Xã Hòa Thắng: Quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi để phòng tránh bão số 3
Chiều nay (21/7), ông Lê Thanh Chung- Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng (tỉnh Lâm Đồng) cho biết, đến thời điểm này, hơn 200 thuyền thúng, xuồng hoạt động khu vực biển Hòa Thắng đã neo bờ để phòng tránh ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Wipha).

Sóng biển cao
Theo đó, triển khai Công điện số 370/CĐ-UBND ngày 20/7/2025 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc ứng phó với bão số 3 , UBND xã Hòa Thắng đã thông báo và yêu cầu một số cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp để chủ động ứng phó với bão và tình hình mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, lốc sét, gió giật mạnh.
Cụ thể, Đồn Biên phòng Hòa Thắng phối hợp với UBND, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN xã Hòa Thắng quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi. Đồng thời, tổ chức kiểm đếm, theo dõi tàu, thuyền đang hoạt động trên biển; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện, thông báo cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển, diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh. Mặt khác, sẵn sàng phương tiện cứu hộ, cứu nạn kịp thời, đảm bảo an toàn về người và tài sản. Nghiêm cấm các phương tiện ra khơi và đến bãi neo đậu an toàn.

Thuyền thúng của ngư dân khi đưa vào bờ

Thuyền thúng của ngư dân Lâm Đồng
Các cơ quan, đơn vị thường trực tìm kiếm, cứu nạn của xã, Đồn Biên Phòng Hòa Thắng, Ban Chỉ huy Quân sự xã, Công an xã rà soát, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, lực lượng, vật tư, trang thiết bị để tham gia ứng phó, cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu theo phương châm 4 tại chỗ. Theo dõi, hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa, tránh xảy ra thiệt hại về người và tài sản khi có mưa lớn, lũ quét xảy ra.
Do ảnh hưởng bão số 3, vùng ven biển Lâm Đồng có sóng lớn
Theo UBND xã Hòa Thắng, hiện vùng biển của xã và khu vực lân cận có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to. Theo thống kê, toàn xã có 213 thuyền thúng và 6 xuồng khai thác hải sản gần bờ. Những ngày qua, do ảnh hưởng bão số 3, vùng biển của xã có gió lớn, sóng to, nên ngư dân đã chủ động neo bờ để phòng tránh rủi ro. Ngoài xã Hòa Thắng, thời điểm này ngư dân ở một số xã, phường ven biển khác như xã Phan Rí Cửa, Phú Thủy, Phan Thiết… đã neo buộc tàu thuyền để phòng tránh bão và chấp hành tốt quy định để hạn chế tối đa thiệt hại do mưa bão gây ra.

Mưa liên tục ở các xã, phường ven biển
Trước đó, vào ngày 20/7, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có công điện khẩn, đề nghị một số sở, ban, ngành, các xã, phường, đặc khu việc ứng phó với cơn bão số 3. Trong đó, đối với các xã, phường ven biển, đặc khu Phú Quý, UBND tỉnh đề nghị theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; quản lý nghiêm ngặt hoạt động tàu thuyền ra khơi, tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra, không di chuyển vào khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn. Song song, triển khai công tác đảm bảo an toàn về người, phương tiện, tài sản đặc biệt đối với các điểm du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và các công trình trên biển, trên đảo, khu vực ven biển. Căn cứ tình hình cụ thể, chủ động quyết định việc cấm biển đối với tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch và di dời dân tại các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản ven bờ, trên biển, trên đảo để đảm bảo an toàn. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu…
Được biết, theo bản tin của Đài Khí tượng thủy văn Quốc gia, lúc 13 giờ ngày 21/7, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 21,1 độ Vĩ Bắc; 109,1 độ Kinh Đông, cách Quảng Ninh khoảng 120 km, cách Hải Phòng 260 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 -10 (75 -102 km/giờ), giật cấp 12; di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ 10 - 15 km/h.