Xã biên giới Phiêng Pằn (mới), Sơn La trước giờ vận hành chính quyền địa phương 2 cấp
Đông đảo quần chúng nhân dân, cán bộ, đảng viên xã biên giới Phiêng Pằn, Sơn La bày tỏ sự vui mừng, tin tưởng bộ máy chính quyền mới sẽ vận hành thông suốt và có những bứt phá, vươn tới nhiều thành công khi thực hiện mô hình mới - chính quyền địa phương 2 cấp, bắt đầu từ ngày 1/7.
Xã Phiêng Pằn mới của tỉnh Sơn La được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 xã Chiềng Lương, Phiêng Pằn, Nà Ớt của huyện Mai Sơn (cũ). Xã mới lấy tên là xã Phiêng Pằn và đặt trụ sở tại xã Phiêng Pằn cũ.
Sau sáp nhập, xã có tổng diện tích tự nhiên 320km2, dân số trên 24.000 người với 5 dân tộc chủ yếu là Thái, Mông, Kinh, Sinh Mun và Khơ Mú. Toàn xã có 45 bản, hơn 4.800 hộ, trong đó hộ nghèo chiếm gần 22%. Tổng số cán bộ, công chức xã mới có 64 biên chế, bao gồm cả cán bộ, công chức của 3 xã sáp nhập lại và cán bộ, công chức từ huyện Mai Sơn chuyển về.

Thủ tục hành chính được giải quyết chính xác, nhanh gọn
Trong 1 tuần qua, xã đã tổ chức vận hành thử nghiệm bộ máy mới và những người dự kiến được giao nhiệm vụ đứng đầu xã cũng đã họp, thống nhất phương châm và kế hoạch hoạt động trong thời gian trước mắt và lâu dài.
Tại lễ công bố diễn ra sáng 30/6, đông đảo quần chúng nhân dân, cán bộ, đảng viên xã biên giới bày tỏ sự vui mừng, tin tưởng bộ máy chính quyền mới sẽ vận hành thông suốt và có những bứt phá, vươn tới nhiều thành công khi thực hiện mô hình mới - chính quyền địa phương 2 cấp, bắt đầu từ hôm nay (1/7).

Ngay trong ngày công bố, người dân các xã Chiềng Lương, Nà Ớt (cũ) đến trung tâm phục vụ hành chính công xã Phiêng Pằn để làm các giấy tờ, thủ tục
Ông Lò Đức Ngọc, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phiêng Pằn, tỉnh Sơn La cho biết: "Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, Thường trực Ban Thường vụ Đảng ủy, HĐND, UBND xã sẽ tập trung cao để rà soát, đề xuất xây dựng kế hoạch đầu tư công, lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, như: chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi,…để ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường giao thông kết nối giữa các xã, các bản để đảm bảo cho việc vận chuyển hàng hóa, nông sản của nhân dân".
Ông Lò Đức Ngọc cũng cho biết, trụ sở xã Phiêng Pằn (cũ) - nơi làm việc của xã mới hiện nay chỉ có 15 phòng làm việc và 1 nhà vệ sinh, vì thế việc bố trí phòng làm việc đáp ứng đủ cho nhu cầu của 64 người là vô cùng khó khăn. Cùng với đó, số cán bộ, công chức chuyển từ nơi khác đến phải ở lại nghỉ trưa và qua đêm là 47 người, trong khi nhà ở công vụ không có. Chính vì vậy, UBND xã đã xây dựng phương án tạm thời, giúp các cán bộ, viên chức ở từng bộ phận có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo chức trách được phân công.

Trao Quyết định bổ nhiệm cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo xã Phiêng Pằn (mới), có hiệu lực từ ngày 1/7/2025
"Hiện tại chúng tôi mới tạm thời bố trí được phòng làm việc riêng cho các đồng chí trong Thường trực Đảng ủy, HĐND, UBND xã và đang tận dụng 4 phòng công vụ của xã trước đây để bố trí phòng làm việc cho Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội khác. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã làm việc với đơn vị trường học trên địa bàn và trạm y tế xã để mượn tạm phòng công vụ để bố trí tạm thời cho cán bộ, công chức nghỉ trưa, nghỉ tối. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đề xuất với cấp có thẩm quyền cho chủ trương đầu tư trụ sở mới và nhà công vụ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cho cán bộ, công chức xã trên địa bàn", ông Lò Đức Ngọc nói.
Dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, việc sáp nhập các xã không tránh khỏi những xáo trộn. Tuy nhiên, cấp ủy, chính quyền và người dân xã biên giới Phiêng Pằn nói riêng, 75 xã phường trong toàn tỉnh Sơn La nói chung đều vui mừng, phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương của Đảng, Nhà nước và kỳ vọng đời sống sẽ ổn định, phát triển hơn khi bước sang trang sử mới là thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, bắt đầu từ hôm nay (1/7/2025).