Vững vàng từ cội rễ

Nhìn trên bản đồ hành chính tỉnh Thái Nguyên: Cao nhất là xã Bằng Thành tiếp giáp với 2 tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang. Xa nhất là phường Trung Thành tiếp giáp với Hà Nội, Bắc Ninh. Chín mươi hai xã, phường mới được hợp nhất lại thành tỉnh Thái Nguyên bởi sự đồng nhất về văn hóa. Một cuộc trở về mang tính chất lịch sử và tinh thần đoàn kết, vững vàng từ cội rễ văn hóa, bởi đó là cội nguồn tinh thần đưa Thái Nguyên tự tin cùng cả nước vươn mình bước vào kỷ nguyên mới.

Mến khách, một nét đẹp văn hóa của người Thái Nguyên.

Mến khách, một nét đẹp văn hóa của người Thái Nguyên.

Từ cuối tháng Sáu sang những ngày đầu tháng Bảy, cả một vùng Việt Bắc mưa triền miên. Từng cơn mưa nối trời, nối đất. Mưa như để trút đi những ưu phiền của mẹ thiên nhiên và của lòng người. Miệng sông Cầu nước đỏ màu đất đồi núi, ầng ậc dâng cao, nước ngoạm vào bờ như một sự hờn dỗi.

Có những tên địa phương trở thành kí ức để thay thế vào đó một dòng tên mới, phù hợp với kỷ nguyên số. Trong bối cảnh ấy lòng người cũng chênh chao. Đã có những giọt nước mắt rơi giữa cuộc đời thường, nhưng không vô nghĩa, mà để tưới cho mầm tương lai phát triển vững vàng từ cội rễ.

Cội rễ ấy chính là nét văn hóa tương đồng độc đáo được trao truyền, gìn giữ, phát huy giá trị của đồng bào các dân tộc vùng Việt Bắc từ ngàn đời nay, trong đó có đồng bào các dân tộc ở chín mươi hai xã phường của tỉnh Thái Nguyên bây giờ. Cũng lúc này người Thái Nguyên nhận ra lần “trở về” này mang một ý nghĩa quan trọng. Hợp lại thành “người một nhà” để mạnh hơn, có sức để cùng nhau tiến xa hơn, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công trên hành trình hội nhập thế giới.

Ngược dòng sử xanh: Từ hàng nghìn năm trước đây “một dải sơn hà” Thái nguyên, từ các vùng đất tiếp giáp với các tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hà Nội và Phú Thọ. Rồi các vùng đất ở hai bên dòng sông Cầu, từ xã Chợ Đồn về phường Trung Thành đã trở thành nơi tụ cư của cộng đồng các dân tộc: Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Mông, Dao, Sán Chay, Hoa và nhiều đồng bào các dân tộc khác cùng đoàn kết xây dựng bản làng. Trong dòng chảy lịch sử, chính những giá trị văn hóa truyền thống đã kết nối các thế hệ, hun đúc lòng yêu nước, hình thành nhân cách và bản lĩnh con người “đất thép, xứ trà”.

Giữa các dân tộc trong vùng sống thuận hòa bởi có tiếng nói chung. Nhưng từng dân tộc luôn có ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa riêng biệt thông qua tiếng nói, tập quán và các nghi lễ tín ngưỡng như: Tục thờ thần rừng, thần suối, thần lúa, thờ Mẫu và tín ngưỡng Tam phủ. Tuy có nét khác biệt giữa các dân tộc nhưng trong cùng không gian sinh sống đã dần tạo nên một không gian văn hóa đặc trưng chung của các dân tộc tỉnh Thái Nguyên. Dù trải biến nhiều thăng trầm xã hội, đồng bào ở các xã vùng núi như: Cao Minh, Ba Bể, Bằng Vân hoặc các xã Vạn Phú, Quân Chu, Dân Tiến… từng dân tộc đều có sự liên kết chặt chẽ bởi truyền thống văn hóa được trao truyền, ngấm sâu trong máu thịt.

