WHO lần 2 đánh giá khả năng ban bố tình trạng khẩn cấp đối với đậu mùa khỉ

Ủy ban khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong tuần này đã nhóm họp để đánh giá liệu có nên tuyên bố đậu mùa khỉ là một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu hay không.

Vốn là bệnh lưu hành chủ yếu tại Trung và Tây Phi, song đậu mùa khỉ đã xuất hiện tại hầu hết các châu lục và bắt đầu lây lan mạnh trong những tháng gần đây. Đặc biệt, những bệnh nhi mắc đậu mùa khỉ đầu tiên đã được xác nhận tại nhiều nước, trong đó có Mỹ và các nước châu Âu. Giới chuyên gia lo ngại, sự khác biệt nổi bật giữa các đợt bùng phát ở châu Phi và các nước phát triển sẽ làm phức tạp bất kỳ phản ứng phối hợp nào.

Bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: Crast.

Bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: Crast.

Đây là cuộc họp thứ 2 của Ủy ban khẩn cấp nhằm đánh giá liệu có phải tình hình đang xấu đi trong bối cảnh Tổ chức Y tế Thế giới đã nhận được báo cáo về gần 15.000 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ở hơn 70 quốc gia.

Theo Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, tại một số nước, khả năng tiếp cận với các phương pháp chẩn đoán và vaccine còn hạn chế, dẫn đến sự bùng phát mạnh số ca mắc, gây khó khăn cho việc phát hiện và ngăn chặn các chuỗi lây nhiễm.

“Tổ chức Y tế Thế giới đang hỗ trợ các quốc gia nhằm tăng cường khả năng tiếp cận với các phương pháp chẩn đoán và vaccine. Một trong những công cụ quan trọng nhất là thông tin tới người dân, tới các cộng đồng để họ hiểu về nguy cơ của dịch bệnh, cũng như về cách tự bảo vệ bản thân. Tổ chức Y tế Thế giới sẽ tiếp tục làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ các quốc gia ngăn chặn sự lây truyền và cứu các mạng sống.”

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ hôm qua (22/7) thông báo 2 bệnh nhi đầu tiên mắc đậu mùa khỉ tại nước này và nguyên nhân được cho là có thể do lây nhiễm trong gia đình. Cũng theo số liệu của CDC Mỹ, trên toàn nước Mỹ đã có hơn 1 nghìn 800 ca mắc đậu mùa khỉ được ghi nhận tính đến ngày 15/7. Hiện nước này đang tăng cường năng lực xét nghiệm và nguồn cung vaccine để ứng phó với đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay. Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế lo ngại Mỹ có thể đang đứng trước nguy cơ mất khả năng kiểm soát đợt bùng phát này do phản ứng chưa đủ nhanh.

Tại châu Âu, Cơ quan thuốc châu Âu vừa phê duyệt việc sử dụng vaccine đậu mùa Imvanex để phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ sau khi gần 8.600 trường hợp được xác nhận ở Liên minh châu Âu kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Ở Mỹ và châu Âu, phần lớn các ca lây nhiễm xảy ra ở nam giới có quan hệ tình dục đồng giới, mặc dù các quan chức y tế nhấn mạnh bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm loại virus này. Đặc biệt trong những tuần gần đây một số nước đã ghi nhận các ca bệnh ở trẻ em, trong đó ít nhất 6 trường hợp ở châu Âu. Việc tiêm phòng bệnh đậu mùa đã được ngừng lại sau khi căn bệnh này được loại trừ khoảng 40 năm trước nên kể từ đó trẻ em không được tiêm phòng căn bệnh này.

Theo Người đứng đầu chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới Mike Ryan, Cơ quan y tế Liên Hợp Quốc đang làm việc về một cơ chế nhằm phân phối vaccine công bằng hơn, sau khi các quốc gia bao gồm Anh và Mỹ đề nghị sẵn sàng chia sẻ kho dự trữ vaccine đậu mùa.

“Các quốc gia hiện có kho dự trữ vaccine đậu mùa, trong đó có Mỹ đã bày tỏ sẵn sàng chia sẻ với các quốc gia khác. Nhưng một lần nữa, chúng ta cũng phải nhớ rằng những sản phẩm này được cấp phép chính cho bệnh đậu mùa. Vì thế điều rất quan trọng là cùng với những cam kết chia sẻ vaccine, chúng ta cũng cần thu thập dữ liệu lâm sàng về bệnh cũng như hiệu quả của vaccine đối với đậu mùa khỉ.”

Trong trường hợp đợt bùng phát đậu mùa khỉ hiện nay được xác định là Tình trạng khẩn cấp y tế cộng cộng quốc tế, mức cảnh báo cao nhất, Ủy ban khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới sẽ đề xuất các khuyến nghị tạm thời về các biện pháp ngăn ngừa và giảm sự lây lan của dịch bệnh cũng như quản lý cách thức ứng phó sức khỏe cộng đồng toàn cầu./.

Thu Hoài/VOV1 tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/who-lan-2-danh-gia-kha-nang-ban-bo-tinh-trang-khan-cap-doi-voi-dau-mua-khi-post958558.vov
Zalo