Wells Fargo cảnh báo dấu hiệu suy thoái ẩn sau bức tranh kinh tế của Mỹ

Một phân tích mới đây từ ngân hàng Wells Fargo cho biết, dữ liệu chi tiêu tùy ý cho dịch vụ đang sụt giảm, một chỉ dấu lịch sử thường xuất hiện trong hoặc ngay sau các đợt suy thoái. Thông tin này đi ngược lại với nhận định đang lan rộng trên Phố Wall rằng các mức thuế quan do Tổng thống Donald Trump áp đặt chưa gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế như lo ngại ban đầu.

Wells Fargo cảnh báo dấu hiệu suy thoái ẩn sau bức tranh kinh tế của Mỹ

Wells Fargo cảnh báo dấu hiệu suy thoái ẩn sau bức tranh kinh tế của Mỹ

Gần đây, các số liệu vĩ mô phần nào xoa dịu tâm lý thị trường rằng các chính sách thuế của ông Trump chưa gây ra suy thoái hay lạm phát cao đột biến. Tuy nhiên, nhóm chuyên gia của Wells Fargo lại giữ quan điểm hoài nghi hơn.

Trong báo cáo công bố mới đây, các chuyên gia kinh tế Tim Quinlan và Shannon Grein đã bác bỏ điều mà họ gọi là “câu chuyện sai lệch” cho rằng thuế quan không gây tổn hại thực sự. Họ chỉ ra rằng dữ liệu chi tiêu tiêu dùng đã bị điều chỉnh giảm đáng kể so với các ước tính ban đầu tương đối tích cực.

“Việc chi tiêu của người tiêu dùng không hề bị ảnh hưởng bởi các đợt áp thuế bất ngờ là điều chưa bao giờ hoàn toàn hợp lý. Ảo cảnh này được duy trì nhờ các ước tính GDP ban đầu cho thấy tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng điều chỉnh theo lạm phát trong quý I đạt 1,8% (tính theo năm). Tuy nhiên, con số trong lần điều chỉnh thứ ba chỉ còn 0,5%, thấp hơn đến ba lần”, hai chuyên gia viết.

Đáng chú ý, chi tiêu cho dịch vụ là mảng bị điều chỉnh giảm mạnh nhất, từ mức tăng 2,4% xuống chỉ còn 0,6%.

Wells Fargo nhấn mạnh, xu hướng sụt giảm này tiếp tục kéo dài sang quý II và cho thấy dấu hiệu cảnh báo rõ ràng đang bị thị trường bỏ qua, các hộ gia đình thực sự đang cắt giảm chi tiêu tùy ý, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ.

Mặc dù chi tiêu cho hàng hóa vẫn được giữ vững, nhưng chi tiêu cho dịch vụ trong tháng 5 đã giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước.

“Dù mức giảm này còn khiêm tốn, nhưng điều đáng lo ngại là trong suốt hơn 60 năm qua, chỉ số này chỉ giảm trong hoặc ngay sau các giai đoạn suy thoái”, Quinlan và Grein cảnh báo.

Họ chỉ ra rằng chi tiêu cho dịch vụ ăn uống và giải trí, bao gồm đăng ký phòng gym, dịch vụ stream… chỉ tăng rất nhẹ. Trong khi đó, chi tiêu cho vận tải giảm 1,1%, chủ yếu do sụt giảm ở các dịch vụ bảo dưỡng xe, taxi và đặt xe qua ứng dụng, và đặc biệt là du lịch hàng không giảm tới 4,7%.

“Việc người dân trì hoãn sửa xe, cắt giảm dịch vụ Uber và hạn chế đi lại bằng máy bay cho thấy ngân sách hộ gia đình đang bị co kéo đến mức báo động”, báo cáo của Wells Fargo viết.

Ngay cả những danh mục chi tiêu tăng như xe hơi hay thiết bị gia dụng cũng không bền vững, đây là kết quả của làn sóng mua sắm sớm nhằm né tránh mức giá cao hơn do thuế, thay vì phản ánh nhu cầu tiêu dùng ổn định.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng số liệu lạm phát thấp hiện tại có thể đang gây hiểu lầm. Nhiều doanh nghiệp đã tích trữ hàng hóa trước khi mức thuế mới có hiệu lực, nên hiện tại vẫn có thể sử dụng nguồn hàng cũ để phục vụ thị trường, chưa cần chuyển chi phí tăng vào giá bán lẻ.

Chính sách thuế "lúc có, lúc không" của ông Trump cũng khiến nhiều doanh nghiệp trì hoãn việc tăng giá, thậm chí sẵn sàng chịu thiệt tạm thời nếu tin rằng đây chỉ là chiến thuật đàm phán ngắn hạn.

“Một ảo cảnh khác dường như quá tốt để trở thành thật là việc các chỉ số lạm phát tổng thể vẫn chưa cho thấy cú sốc nào nghiêm trọng, dù áp lực thuế đã xuất hiện”, Quinlan và Grein nhận định.

Trong khi đó, các tổ chức tài chính khác vẫn duy trì quan điểm ít tiêu cực hơn. Capital Economics dự báo thuế sẽ làm chậm đà tăng trưởng, nhưng không gây suy thoái, với mức tăng trưởng GDP ước tính 1,6% trong năm nay và 1,5% năm tới.

JPMorgan dự báo GDP quý III sẽ tăng khoảng 1%, gần tương đương mức trung bình của nửa đầu năm khi kinh tế Mỹ ghi nhận suy giảm trong quý I và phục hồi nhẹ trong quý II.

Quan điểm đối nghịch của Wells Fargo xuất hiện trong bối cảnh giới đầu tư đang tranh luận gay gắt về triển vọng kinh tế và việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có nên sớm cắt giảm lãi suất.

Thống đốc Fed Christopher Waller cho rằng các số liệu việc làm yếu là cơ sở hợp lý để giảm lãi suất ngay trong tháng này. Tuy nhiên, một số quan chức khác lại muốn chờ đợi thêm, cho rằng nền kinh tế vẫn chống chịu khá tốt, và tác động từ thuế vẫn chưa thực sự phản ánh trong lạm phát.

Dữ liệu bán lẻ công bố hôm thứ Sáu tuần trước cho thấy mức tăng vượt kỳ vọng trong tháng trước, nhưng phần lớn phản ánh chi tiêu hàng hóa.

Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mới nhất lại tiếp tục thấp hơn kỳ vọng, dù đã có dấu hiệu rằng thuế quan đang tạo áp lực tăng giá, và cầu yếu khiến các doanh nghiệp không thể nâng giá nhiều hơn nữa.

“Kết luận là chi tiêu tiêu dùng không vững vàng như chúng ta từng nghĩ, hoặc như dữ liệu ban đầu từng chỉ ra”, báo cáo của Wells Fargo kết luận và thêm rằng: “Chúng tôi từ lâu vẫn tin rằng một thị trường lao động ổn định có thể bù đắp ảnh hưởng từ lạm phát do thuế, và điều đó vẫn có thể đúng - giúp tránh một đợt suy thoái rõ rệt. Nhưng người tiêu dùng đang thay đổi hành vi trong bối cảnh thuế quan ngày càng lan rộng”.

Đại Hùng

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/wells-fargo-canh-bao-dau-hieu-suy-thoai-an-sau-buc-tranh-kinh-te-cua-my-167571.html
Zalo