Những nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc được gìn giữ, trao truyền còn thể hiện qua trang phục truyền thống. Gặp hôm chợ phiên, cả một vùng sặc sỡ. Các cô gái xúng xính trong áo váy rực rỡ và họ nhận ra nhau nhờ nét hoa văn độc đáo được may thêu trên trang phục. Rồi thị trường số, việc bán, mua có thể thực hiện trên không gian mạng, nhưng đồng bào vẫn mang về chợ phiên các sản phẩm của núi rừng như măng, rau rừng, bánh ngải, xôi ngũ sắc, cơm lam, thịt hun khói, rượu men lá và trang phục dân tộc.

Cơ chế thị trường đã về đến các ngõ ngách cuộc sống. Song nhiều gia đình vẫn gìn giữ nghề dệt vải, đan lát. Đó là cách đồng bào gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Sự bận rộn trong mỗi gia đình cũng là lúc mọi người được gần gũi, trò chuyện, chia sẻ, đồng thời là cách các dân tộc truyền dạy lại cho thế hệ trẻ những nét đẹp văn hóa thuần khiết được chắt chiu, gạn lọc qua nhiều đời người.

Bên gốc tre làng (ảnh chụp tại Khu bảo tồn Làng nhà sàn du lịch sinh thái Thái Hải, xã Tân Cương).

Bên gốc tre làng (ảnh chụp tại Khu bảo tồn Làng nhà sàn du lịch sinh thái Thái Hải, xã Tân Cương).

Chung sống trong cùng cộng đồng, nhưng giữa các dân tộc không có sự vay mượn, lai căng. Khi ra cộng đồng là một sự hòa hợp, thống nhất. Khi trở về mái ấm gia đình thì đó là thế giới riêng. Không phải khép kín, mà luôn mở rộng cửa đón nhận những tiến bộ, văn minh bên ngoài để bổ sung hoàn thiện hơn một nếp sống văn minh, hiện đại.

Những điểm tương đồng này chính là kết quả của hàng trăm năm cộng cư, hòa huyết, cùng sống trong một nền văn hóa thống nhất. Nhiều người dân Thái Nguyên tự hào: Gần 50 dân tộc anh em sinh sống ở chín mươi hai xã, phường của tỉnh mang nét đẹp văn hóa chung nhất: “Văn minh sông Cầu”. Ở đó là văn hóa tín ngưỡng bản địa, nếp sống, công việc lao động sản xuất hằng ngày đã định hình nên một "cội rễ" văn hóa chung.

Khi các nền văn minh trên thế giới đều gắn bó với một dòng sông nào đó. Ngay ở Việt Nam nền văn minh lúa nước cũng đều gắn với các dòng sông. Vậy nên tỉnh Thái Nguyên gọi “Văn minh sông Cầu” cũng là lẽ đương nhiên. Một điều kỳ diệu là từ vùng đất Phương Viên xã Chợ Đồn, dòng sông Cầu đi qua các dải đất của tỉnh Thái Nguyên đến Phù Lôi, phường Trung Thành có chung câu hát Then, Lượn nàng ới, khúc Sli… Nhưng khi sông Cầu thả mình vào địa phận tỉnh Bắc Ninh, câu hát Then, Lượn nàng ới, khúc Sli… neo lại để mở ra câu ca quan họ dùng dằng người ở đừng về.

Văn hóa là hồn cốt dân tộc, là ánh đuốc soi đường để mỗi dân tộc lớn lên. Ví như Bắc Ninh có câu ca quan họ; Hưng Yên có hát chèo, thì hát Then, đàn Tính chính là nhịp tim rung lên lời nói chung của dải sông Cầu. Đồng bào các dân tộc Tày, Nùng ở Thái Nguyên đều coi Then là một nghi lễ quan trọng trong đời sống tâm linh. Coi lời Then, tiếng đàn Tính là sợi dây vô hình kết nối con người với thần linh, tổ tiên, trời đất.

Với các dân tộc: Kinh, Mông, Dao, Sán Dìu, Sán Chay, Hoa… cũng đều có điểm chung trong đời sống văn hóa là chứa chan các làn điệu dân ca và các nghi lễ tâm linh. Thầy cúng được coi là vị sứ giả kết nối giữa cõi trần và cõi trời đất, với người chết và người sống. Nghi lễ mang tính chất cầu an lành cho mọi người, mọi nhà nên được các dân tộc gìn giữ, trao truyền và không ngừng phát huy giá trị.

