Vùng phát thải thấp: Thế giới thực hiện ra sao?
Theo Chỉ thị 20,Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hà Nội, trong quý III/2025 lập, công bố đề án vùng phát thải thấp; thực hiện các giải pháp chuyển đổi phương tiện, đến ngày 1/7/2026, không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong vành đai 1.
Vùng phát thải thấp là gì?
Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện vùng phát thải thấp như một giải pháp để hạn chế các phương tiện gây ô nhiễm môi trường và giảm thiểu tình trạng ùn tắc và ô nhiễm không khí
Trên thế giới đưa ra nhiều khái niệm về Vùng phát thải thấp khác nhau, một trong những khái niệm Vùng phát thải thấp được cụ thể hóa trong Khoản 6 Điều 3 của Luật Thủ đô:" Vùng phát thải thấp là khu vực được xác định để hạn chế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường nhằm cải thiện chất lượng không khí."

TS Nguyễn Hương Huế, cán bộ của Cơ quan phát triển Pháp AFD tại Việt Nam
Trả lời VOV Giao thông, TS Nguyễn Hương Huế, cán bộ của Cơ quan phát triển Pháp AFD tại Việt Nam cho biết, khái niệm về vùng phát thải thấp nêu trên là khái niệm chung được áp dụng tại Paris, Pháp và nhiều đô thị khác trên thế giới. Có thể hiểu, vùng phát thải thấp là một biện pháp chính sách để cải thiện chất lượng môi trường không khí thông qua hạn chế, phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường.
Triển khai vùng phát thải thấp sẽ tác động đến phương tiện giao thông và cách thức đi lại. Theo đó, Vùng phát thải thấp sẽ loại bỏ, hạn chế dần phương tiện gây phát thải, gây ô nhiễm bằng những phương tiện sử dụng năng lượng xanh, sạch. Đồng thời, giúp định hướng thay đổi thói quen sử dụng phương tiện giao thông cũng như là cách thức chuyển của người dân thành phố, sang sử dụng các phương tiện giao thông công cộng (metro, xe buýt).
Tuy nhiên, bà Huế khẳng định, giải pháp vùng phát thải thấp không phải là giải pháp duy nhất, giải pháp kỳ diệu để “cứu cánh” cho chất lượng không khí của thành phố Hà Nội mà cần phải có tổng hòa nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách khác để cải thiện chất lượng không khí cũng như là cải thiện môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo Thạc Sĩ Đỗ Khắc Sơn, Giảng viên khoa cơ khí, trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội, việc tập trung quá nhiều phương tiện giao thông không kiểm soát khí phát thải trong các khu vực trung tâm không chỉ làm gia tăng tình trạng ô nhiễm không khí mà còn gây ùn tắc giao thông. Ông Sơn cho rằng, Hà Nội triển khai vùng phát thải thấp là rất cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.
Để làm được điều này, Hà Nội thực hiện quy hoạch các vùng phát thải thấp theo hướng “vết dầu loang”, từ khu vực trung tâm và mở rộng dần ra. Tham khảo các tiêu chuẩn và kinh nghiệm của thế giới sẽ giúp Hà Nội triển khai hiệu quả mô hình này.
Thế giới thực hiện vùng phát thải thấp ra sao?
Thụy Điển là quốc gia đầu tiên triển khai vùng phát thải thấp (LEZ) vào năm 1996. Mô hình này, sau đó đã được nhân rộng sang một số thành phố của Đức, Hà Lan, Bắc Italia … Đến nay, vùng phát thải thấp đã được triển khai tại hơn 320 thành phố châu Âu và dự kiến sẽ tăng lên 507 thành phố trong năm 2025.

