WHO tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu như Covid-19

Ngày 23/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu tương tự như Covid-19, sau khi số ca mắc đã lây lan với tốc độ chưa từng có tại 75 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Lấy mẫu một bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ. Ảnh: AP

Lấy mẫu một bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ. Ảnh: AP

Đây là lần thứ hai trong hơn hai năm qua, WHO phải ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, hay còn có tên đầy đủ là Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng đồng Quốc tế (PHEIC). Lần đầu là với đại dịch Covid-19 vào năm 2020.

PHEIC được WHO định nghĩa là "một sự kiện bất thường", tạo thành nguy cơ sức khỏe cộng đồng cho các quốc gia khác thông qua sự lây lan của một dịch bệnh quốc tế và cần phải có "phản ứng phối hợp quốc tế". Đây cũng là mức độ cảnh báo cao nhất mà WHO có thể ban bố, trong bối cảnh số ca mắc đậu mùa khỉ trên thế giới trong đợt dịch này đã lên tới hơn 16.500 ca và 5 ca tử vong.

Trước đó, trong cuộc họp vào tháng 6, nhóm chuyên gia trong hội đồng WHO nhận định rằng mặc dù bệnh đậu mùa ở khỉ là một mối đe dọa ngày càng gia tăng, nhưng nó vẫn chưa cấu thành PHEIC, vì bệnh này đang tập trung vào nhóm nguy cơ chính là nam giới quan hệ tình dục đồng tính, chưa ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai, trẻ em và người lớn tuổi. Tại thời điểm này, thế giới ghi nhận có khoảng 3.000 ca mắc đậu mùa khỉ.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Ảnh: AP

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Ảnh: AP

“Đợt bùng phát đã lan ra khắp thế giới một cách nhanh chóng, thông qua các phương thức lây truyền mà chúng ta hiểu quá ít", Reuters dẫn phát biểu của Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus.

Tuy nhiên, với tuyên bố mới nhất của WHO, thế giới sẽ phải đối mặt với nguy cơ lớn về y tế toàn cầu, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều quốc gia trong việc đầu tư nguồn lực và kinh phí để kiểm soát đợt bùng phát dịch, chia sẻ vaccine và các phương pháp điều trị.

Các chuyên gia y tế thế giới đều bày tỏ hoan nghênh trước việc WHO tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.

New York Times dẫn lời Tiến sĩ Boghuma Titanji, một bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Đại học Emory ở Atlanta, cho biết tuyên bố mới của WHO là "muộn còn hơn không". Tuy nhiên, ông cũng nói rằng, sự chậm trễ hiện nay sẽ gây ra "phản ứng thiếu phối hợp trên toàn cầu, các quốc gia riêng lẻ sẽ làm việc ở các tốc độ khác nhau để giải quyết vấn đề dịch bệnh".

Trong khi đó, Tiến sĩ James Lawler, đồng giám đốc Trung tâm An ninh Y tế Toàn cầu của Đại học Nebraska, ước tính rằng thế giới có thể mất một năm hoặc lâu hơn để kiểm soát đợt bùng phát. Trong khi đó, loại virus này có thể đã lây nhiễm cho hàng trăm nghìn người và có thể tồn tại vĩnh viễn ở một số quốc gia.

Ông cũng nói rằng: “Thật không may khi chúng ta đã thực sự bỏ lỡ cơ hội có thể kiểm soát đợt bùng phát dịch bệnh sớm hơn. Bây giờ, chúng ta phải lao vào cuộc chiến thực sự để có thể ngăn chặn đà lây lan."

Trong lịch sử, WHO đã có 7 lần ban bố tình trạng khẩn cấp y tế công cộng toàn cầu, trong đó gần đây nhất có Covid-19 (2020), đợt bùng phát Ebola ở Cộng hòa Dân chủ Congo (2019), Zika (2016), bại liệt (2014), đợt bùng phát Ebola ở Tây Phi (2014), virus gây đại dịch cúm lợn H1N1 (2009).

Bệnh đậu mùa khỉ thường bắt đầu với các triệu chứng tương tự như bệnh cúm bao gồm sốt, nhức đầu, đau cơ, ớn lạnh, kiệt sức và sưng hạch bạch huyết. Các vết nhiễm trùng sau đó hình thành trên cơ thể. Một người được coi là không còn lây nhiễm sau khi các tổn thương đã biến mất và một lớp da mới hình thành. Bệnh này đang lây lan phần lớn ở nam giới có quan hệ tình dục đồng giới tại nhiều quốc gia.

Theo WHO, virus đậu mùa khỉ có 2 dòng - chủng Tây Phi, được cho là có tỉ lệ tử vong khoảng 1% và chủng này lan rộng ở châu Âu và các nơi khác, trong khi chủng Congo Basin, có tỉ lệ tử vong gần 10%. Đậu mùa khỉ đã tồn tại trong nhiều thập kỷ và được coi là bệnh đặc hữu ở nhiều vùng của Châu Phi. Tuy nhiên, trong đợt bùng phát mới nhất, bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận gia tăng ở các quốc gia trước đây chưa có báo cáo về căn bệnh này.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, dịch bệnh có thể ngừng bùng phát nếu các quốc gia hợp tác với các cộng đồng nam giới quan hệ tình dục đồng giới để ngăn chặn virus. Vị quan chức này cũng đồng thời nhấn mạnh thế giới nên tránh kỳ thị nhóm này, vì tỷ lệ tử vong do đậu mùa khỉ ở mức thấp.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/who-tuyen-bo-dau-mua-khi-la-tinh-trang-khan-cap-y-te-toan-cau-nhu-covid-19-post9076.html
Zalo