WSJ: Hệ thống phòng không Patriot của Mỹ không đủ sức đối phó tên lửa Nga ở Ukraine
Hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất – từng được coi là trụ cột trong gói viện trợ quân sự của phương Tây dành cho Ukraine – đang gặp khó khăn trong việc đánh chặn các loại tên lửa đạn đạo tiên tiến của Nga, theo nguồn tin thân cận được The Wall Street Journal (WSJ) dẫn lại.

ineHệ thống tên lửa phòng không Patriot của Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Đài RT (Nga) cho biết một quan chức Ukraine giấu tên thừa nhận rằng các tên lửa đạn đạo do Nga triển khai hiện nay có khả năng cơ động cao hơn, giúp chúng tránh được hệ thống radar của Patriot. Tuy nhiên, vị quan chức này không nêu rõ loại tên lửa cụ thể nào đang được đề cập.
Trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) nỗ lực giảm dần sự phụ thuộc vào ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ – đặc biệt khi tương lai viện trợ từ Washington còn nhiều bất định – các nước châu Âu đang đẩy mạnh phát triển giải pháp thay thế thế hệ mới cho hệ thống Patriot, theo WSJ.
Một trong những ứng viên tiềm năng là hệ thống tên lửa phòng không Samp/T nâng cấp, do liên doanh Pháp - Iatly Eurosam phát triển. Hệ thống này được đánh giá là phù hợp hơn với các mối đe dọa hiện đại, nhờ tích hợp radar tiên tiến có khả năng phát hiện mục tiêu ở khoảng cách hơn 350 km và khả năng phóng tên lửa theo mọi hướng.
WSJ dẫn các nguồn tin cho biết Samp/T cũng tỏ ra hiệu quả hơn về mặt nhân lực, khi toàn bộ hệ thống chỉ cần khoảng 15 người vận hành – thấp hơn rất nhiều so với khoảng 90 binh sĩ cần để điều khiển một tổ hợp Patriot.
Mặc dù một số lực lượng Ukraine vẫn bày tỏ lo ngại về hiệu suất thực tế của Samp/T, một quan chức quốc phòng Italy cho biết hệ thống này đã nhận được “phản hồi tích cực” từ phía Kiev.
Trong diễn biến liên quan, Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây tuyên bố rằng có 17 hệ thống Patriot “đã sẵn sàng để chuyển giao” cho Ukraine. Tuy nhiên, phát biểu này gây ra sự hoài nghi tại Kiev do ông Trump không làm rõ liệu con số đó bao gồm toàn bộ tổ hợp hay chỉ là các thành phần riêng lẻ.
Ông Trump cũng đề xuất một cơ chế trong đó các quốc gia NATO tại châu Âu sẽ mua vũ khí Mỹ để hỗ trợ Ukraine. Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của EU, bà Kaja Kallas, đã hoan nghênh thiện chí của ông Trump, song cũng nhấn mạnh rằng Washington cần “chia sẻ gánh nặng” trong việc viện trợ quân sự.
Về phía Nga, Moskva nhiều lần lên án việc phương Tây tiếp tục chuyển giao vũ khí cho Ukraine, cho rằng những động thái này không giúp thay đổi cục diện mà chỉ kéo dài xung đột.