Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng phấn đấu đạt tiêu chuẩn Danh lục Xanh
Cùng với công tác phối hợp, hỗ trợ Vườn quốc gia Hin Nam No (Lào) xây dựng và đệ trình hồ sơ để được công nhận Di sản thế giới liên biên giới đầu tiên của Việt Nam, thời gian qua, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Trị đã nỗ lực bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học hướng tới tiêu chuẩn Danh lục Xanh.

Một góc Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. (Ảnh: TTXVN)
Phó Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng Đinh Huy Trí cho biết, Phong Nha-Kẻ Bàng là Vườn quốc gia duy nhất của Việt Nam được UNESCO hai lần ghi danh vào “Danh mục ” và trở thành Di sản đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á đạt 3/4 tiêu chí dành cho một Di sản thiên nhiên thế giới. Với những giá trị nổi bật toàn cầu hiện có và tiềm năng, Việt Nam sẽ tiếp tục đệ trình UNESCO xem xét ghi danh lần thứ 3 vào Danh mục Di sản thế giới về tiêu chí thẩm mỹ; đồng thời phấn đấu đạt chứng nhận Danh lục Xanh của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).
Danh lục Xanh của IUCN là bộ Tiêu chuẩn toàn cầu nhằm ghi nhận các khu bảo tồn đạt được các kết quả bảo tồn thiên nhiên thành công. Bộ tiêu chuẩn này cung cấp quy trình xác minh bảo đảm, trao chứng nhận cho những khu vực đáp ứng và duy trì được 17 tiêu chí và 50 chỉ số trong 4 lĩnh vực: quản trị tốt; thiết kế và lập kế hoạch tốt; quản lý hiệu quả và kết quả bảo tồn thành công. Nắm bắt những cốt lõi của bộ tiêu chí, từ năm 2022 Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đã nộp đơn tham gia tiến trình Danh lục Xanh của IUCN.
Giám đốc Trung tâm bảo vệ rừng và di sản thế giới Phạm Văn Tân cho biết, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ hơn 123.300ha rừng đặc dụng và 3.153ha rừng phòng hộ với phần lớn là rừng giàu và rừng trung bình (chiếm 64% tổng diện tích rừng). Đây cũng là khu vực có tính cao, lưu giữ nhiều loài động, thực vật đặc hữu quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ của IUCN.
Bởi vậy, ngoài chú trọng thực hiện bảo vệ rừng tại gốc, công tác tuyên truyền giáo dục trong lĩnh vực lâm nghiệp đối với cộng đồng dân cư các xã vùng đệm Vườn quốc gia luôn được chú trọng.
Đơn vị ứng dụng thành công công nghệ smart trong tuần tra rừng, công nghệ bẫy ảnh tự động trong giám sát đa dạng sinh học và mỗi năm tổ chức khoảng 47.500 đợt tuần tra, bảo vệ rừng và giám sát đa dạng sinh học với quãng đường tuần tra gần 268.500km.
Các nhân viên của trung tâm chia sẻ, họ từng kinh ngạc và bất ngờ khi trên núi đá vôi cao chót vót thuộc vùng lõi của Vườn quốc gia có quần thể bách xanh đá với diện tích khoảng hơn 5.000ha trường tồn qua hàng trăm năm, là minh chứng khoa học khẳng định tính nguyên sơ và độc đáo về đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.

Lực lượng chức năng và người dân tham gia bảo vệ rừng di sản. (Ảnh: HƯƠNG GIANG)
Đồng chí Đinh Huy Trí cho biết thêm, thời gian qua, lãnh đạo Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đã chỉ đạo Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật tổ chức tiếp nhận, chăm sóc hơn 1.500 cá thể các loài, trong đó có 7 cá thể hổ Đông Dương và nhiều loài động vật nguy cấp, quý hiếm; tổ chức cứu hộ thành công và thả về môi trường tự nhiên gần 1.400 cá thể động vật. Trung tâm thực hiện nhân giống và trồng bảo tồn 91.000 cây giống thuộc 124 loài thực vật bản địa quý, hiếm có giá trị bảo tồn và kinh tế cao.
Theo các chuyên gia Nguyễn Đức Tú và Hồ Kim Cương thuộc IUCN tại Việt Nam, việc tham gia đánh giá theo tiêu chuẩn Danh lục Xanh của IUCN sẽ giúp Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng nhìn lại và khẳng định các thành công của mình, bảo đảm vận hành Vườn quốc gia đi đúng hướng theo cách tốt nhất của thế giới. Trong tương lai, việc đánh giá theo tiêu chuẩn Danh lục Xanh sẽ là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả Di sản thế giới trên toàn cầu.
Tham gia tiến trình Danh lục Xanh của IUCN trải qua 3 giai đoạn khắt khe và minh bạch. Đến nay, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đã hoàn thành giai đoạn đề xuất và bước vào trình tự đánh giá của giai đoạn ứng viên. Nhóm chuyên gia IUCN tại Việt Nam đánh giá, Vườn quốc gia này có hệ thống giám sát và báo cáo tương đối hoàn thiện; các giá trị nổi bật về tự nhiên, dịch vụ hệ sinh thái, văn hóa được xác định một cách rõ ràng. Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng là một trong số các khu có nguồn thu tốt và ổn định nhất trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam.
Nguồn lực này đã tạo điều kiện cho Ban quản lý Vườn có một bộ máy nhân lực đầy đủ với trình độ chuyên môn cao, hoạt động hiệu quả, trang thiết bị tương đối đầy đủ, bảo đảm cho công tác tuần tra bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển du lịch. Vì thế, các chỉ số của tiêu chí về nguồn lực và bền vững tài chính theo tiêu chuẩn Danh lục Xanh của IUCN không phải là trở ngại của Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia Hồ Kim Cương và Nguyễn Đức Tú, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng cần có nghiên cứu tổng thể và toàn diện hơn về các giá trị văn hóa truyền thống để vận dụng vào công tác bảo tồn dựa trên cộng đồng và phục vụ việc xây dựng sinh kế địa phương; cần đánh giá toàn diện về tác động của biến đổi khí hậu tới các giá trị tự nhiên của Vườn, từ đó có phương án thích ứng riêng cho từng phân khu và công tác quản lý. Vườn cũng cần nghiên cứu rõ hơn về sức tải môi trường đối với các hoạt động du lịch để có phương án phù hợp, hạn chế tác động lên môi trường và cảnh quan.
Tại Việt Nam, ngoài Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long được công nhận Danh lục Xanh năm 2021 thì Cát Tiên là Vườn quốc gia đầu tiên ở Việt Nam đạt danh hiệu Danh lục Xanh của IUCN năm 2024. Như vậy đến nay, hai trong ba danh hiệu Danh lục Xanh ở Đông Nam Á thuộc về Việt Nam.