WSJ: Cần chặn đứng kẻ bắt nạt ở Biển Đông

Hai nhà nghiên cứu thuộc trung tâm CSIS cho rằng Mỹ và các nước cần gây áp lực với Trung Quốc nếu nước này tiếp tục các hành động đe dọa trên Biển Đông.

Tuần trước, Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên án mạnh mẽ về các hành vi quấy rối, đe dọa của Trung Quốc đối với hoạt động khai thác và thăm dò dầu khí của Việt Nam và Malaysia tại Biển Đông.

Người phát ngôn Morgan Ortagus lên án "sự can thiệp liên tục vào các hoạt động khai thác dầu khí và khí đốt từ lâu của Việt Nam", cho rằng việc này "làm dấy lên quan ngại về cam kết của Trung Quốc... đối với một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp trên Biển Đông".

Trong bài viết đăng trên Wall Street Journal, hai tác giả Murray Hiebert và George B. Poling nhận định rằng dù Bộ Ngoại giao Mỹ đã cảnh báo Trung Quốc, Washington và các đối tác cần làm nhiều hơn nữa để buộc Trung Quốc phải rút các tàu hải cảnh và tàu quân sự của họ về cảng trước khi một vụ va chạm nghiêm trọng xảy ra trên biển, có nguy cơ dẫn tới một cuộc khủng hoảng lớn hơn.

Ông Poling là Giám đốc chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), trong khi ông Hiebert là nhà nghiên cứu cấp cao tại chương trình Đông Nam Á của CSIS.

Trung Quốc sử dụng các tàu hải cảnh và lực lượng bán quân sự để tiến hành các hoạt động bắt nạt trên biển, thay vì quân đội. Ảnh: AFP.

Trung Quốc sử dụng các tàu hải cảnh và lực lượng bán quân sự để tiến hành các hoạt động bắt nạt trên biển, thay vì quân đội. Ảnh: AFP.

Ép buộc, đe dọa các hoạt động khai thác dầu khí

Dù sự xâm phạm của tàu Trung Quốc gần bờ biển Việt Nam đã được chú ý nhiều, các hoạt động bắt nạt đã bắt đầu từ tháng 5, ở phía kia của Biển Đông (gần Malaysia).

Ngày 21/5, hai tàu thuộc nhà thầu của công ty con trong tập đoàn Royal Dutch Shell vừa hoàn thành chuyến đi định kỳ từ bang Sarawak đến bãi khoan dầu nằm ngoài khơi bờ biển Malaysia trên Biển Đông. Một tàu hải cảnh lớn của Trung Quốc, tàu 35111 xuất hiện và chạy quanh tàu thương mại với tốc độ cao, tiếp cận tàu này trong phạm vi 80 m.

Những diễn biến trên được theo dõi bởi chương trình ATMI, sử dụng các tín hiệu nhận dạng được truyền qua lại giữa các tàu. Sự cố trên chỉ là một phần trong nỗ lực kéo dài 2 tuần của tàu Haijing 35111 nhằm quấy rối và ngăn cản các hoạt động dầu khí của Shell. Đến cuối tháng 5, tàu Trung Quốc trở về cảng ở Hải Nam, nhưng ở đó không lâu.

Tàu Haijing 35111 sau đó di chuyển đến vùng biển Việt Nam, tiếp tục quấy rối tại đây.

Khí đốt tự nhiên khai thác từ khu vực này cung cấp 10% nhu cầu năng lượng cho Việt Nam. Mục đích của Bắc Kinh là hạn chế và quấy rối các hợp tác khai thác như thế này.

Haijing 35111 không thể chấm dứt các hoạt động khoan dầu của Việt Nam và Malaysia, nhưng Trung Quốc đã tiếp tục leo thang sau đó. Tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc xuất hiện tại vùng biển Việt Nam và bắt đầu hoạt động thăm dò trái phép.

Hoạt động này diễn ra ở đáy biển Việt Nam, nơi Việt Nam có những quyền không thể tranh cãi trong luật pháp quốc tế. Các tín hiệu cho thấy nhiều tàu Trung Quốc, cả tàu hải cảnh và quân sự, đang hộ tống tàu thăm dò này.

Bộ Ngoại giao ngày 16/8 đã phản đối việc tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc quay trở lại khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

"Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và luật pháp quốc tế", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói.

Ông Poling và Hiebert nhận định rằng các diễn biến trên biển tạo ra các tình thế rất mong manh và những vụ va chạm, dù là vô tình hay cố ý, rất dễ xảy ra. Nếu nó xảy ra, các bên có thể đi đến đối đầu về quân sự.