Cùng bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc có nhiều nét tương đồng, các vùng đất của tỉnh còn gắn kết với nhau bởi truyền thống lịch sử. Kháng chiến chống Pháp, nhiều địa danh được Bộ Chính trị, Trung ương Đảng chọn làm thủ đô kháng chiến, nơi che chở Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và các cơ quan đầu não của Đảng.

Quanh cảnh nông thôn ở xã vùng cao Chợ Đồn.

Quanh cảnh nông thôn ở xã vùng cao Chợ Đồn.

Những địa danh ở các xã như: Định Hóa, Chợ Đồn, Chợ Mới… là chứng nhân của một thời lửa đạn. Người dân nơi đây đã không quản gian khó, cùng gùi gạo, giấu tài liệu, nuôi dưỡng cán bộ. Không ai tính toán thiệt hơn, đồng bào các dân tộc Thái Nguyên trọn vẹn niềm tin theo Đảng. Nay những vùng đất ấy đã trở thành di tích lịch sử cách mạng, là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống yêu nước. Tỉnh hiện có gần 1.200 di tích lịch sử, văn hóa được kiểm đếm; gần 600 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Còn có một nét tương đồng rõ nhất trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên là văn hóa ẩm thực. Hầu hết các dân tộc đều làm xôi ngũ sắc, thịt lợn quay; các loại bánh và nhiều món ăn khác đều giống nhau ở cách chế biến. Rồi “khách đến chơi nhà, không trà thì rượu”. Câu nói dân gian ấy thể hiện lòng người mến khách. Rượu ủ men lá, chưng cất bằng chõ gỗ, uống mềm môi vẫn líu ríu trò chuyện thân tình. Và trà, một loại thức uống tao nhã quen thuộc, nhưng Thái Nguyên là vùng đất cho con người thứ chè thượng hạng. Kể từ vùng chè truyền thống xã Tân Cương cho đến vùng chè cổ thụ Shan tuyết xã Tân Kỳ, người dân giữa 2 vùng đều có cách làm chè sao suốt và nghi thức thưởng trà giống nhau.

Trong đời sống xã hội, đồng bào các dân tộc ở chín mươi hai phường, xã của tỉnh Thái Nguyên có truyền thống đồng thuận, đoàn kết, làm nên sức mạnh toàn dân, toàn diện cũng bởi đồng bào các dân tộc mang nhiều nét văn hóa tương đồng. Chính sự tương đồng trong lối sống, tập quán, ngôn ngữ và tín ngưỡng đã tạo nên sự dễ hiểu, dễ cảm thông giữa các cộng đồng dân cư.

Trong thời kỳ hội nhập và chuyển đổi số, tỉnh Thái Nguyên xác định lấy văn hóa làm gốc, lấy du lịch cộng đồng làm mũi nhọn phát triển. Điều đó được thể hiện bằng sự kết hợp hài hòa giữa các vùng từ nông thôn đến thành thị.

Ví như trong phát triển du lịch cộng đồng, các điểm đến như: Khâu Đấng, xã Bằng Thành; Mù Là, xã Cao Minh; Phiêng Phàng, xã Thượng Minh… ngoài cảnh quan thiên nhiên, du khách còn được “lạc” vào một thế giới của sắc chàm miền sơn dã, được cùng đồng bào dệt vải thổ cẩm, nấu rượu men lá và làm bánh truyền thống. Còn các điểm đến như Không gian văn hóa trà Tân Cương, xã Tân Cương; vùng chè Hoàng Nông, xã La Bằng; vùng chè Khe Cốc, xã Vô Tranh… du khách được ngắm nhìn những nương chè bạt ngàn với cảnh quan tươi mới, trải nghiệm cùng nông dân thu hái, chế biến chè, thưởng trà với kẹo lạc và ăn những thức món được chế biến có nguyên liệu từ chè và trà. Thông qua du lịch, những nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc Thái Nguyên được quảng bá, giới thiệu đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Bởi cùng uống chung dòng nước thuộc khu vực đầu nguồn sông Cầu, nên từ các xã vùng cao, miền núi đến các xã miền trung du của tỉnh, các điểm đến ở những vùng quê Thái Nguyên đều có điểm nhấn chung mang nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc vùng Việt Bắc. Ví như câu hát Sli của đồng bào dân tộc Nùng; lời hát Then của dân tộc Tày; hát ru của đồng bào Mông, hát Pả Dung của đồng bào Dao, hát Soọng Cô của đồng bào Sán Dìu… được trải dọc dài theo dòng nước sông Cầu, để rồi neo lại đôi bờ thành bến đợi. Có khi câu hát ấy nương vào ngọn gió, lan tỏa khắp các miền rồi đọng lại trong lòng người giống như một mầm cây được vươn lên hứng ánh hừng dương nhờ có bộ rễ khỏe khoắn bám sâu vào lòng đất.

Đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên có cách kể chuyện về đời người, về những cuộc thiên di và cuộc sống đổi mới hôm nay thông qua lời hát kể. Những mường trời, mường đất và mường người được các nghệ nhân tái hiện qua câu hát và vũ điệu của núi rừng. Một vùng đất Thái Nguyên với chín mươi hai xã, phường trải rộng dài giữa lòng Tổ quốc. Vừa là vùng lõi của Việt Bắc, lại đồng thời là cửa ngõ về Thủ đô Hà Nội, nên Thái Nguyên có nhiều cơ hội giao lưu, chia sẻ với đồng bào miền xuôi những nét đẹp văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc. Cũng bởi thế đồng bào các dân tộc Thái Nguyên có cơ hội tiếp cận với những nét đẹp văn hóa tinh hoa của nhân loại, từ đó đưa vào phục vụ đời sống tinh thần cho người dân.

Một góc phường Phan Đình Phùng, trung tâm hành chính của tỉnh Thái Nguyên.

Một góc phường Phan Đình Phùng, trung tâm hành chính của tỉnh Thái Nguyên.

Trở lại với khí thế của những ngày đầu tháng Bảy này: Như các địa phương trên cả nước, tỉnh Thái Nguyên hào hứng với công cuộc đổi mới lịch sử. Đó là sự hợp nhất của 2 vùng đất Thái Nguyên và Bắc Kạn thành tỉnh Thái Nguyên mới. Vui lắm chứ, từ nay “chung một nhà”, khoảng ngăn cách vô hình bởi giới hạn hành chính được xóa bỏ, một cuộc tái sinh của tinh thần cộng đồng, là bước hội tụ văn hóa, phát triển dựa trên bản sắc bền vững.

Những bản sắc văn hóa độc đáo mang cốt cách riêng của từng dân tộc không bị lu mờ, thay thế, pha tạp bởi từ sâu thẳm lòng người luôn biết gìn giữ, phát huy giá trị. Hơn nữa, những nét đẹp văn hóa mang bản sắc gốc trong cộng đồng các dân tộc được các gia đình, dòng họ gìn giữ, trao truyền.

Cho dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, nhất là thời kỳ kỷ nguyên số, lời mẹ ru con nằm nôi vẫn cất lên ngọt ngào; lời cha mẹ răn dạy con mỗi ngày, lời hát đối đáp giao duyên, hò hẹn của tuổi trẻ, lời thủ thỉ của các nghệ nhân trình bày với đấng siêu linh cầu mong mưa thuận, gió hòa vẫn cất lên mỗi độ xuân sang làm ấm áp lòng người.

Mưa đã tạnh, mặt trời tỏa ánh nắng chan hòa xuống bản làng, xóm phố. Một ngày mới đã mở ra với bao kỳ vọng. Một hành trình mới của tỉnh Thái Nguyên “thuận buồm xuôi gió” vững vàng, tự tin cùng cả nước bơi ra biển lớn. Đó là một hành trình phát triển trên nền truyền thống văn hóa vững chắc, hành trình hội nhập mà không đánh mất cội nguồn, hành trình khai mở tương lai bằng chính giá trị truyền thống văn hóa vững vàng từ cội rễ.

Phạm Ngọc Chuẩn

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/van-nghe-thai-nguyen/202507/vung-vang-tu-coi-re-7f208d8/
Zalo