WHO: Đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp toàn cầu!
Việc ban bố Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Quốc tế (PHEIC) đồng nghĩa với việc đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ là một 'tình trạng bất thường' có thể lan sang nhiều quốc gia khác và đòi hỏi hành động phản ứng chung trên toàn cầu…
Ảnh: CNBC
Tối ngày 23/7 (theo giờ Việt Nam), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định ban bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu vì làn sóng bùng phát các ca mắc đậu mùa khỉ tại nhiều nơi trên thế giới. Thông báo trên trang chủ của WHO cho hay cơ quan y tế của Liên hợp quốc quyết định ban bố tình trạng y tế khẩn cấp công cộng trên phạm vi toàn cầu sau khi số ca mắc đậu mùa khỉ gia tăng tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Đây là mức cảnh báo cao nhất của WHO liên quan tới sự bùng phát của bệnh đậu mùa khỉ. Động thái này của WHO được cho là để có thể kịp thời thúc đẩy đầu tư hơn nữa vào việc điều trị căn bệnh hiếm gặp và làm trầm trọng thêm cuộc cạnh tranh về vaccine vốn đang khan hiếm. Tuyên bố về trường hợp khẩn cấp toàn cầu của WHO cũng nhằm báo hiệu nguy cơ lớn về y tế, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều quốc gia để ngăn chặn dịch bệnh lây lan xa hơn.
WHO trước đây từng tuyên bố tình trạng khẩn cấp đối với các cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng như đợt bùng phát Ebola ở Tây Phi năm 2014, đợt bùng phát virus Zika ở Mỹ Latinh năm 2016… Đây cũng là lần thứ hai trong hơn hai năm, WHO phải ban bố PHEIC, lần trước là đối với dịch Covid-19, đến nay vẫn giữ nguyên tình trạng. Tháng trước, các chuyên gia của WHO cho biết đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ chưa đến mức phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, ủy ban khẩn cấp đã nhóm họp một lần nữa vào tuần này để đánh giá lại tình hình.
Tổng giám đốc WHO mô tả bệnh đậu mùa khỉ là một mối đe dọa sức khỏe đang ngày càng gia tăng.
Trong cuộc họp báo hôm 23/7, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ tiếp tục gia tăng và hiện đã có hơn 16.000 trường hợp mắc bệnh được báo cáo từ 75 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 5 trường hợp tử vong. Tổng giám đốc WHO mô tả bệnh đậu mùa khỉ là một mối đe dọa sức khỏe đang ngày càng gia tăng. Ông kêu gọi các chính phủ trên toàn thế giới tăng cường giám sát, truy vết, xét nghiệm và đảm bảo rằng những người có nguy cơ cao được tiếp cận với vaccine và thuốc kháng virus.
Trước đó, hôm 22/7, điều phối viên ứng phó Covid-19 của Nhà Trắng, ông Ashish Jha cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden đang cân nhắc ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng nhằm đối phó với đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ. Trong tuần này, ít nhất 50 hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ đã thúc giục một bước đi như vậy trong lá thư gửi Tổng thống Biden. Tính đến ngày 22/7, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ ước tính nước này hiện có khoảng 2.891 ca bệnh đậu mùa khỉ. Cũng theo CDC Mỹ, nhu cầu về vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ đang vượt xa nguồn cung sẵn có. Trước mắt, Washington đã đặt thêm 5 triệu liều, dự kiến bàn giao vào giữa năm 2023.
Michael Head, một nhà nghiên cứu cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Đại học Southampton, cho biết thật đáng ngạc nhiên khi WHO chậm trễ tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp toàn cầu, vì đợt bùng phát này đã đáp ứng điều kiện để được coi là tình trạng khẩn cấp cách đây vài tuần. “Tôi nghĩ tốt hơn là nên chủ động thay vì chờ đợi và phản ứng khi quá muộn,” ông Head nói, và cho biết thêm rằng tuyên bố của WHO có thể giúp các nhà tài trợ như Ngân hàng Thế giới dễ dàng huy động quỹ để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát ở cả phương Tây và châu Phi.
WHO kêu gọi các chính phủ trên toàn thế giới tăng cường giám sát, truy vết, xét nghiệm và đảm bảo rằng những người có nguy cơ cao được tiếp cận với vaccine.
Trong khi đó, một số chuyên gia khác lại đặt câu hỏi rằng liệu tuyên bố của WHO có hữu ích hay không. Họ cho rằng căn bệnh này không đủ nghiêm trọng, trong khi các quốc gia giàu đã có đủ kinh phí để chống chọi với bệnh đậu mùa khỉ và hầu hết những người mắc bệnh đều có thể phục hồi mà không cần chăm sóc y tế. Placide Mbala, chuyên gia dịch tễ học tại Viện Nghiên cứu Y sinh Quốc gia Congo, cho biết ông hy vọng các nỗ lực toàn cầu nhằm ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ sẽ được triển khai một cách công bằng.
Các quốc gia như Anh, Canada, Đức và Mỹ hiệ đã đặt hàng hàng triệu liều vaccine, trong khi ở châu Phi vaccine vẫn đang vô cùng khan hiếm. “Giải pháp cần mang tính toàn cầu,” ông Mbala nói. “Việc tiêm phòng ở phương Tây có thể giúp ngăn chặn sự bùng phát ở đó, nhưng vẫn sẽ có những trường hợp mắc bệnh ở châu Phi. Trừ khi vấn đề được giải quyết ở đây, rủi ro đối với phần còn lại của thế giới sẽ vẫn còn".