Một tàu thăm dò khác của Trung Quốc, Thực Nghiệm 2 đã khảo sát vùng biển Malaysia trong hai tuần hồi đầu tháng 8, bao gồm các khu vực mà các nhà thầu của Shell cùng những công ty khác đang vận hành hoạt động khai thác. Từ 14/8, tàu thăm dò thứ ba của Trung Quốc, Hải Dương 4 đã thăm dò một khu vực thềm lục địa cùng được Việt Nam và Malaysia tuyên bố.

Sau Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 26/8 bày tỏ quan ngại sâu sắc việc Trung Quốc tiếp tục vi phạm trật tự quốc tế dựa trên luật lệ ở khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Lầu Năm Góc lên án Trung Quốc "Trung Quốc tái diễn hành vi can thiệp mang tính cưỡng ép đối với các hoạt động dầu khí đã tồn tại từ lâu của Việt Nam trên Biển Đông, trực tiếp đi ngược lại cam kết của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại Đối thoại Shangri-La rằng Trung Quốc sẽ đi theo con đường phát triển hòa bình".

Tại cuộc họp báo trưa 26/8 nhân chuyến thăm của Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đến Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết hai bên nhất trí hợp tác với ASEAN nhằm bảo đảm an ninh và tự do hàng hải trên Biển Đông

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad nói thế giới đang có nhiều thay đổi, đồng thời có sự gia tăng việc thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế, “đặc biệt là với các nước lớn”, gây ảnh hưởng cho nhiều nước trên thế giới.

“Chúng ta cần phải cùng nhau chỉ ra rằng thế giới đang chứng kiến sự thiếu tôn trọng với luật pháp quốc tế và nhiều nước bị ảnh hưởng khi các cường quốc tùy ý sử dụng luật, có những hành động trái với quy tắc ứng xử trong quan hệ quốc tế”, ông Mahathir phát biểu.

Tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc. Ảnh: Cục Khảo sát Địa chất Trung Quốc.

Tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc. Ảnh: Cục Khảo sát Địa chất Trung Quốc.

Cần tăng cái giá Trung Quốc phải trả

Trong bài viết trên Wall Street Journal, hai tác giả Poling và Hiebert nói rằng không có giải pháp quân sự nào cho mô tuýp hành động ép buộc này của Trung Quốc.

Nếu Washington muốn ngăn chặn một cuộc khủng hoảng, chứng minh rằng họ nghiêm túc trong việc thực thi tự do trên biển, họ cần đẩy mạnh các chiến lược ngoại giao và kinh tế phù hợp với các đối tác quốc tế.

Họ cần phải tăng cái giá mà Trung Quốc phải trả cho những hành động của nước này, thuyết phục các lãnh đạo Trung Quốc rằng họ sẽ thiệt hại trên sân khấu toàn cầu nếu tiếp tục "kiếm chác" từ các hành động ép buộc trong khu vực.

Một chiến lược như vậy phải bắt đầu từ Bộ Ngoại giao Mỹ, bằng việc họ thuyết phục các nước khác - bao gồm các quốc gia châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia - cùng kêu gọi Trung Quốc tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý.

Nhóm nước kêu gọi Bắc Kinh thay đổi hành vi càng rộng, thì cái giá về mặt uy tín mà Trung Quốc phải trả nếu tiếp tục hung hăng sẽ càng lớn.

Mỹ và các đồng minh, đối tác nên biến những hành động này thành cái giá kinh tế. Nếu Trung Quốc muốn dựa vào các nhóm dân sự và bán quân sự để ép buộc láng giềng, các lực lượng này cần phải bị lật mặt.

Mỹ và đối tác nên chỉ đích danh các lực lượng dân sự và những người sở hữu có tham gia vào các hoạt động quân sự chống lại các nước khác.

Washington nên cấm các chủ thể này làm ăn với Mỹ, tiếp cận thị trường hành chính quốc tế thông qua các phương tiện như Đạo luật Trừng phạt trên Biển Đông, hiện được lưỡng viện bàn bạc.

Một tiền lệ cho việc này: Mỹ và châu Âu phản ứng tương tự với việc Nga sử dụng lực lượng bán quân sự tại miền Đông Ukraine vào năm 2014.

Trung Quốc đang tham gia vào một chiến dịch sử dụng bạo lực bán quân sự, bắt nạt và đe dọa dài hơi chống lại Việt Nam, Malaysia và Philippines.

Sự theo đuổi một cách hung hăng các tuyên bố - vốn thách thức luật pháp quốc tế và bất chấp quyền lợi của các quốc gia Đông Nam Á - là một thách thức nghiêm trọng cho trật tự hàng hải quốc tế và sự ổn định của khu vực.

Vy Xuân

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/wsj-can-chan-dung-ke-bat-nat-o-bien-dong-post984125.html
Zalo