Vững tin giữ nhịp tăng trưởng
Những số liệu tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2025 vừa được đại diện Chính phủ báo cáo trước Quốc hội đã mang lại niềm tin về đạt mục tiêu tăng trưởng của cả năm là có cơ sở.
Giữa bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 6 tháng đầu năm của nước ta ước đạt 7,3% là một điểm sáng khẳng định sức bật và nội lực vững vàng của nền kinh tế…
Phải khẳng định rằng, mức tăng trưởng GDP ước đạt 7,3% trong 6 tháng đầu năm, với quý II ước đạt 7,6%, là rất đáng ghi nhận. Con số này không chỉ giúp Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng hàng đầu khu vực và thế giới, mà quan trọng hơn, nó cho thấy sự phục hồi đồng đều và vững chắc trên cả ba khu vực kinh tế. Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ tin cậy, công nghiệp chế biến, chế tạo lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ (sản xuất công nghiệp 5 tháng tăng 8,8%), và khu vực dịch vụ sôi động trở lại.
Các chỉ số vĩ mô khác cũng tô màu cho bức tranh tích cực này: Thu ngân sách nhà nước đạt 66,2% dự toán, tạo dư địa cho chính sách tài khóa; thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vượt 20 tỷ USD; kim ngạch xuất nhập khẩu và đặc biệt là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đều có những chuyển biến rõ rệt. Đây là minh chứng cho thấy, các chủ trương, chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng đã phát huy hiệu quả. Nền kinh tế đang vận hành trong một chu kỳ phục hồi và tăng trưởng mới, với nền tảng ổn định hơn và sức chống chịu tốt hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những gam màu sáng, chúng ta cần nhìn thẳng vào thực tế. Mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên là một thách thức lớn, đòi hỏi nỗ lực vượt bậc trong 6 tháng cuối năm. Về khách quan, rủi ro vẫn hiện hữu, căng thẳng địa chính trị trên thế giới chưa hạ nhiệt, chuỗi cung ứng toàn cầu còn tiềm ẩn nguy cơ đứt gãy. Trong khi đó, nền kinh tế vẫn đối mặt với những điểm nghẽn cố hữu cần được khơi thông thực chất…
Vì vậy, 6 tháng cuối năm chính là giai đoạn quyết định cho bản lĩnh và năng lực điều hành. Để biến mục tiêu thành hiện thực, cần có sự vào cuộc đồng bộ với những giải pháp mạnh mẽ và thực chất. Trước hết là chú trọng đẩy mạnh đầu tư công; phải coi giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Trong đó cần tập trung nguồn lực cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, hạ tầng số, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu để tạo sức lan tỏa, đóng vai trò là "vốn mồi" khơi thông và dẫn dắt dòng vốn đầu tư tư nhân.
Các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm gỡ khó thực chất cho doanh nghiệp tư nhân với những chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn về tín dụng, thuế, phí và căn cơ hơn là kiến tạo một môi trường kinh doanh thực sự bình đẳng, minh bạch, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phải được coi là động lực tăng trưởng cốt lõi. Các cấp, các ngành cùng cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân cần chung sức đẩy nhanh việc xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; ưu tiên các chính sách khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất lao động, đặc biệt trong các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao và nông nghiệp công nghệ cao.
Các cơ quan chức năng điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và tài khóa để kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tăng cường công tác ngoại giao kinh tế, xúc tiến thương mại, xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia, đưa hàng hóa Việt Nam tiến sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, các doanh nghiệp cần chủ động mở rộng và đa dạng hóa thị trường, tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) nước ta đã ký kết.
Bức tranh kinh tế nửa đầu năm 2025 đã thắp lên niềm tin và khát vọng. Với sự đồng lòng, quyết tâm và những quyết sách đúng đắn, chúng ta hoàn toàn có thể giữ vững nhịp độ tăng trưởng, tạo ra những đột phá mới trong 6 tháng cuối năm, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng 8% của cả năm 2025.