Xã Đông Thái Ninh: Khẩn trương khoanh vùng, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi
Hiện nay, chính quyền và người dân xã Đông Thái Ninh đang khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm khống chế, ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) lây lan trên địa bàn. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tình hình dịch bệnh từng bước được kiểm soát, góp phần giảm thiểu thiệt hại cho người dân.

Nông dân xã Đông Thái Ninh rắc vôi bột khử trùng môi trường chăn nuôi.
Liên tiếp phát hiện bệnh DTLCP
Toàn xã hiện có khoảng 193 hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ trong khu dân cư, với tổng đàn khoảng 1,6 nghìn con và 1 trang trại chăn nuôi tập trung với khoảng 1,3 nghìn con.
Ngày 17/7, UBND xã Đông Thái Ninh tiếp nhận thông tin báo cáo về tình hình dịch bệnh trên đàn lợn của gia đình ông Tạ Thanh Long ở thôn Tân Lập. Theo đó, gia đình ông Long nuôi 4 con lợn có các dấu hiệu như: Sốt cao, bỏ ăn, thay đổi màu da… Sau khi tiếp nhận thông tin, UBND xã đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Môi trường) lấy mẫu, gửi xét nghiệm tại Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương I để xác minh dịch bệnh. Kết quả, 2/2 mẫu gửi xét nghiệm dương tính với vi-rút DTLCP.

Lợn mắc bệnh DTLCP tại xã Đông Thái Ninh được tiêu thủy đúng quy định.
Ngày 19/7 và ngày 24/7, UBND xã tiếp tục nhận được thông tin về tình trạng lợn ốm, chết nghi mắc bệnh DTLCP ở các hộ dân: Phạm Trọng Cầu và Hoàng Văn Minh đều ở thôn Tân Tiến, Phạm Văn Ngoạn ở thôn Lục Nam. Xã đã phối hợp với cơ quan thú y lấy mẫu xét nghiệm và phun hóa chất, khử trùng và tiêu hủy theo đúng quy định.
Như vậy, đến 10 giờ ngày 24/7, trên địa bàn xã đã phát hiện 3 hộ chăn nuôi có lợn mắc bệnh DTLCP gồm: Tạ Thanh Long, Phạm Trọng Cầu, Phạm Văn Ngoạn. Mẫu xét nghiệm của hộ gia đình ông Hoàng Văn Minh hiện nay chưa có kết quả. Tổng số lợn chết, mắc bệnh được tiêu hủy là 7 con với tổng trọng lượng 445 kg. Ông Tạ Thanh Long ở thôn Tân Lập cho biết: Xác định chăn nuôi trong khu dân cư luôn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh nên gia đình tôi chỉ nuôi vài con lợn để tận dụng thức ăn thừa và có thêm thu nhập. Ngay khi lợn có dấu hiệu mắc bệnh, gia đình đã thông báo với chính quyền địa phương để có hướng xử lý kịp thời. Ước tính, gia đình tôi thiệt hại khoảng 20 triệu đồng.
Cơ quan thú y xác định, nguyên nhân chủ yếu khiến lợn bị mắc bệnh là do chưa được tiêm vắc - xin phòng bệnh DTLCP; lợn mắc bệnh ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa quan tâm áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Lực lượng thú y phun hóa chất khử trùng tại chợ Gạch ở thôn Minh Thành, xã Đông Thái Ninh.
Khẩn trương khoanh vùng, dập dịch
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin lợn ốm, chết của gia đình ông Tạ Thanh Long, ngày 17/7, UBND xã Đông Thái Ninh đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh DTLCP, thành lập Tổ kiểm đếm lợn bị mắc bệnh DTLCP khi tiêu hủy; tăng cường tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh xã về tình hình dịch bệnh, mức độ nguy hiểm của dịch bệnh và các biện pháp ngăn chặn dịch lây lan; tiếp nhận 100 kg hóa chất Cloramin B để thực hiện phun khử trùng khu vực chăn nuôi và môi trường; chỉ đạo Phòng Kinh tế mua 100 kg vôi bột để giao cho các hộ gia đình có lợn mắc bệnh khử trùng và sử dụng khử trùng tại các vị trí chôn lấp tiêu hủy lợn bệnh nhằm tiêu diệt vi-rút gây bệnh.
Sau khi ở địa phương xuất hiện bệnh DTLCP, các hộ chăn nuôi trong xã cũng tăng cường các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi của gia đình. Anh Giang Văn Đăng ở thôn Nam Hải chia sẻ: Hiện nay, gia đình tôi nuôi trên 200 con lợn, gồm lợn nái và lợn con theo mẹ. Trước diễn biến của bệnh DTLCP trên địa bàn xã, tôi rắc vôi bột xung quanh chuồng trại, tăng tần suất phun hóa chất khử trùng khu vực chăn nuôi lên 3 lần/tuần; bổ sung vitamin vào khẩu phần ăn để tăng sức đề kháng của lợn; thường xuyên theo dõi sức khỏe của đàn lợn để có biện pháp xử lý kịp thời. Chúng tôi hy vọng dịch bệnh được kiểm soát để yên tâm sản xuất.
Mặc dù đã triển khai đồng loạt các biện pháp ngăn chặn bệnh DTLCP ngay từ sớm nhưng hiện nay, khó khăn trong công tác phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn xã Đông Thái Ninh nói riêng và các địa phương khác trong tỉnh nói chung là người dân chưa chấp hành việc kê khai hoạt động chăn nuôi với chính quyền xã theo quy định của Luật Chăn nuôi. Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý vật nuôi và triển khai tiêm phòng; ảnh hưởng trực tiếp quyền và nghĩa vụ thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước khi xảy ra dịch bệnh. Hoạt động chăn nuôi ở nhiều địa phương diễn ra với quy mô nhỏ, không bảo đảm điều kiện chăn nuôi. Người dân còn tận dụng thức ăn thừa để làm thức ăn cho vật nuôi. Ngoài ra hiện nay, quy định kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật chỉ áp dụng bắt buộc cho sản phẩm vận chuyển ra ngoài tỉnh mà không áp dụng cho vận chuyển nội tỉnh… Điều này cũng gây khó khăn cho công tác kiểm soát dịch bệnh của lực lượng thú y các địa phương.
Đồng chí Vũ Trọng Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thái Ninh cho biết: Việc tiêu hủy lợn bị ốm, chết do mắc bệnh DTLCP và phun hóa chất tiêu độc khử trùng được địa phương tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Thời gian tới, xã tiếp tục theo dõi diễn biến dịch bệnh trên đàn lợn để có biện pháp khoanh vùng, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng; tổ chức tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường trên địa bàn toàn xã với tần suất 1 lần/tuần và sẽ được thực hiện liên tục trong 3 tuần, kể từ ngày 18/7. Đồng thời, xã chỉ đạo các thôn tổ chức ký cam kết với chủ các cơ sở giết mổ, cơ sở trung chuyển gia súc, gia cầm không được nhập gia súc, gia cầm mắc bệnh, không có giấy chứng nhận kiểm dịch; các hộ chăn nuôi có lợn ốm, nghi mắc bệnh cần báo với lực lượng thú y địa phương, không được tự ý xử lý, bán chạy lợn bệnh để gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trên toàn tỉnh.