng định tính đúng đắn của mình.

Không buông bỏ quản lý

Đánh giá về những thành tựu của xã hội hóa SGK thời gian qua, trao đổi với Người Đưa Tin, Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ nhận thấy, đây có lẽ là lần đầu tiên ngành giáo dục huy động được lực lượng đông đảo các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học tham gia biên soạn SGK.

"Điều này thể hiện tính dân chủ, phát huy được trí tuệ xã hội tham góp vào quá trình xuất bản SGK", ông Cừ bày tỏ.

Không chỉ huy động được sức người, các nguồn lực xã hội khác cũng nỗ lực tham gia, để sản xuất ra các bộ sách giáo khoa phục vụ cho đổi mới giáo dục. Giờ đây, giáo viên có quyền lựa chọn các bộ sách phù hợp với từng vùng, từng học sinh. Theo ông Cừ đây là sự lựa chọn ở đây là hợp lý, thiết thực, phù hợp, đặc biệt khi chất lượng các bộ sách ngày càng được tăng cao.

Đại biểu cũng cho rằng, quá trình đổi mới phải trải qua rất nhiều khó khăn, thách thức. Và mục đích cuối cùng của một chương trình, nhiều bộ SGK là xây dựng được một nền giáo dục dân chủ, chất lượng và có mục đích.

Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ đánh giá cao ý nghĩa của xã hội hóa sách giáo khoa (Ảnh: Hữu Thắng).

Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ đánh giá cao ý nghĩa của xã hội hóa sách giáo khoa (Ảnh: Hữu Thắng).

Ông Cừ nhấn mạnh: "Khi cùng chung chương trình, các bộ sách sẽ không có khác biệt về kiến thức, chỉ khác nhau về cách tiếp cận trình bày. Như vậy, dù dùng bộ sách nào cũng đảm bảo chất lượng giáo dục".

Ở đây, chúng ta phải hiểu rõ, xã hội hóa biên soạn SGK không có nghĩa Nhà nước rút dần trách nhiệm, thay vào đó lại càng phải nâng cao chức năng kiểm tra, giám sát.

"Nhà nước không trực tiếp biên soạn, nhưng lại thắt chặt công tác thẩm tra, thanh tra, xét duyệt. Đây là những bước cực kỳ quan trọng nhằm đánh giá nội dung của SGK có đáp ứng được chương trình và đảm bảo đổi mới căn bản, toàn diện sự nghiệp giáo dục hay không", ông Trương Xuân Cừ nhấn mạnh.

Thành công phải có sự góp sức của nhiều bên

Dưới góc độ là đơn vị biên soạn, xuất bản SGK, ông Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB GDVN) cũng nhận thấy sự tham gia của nhiều nhà xuất bản, tổ chức, doanh nghiệp là yếu tố quyết định sự thành công của chủ trương xã hội hóa giáo dục, xã hội hóa việc biên soạn SGK.

Giờ đây, giáo viên và học sinh được chủ động lựa chọn sách giáo khoa phù hợp.

Giờ đây, giáo viên và học sinh được chủ động lựa chọn sách giáo khoa phù hợp.

Điều này thể hiện rõ nhất ở việc, người học được tiếp cận tài liệu học tập phong phú, có chất lượng tốt về nội dung và hình thức. Từ đó góp phần đắc lực thúc đẩy sự phát triển giáo dục nước nhà.

Tuy nhiên, để có được một bộ sách vừa đáp ứng yêu cầu đổi mới, trong quá trình thực hiện, bản thân các NXB cũng gặp không ít khó khăn.

"Việc xây dựng đội ngũ tác giả trong bối cảnh nhiều đơn vị xuất bản cùng tìm kiếm những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong viết sách, nên chúng tôi gặp nhiều khó khăn để có được những đội ngũ tác giả tốt.

Chưa kể đến, đây là lần đầu tiên biên soạn SGK theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực,nên về mặt lý luận còn nhiều quan điểm khác biệt", ông Tùng chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (Ảnh: Hữu Thắng).

Ông Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (Ảnh: Hữu Thắng).

Đặc biệt, đối với công tác in, phát hành SGK, là doanh nghiệp Nhà nước, hoạt động của NXBGDVN chịu sự điều chỉnh của nhiều luật như luật Doanh nghiệp, luật Xuất bản và phải thực hiện nhiệm vụ chính trị với ngành giáo dục.

Ông Nguyễn Văn Tùng cho hay: "Hiện nay, đối với việc in ấn SGK, hàng năm NXBGDVN phải thực hiện đấu thầu trong việc cung ứng vật tư, công in, thùng carton đựng sách. Mỗi gói thầu trung bình phải diễn ra trong khoảng 70 ngày. Do vậy, để đảm bảo tiến độ in ấn và cung ứng SGK cho năm học mới, NXBGDVN phải nỗ lực hơn rất nhiều so với các công ty tư nhân làm SGK xã hội hóa".

Trong thời gian tới, Đại biểu Trương Xuân Cừ nhận thấy cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của xã hội hóa SGK.

"Khâu tuyên truyền đặt lên hàng đầu, để mỗi gia đình hiểu được mục đích của đổi mới giáo dục, mục đích của nhiều bộ SGK là cần thiết. Khi người dân hiểu được đây là chủ trương đúng đắn thì việc thực hiện sẽ thuận lợi hơn", ông Cừ bày tỏ.

Đồng thời, cần nâng cao trách nhiệm của NXB trong đảm bảo chất lượng, nghiên cứu các chính sách quản lý về giá cả, hỗ trợ giá để sao cho học sinh, phụ huynh được hưởng những ưu đãi tốt nhất.

Nguyễn Hoa Trà

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/xa-hoi-hoa-sach-giao-khoa-khong-xoa-bo-vai-tro-quan-ly-cua-nha-nuoc-204241126192616785.htm
Zalo