Vững tuyến đầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân

Song hành với việc triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp, ngành Y tế tỉnh đã tích cực chuẩn bị, sẵn sàng đảm bảo hoạt động của hệ thống y tế cơ sở, tiếp tục khẳng định vai trò là tuyến đầu trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Ổn định tổ chức, hoạt động thông suốt

Cán bộ Điểm trạm Y tế Na Cô Sa tiêm vắc xin lưu động tại thôn, bản.

Cán bộ Điểm trạm Y tế Na Cô Sa tiêm vắc xin lưu động tại thôn, bản.

Ngay sau khi thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã theo chủ trương của Trung ương và chỉ đạo của tỉnh, ngành Y tế tỉnh đã nhanh chóng triển khai phương án tổ chức lại hệ thống trạm y tế xã, phường. Toàn tỉnh đã sắp xếp 45 trạm y tế xã, phường và 84 điểm trạm y tế, bảo đảm duy trì liên tục các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu và chương trình y tế cộng đồng.

Mạng lưới y tế cơ sở sau sáp nhập bước đầu đã ổn định, tiếp tục phát huy hiệu quả. Tại xã Sính Phình, người dân vẫn đều đặn đến trạm y tế để khám chữa bệnh.

Chị Giàng Thị Thu, thôn 1 (xã Sính Phình) cho biết: "Tôi bị cao huyết áp nên hằng tháng đều đến trạm y tế xã để được cán bộ y tế khám bệnh, cấp thuốc. Trạm y tế ở gần, khám thuận tiện, cán bộ lại nhiệt tình nên tôi mà bà con trong thôn đều yên tâm đến khám sức khỏe."

Hiện nay Trạm Y tế xã Sính Phình được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, các phòng chức năng được bố trí đầy đủ, đáp ứng yêu cầu chuyên môn. Đội ngũ cán bộ y tế đảm bảo cả về số lượng và chất lượng, góp phần nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân. Chính vì vậy, từ lâu trạm y tế xã đã trở thành địa chỉ tin cậy của Nhân dân, đặc biệt là đối với những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính cần theo dõi, cấp phát thuốc định kỳ như trường hợp của chị Thu.

Người dân khám sức khỏe tại Trạm Y tế xã Sính Phình.

Người dân khám sức khỏe tại Trạm Y tế xã Sính Phình.

Bác sĩ Thào A Lồng, Trưởng Trạm Y tế xã Sính Phình khẳng định: "Chúng tôi vẫn duy trì đầy đủ các hoạt động chuyên môn như khám chữa bệnh, tiêm chủng mở rộng, y tế dự phòng... Không có gián đoạn trong quá trình sáp nhập. Trạm hiện hoạt động ổn định, người dân tin tưởng đến khám."

Trung tâm Y tế Nậm Pồ hiện đảm nhiệm cung ứng các dịch vụ chuyên môn, kỹ thuật trong lĩnh vực y tế dự phòng và dân số cho 4 xã: Mường Chà, Nà Bủng, Nà Hỳ, Chà Tở. Đồng thời, đơn vị cũng trực tiếp quản lý, chỉ đạo và hướng dẫn hoạt động cho 8 điểm trạm y tế đóng trên địa bàn các xã trên.

Bác sĩ Lê Quang Điện, Giám đốc Trung tâm Y tế Nậm Pồ, cho biết: Chúng tôi tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như giám sát dịch tễ, phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng định kỳ, kiểm tra dược và thiết bị y tế tại các trạm. Qua đó, hỗ trợ cơ sở nâng cao hiệu quả quản lý và phục vụ người dân tốt hơn. Việc duy trì các điểm trạm y tế cũng giúp giảm khoảng cách tiếp cận dịch vụ y tế, nhất là đối với người dân vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Quyết liệt chỉ đạo, chủ động triển khai

Bác sĩ Trung tâm Y tế Mường Lay tư vấn sức khỏe cho người dân.

Bác sĩ Trung tâm Y tế Mường Lay tư vấn sức khỏe cho người dân.

Trước yêu cầu mới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các địa phương thực hiện rà soát toàn bộ hệ thống trạm y tế trên địa bàn. Với phương châm mỗi xã sau sáp nhập phải có ít nhất một trạm y tế hoạt động ổn định; các trạm còn lại tùy tình hình thực tế sẽ sắp xếp, chuyển đổi công năng hoặc tổ chức thành điểm y tế vệ tinh phục vụ tiêm chủng, khám lưu động và phòng dịch.

Việc lựa chọn trạm y tế làm cơ sở chính được xem xét kỹ lưỡng, dựa trên các tiêu chí như vị trí địa lý trung tâm, giao thông thuận tiện, mật độ dân cư cao, cơ sở vật chất đạt chuẩn, đội ngũ y tế có chuyên môn. Cùng với đó, Sở Y tế tập trung rà soát, sắp xếp nhân lực, đảm bảo mỗi trạm có ít nhất 1-2 bác sĩ làm việc lâu dài; bố trí y sĩ, hộ sinh, cán bộ dân số để đảm bảo đủ các chức năng chuyên môn theo quy định của Bộ Y tế.

Nhằm bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất cho hệ thống y tế cơ sở sau sáp nhập, ngành Y tế tỉnh đã chủ động lồng ghép nhiều nguồn lực, gồm ngân sách nhà nước, các chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn vốn xã hội hóa để nâng cấp, sửa chữa các trạm y tế. Nhiều trạm đã được đầu tư trang thiết bị, kết nối internet, triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, liên thông dữ liệu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số tại y tế cơ sở.

Cán bộ y tế Điểm trạm Y tế Keo Lôm kiểm tra sức khỏe cho người dân.

Cán bộ y tế Điểm trạm Y tế Keo Lôm kiểm tra sức khỏe cho người dân.

Ông Phạm Giang Nam, Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh: Việc bảo đảm hoạt động y tế cơ sở sau sáp nhập không chỉ là tổ chức lại trạm y tế, mà còn là một bước đi cần thiết trong quá trình xây dựng nền y tế cơ sở hiện đại, gần dân, vì dân. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW của Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục hoàn thiện, kiện toàn mạng lưới y tế cơ sở giai đoạn 2025 - 2030, tăng cường đầu tư hạ tầng, thiết bị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tuyến xã, đẩy mạnh y tế dự phòng và ứng dụng công nghệ số, tiến tới hình thành hệ thống y tế cơ sở "vững về tổ chức, đủ về nhân lực, mạnh về chuyên môn, tốt về phục vụ".

Bài, ảnh: Minh Thảo

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.vn/bai-thuong/y-te/vung-tuyen-dau-cham-soc-suc-khoe-nhan-dan
Zalo