Thủ đô Paris, Pháp đã nghiên cứu mô hình vùng phát thải thấp từ đầu những năm 2015 và chính thức triển khai vào năm 2019 (Ảnh: AFD)
Hiện nay, 10 thành phố du lịch nổi tiếng nhất của Châu Âu đã giới hạn phương tiện chạy bằng xăng và diesel. Một số thành phố có tham vọng thực hiện khu vực phát thải siêu thấp (Ultra Low Emission Zone – ULEZ). Châu Âu lên kế hoạch thực hiện 35 khu vực không phát thải (ZEZ) ở châu Âu vào năm 2030.
Từ năm 2005- 2010, Thủ đô Berlin, Đức thực hiện chính sách Vùng phát thải thấp và thực hiện thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 2005-2008: thủ đô Berlin tập trung giảm thiểu các phương tiện giao thông ô nhiễm. Theo đó, các phương tiện có thời hạn sử dụng trên 12 năm sẽ được thay thế bằng các phương tiện hiện đại, sử dụng năng lượng sạch hơn.
Giai đoạn 2 (từ 2008-2010), thành phố này chỉ cho phép các phương tiện giao thông đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 mới được đi vào. Sau 2010, Đức đã áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 5 và Euro 6 và đến nay, mức tiêu chuẩn khí thải của phương tiện đang áp dụng là tiêu chuẩn Euro 6. Năm 2023 có thêm 21 thành phố áp dụng mô hình Vùng phát thải thấp, nâng tổng số thành phố áp dụng mô hình này lên 37 thành phố tại Đức.
Thủ đô Paris, Pháp đã nghiên cứu mô hình vùng phát thải thấp từ đầu những năm 2015 và chính thức triển khai vào năm 2019 và đã điều chỉnh 3 lần. Năm 2015, thủ đô Paris cấm tất cả các phương tiện cũ chạy bằng dầu được đăng ký trước năm 2.000.
Từ đầu năm 2025, thành phố Paris đã chính thức công bố nâng quy định kiểm soát khí thải lần thứ 3. Theo đó, thành phố cấm và hạn chế tất cả các phương tiện ô tô sử dụng xăng hoặc là hỗn hợp xăng điện đăng ký trước năm 2025; phương tiện chạy bằng dầu trước năm 2010 và những phương tiện xe máy đăng ký trước năm 2006.
Còn tại Thành phố Rotterdam, Hà Lan, từ năm 2022 đã áp dụng tiêu chuẩn khí thải phương tiện Euro 6 và chính thức triển khai thực hiện vùng không phát thải từ ngày 1/1/2025. Theo đó, chỉ những xe chạy bằng điện hoặc khí hydro mới được đi vào khu vực này, các xe tải 3,5 tấn trở lên phải đáp ứng điều kiện khí thải bằng 0. Quy định này sẽ áp dụng đối với những xe van giao hàng hóa sẽ phải thực hiện quy định này từ ngày 1/1/2028.
Dán nhãn, phạt nặng phương tiện vi phạm tiêu chuẩn khí thải
Chia sẻ về phương thức quản lý phương tiện đi vào vùng phát thải thấp, Thạc sĩ Đỗ Khắc Sơn cho biết, một cơ quan quản lý về phương tiện (tương tự như đăng kiểm của Việt Nam) thực hiện kiểm tra phương tiện và dán nhãn cho những phương tiện giao thông phát thải thấp. Mức chi phí để dán nhãn phương tiện dao động từ 5-15 Euro tùy thuộc vào từng thành phố, dựa trên thu nhập bình quân đầu người và phương tiện được đăng ký ở Đức hay ở nước ngoài.
Chỉ những phương tiện dán nhãn đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mới được di chuyển vào các khu vực phát thải thấp. Nếu các phương tiện không có tem dán nhãn mà đi vào khu vực phát thải thấp sẽ bị xử phạt 100 Euro / xe.

Từ 1/1/2025, những phương tiện có dán nhãn mức phát thải 1,2,3 được đi vào Paris, còn mức 3, 4, 5 sẽ bị hạn chế. Ảnh: AFD
TS Nguyễn Hương Huế cho biết, tại Paris thực hiện quy chế dán nhãn mức phát thải cho các phương tiện và quy định thời gian di chuyển vào vùng phát thải thấp. Ví dụ, những phương tiện có mức phát thải 1,2,3 được đi vào thành phố, còn mức 3, 4, 5 sẽ bị hạn chế từ 1/1/2025.
Đối với các phương tiện cá nhân, Paris cấm các phương tiện cá nhân thông thường (chưa đáp ứng tiêu chuẩn khí thải) đi lại trong thành phố từ 8 giờ sáng đến 20 giờ hàng ngày. Ngoài khung giờ đó, các phương tiện được đi lại sau 20 giờ và vào những ngày cuối tuần và các ngày lễ Tết. Tổng số ngày các phương tiện được phép di chuyển trong thành phố 24 ngày/năm. Tuy nhiên, chính quyền thành phố vẫn ưu tiên đối với những phương tiện phục vụ công ích, chưa kịp chuyển đổi vẫn được phép di chuyển thoải mái trong ngày.
Theo anh Makco, một người dân Hà Lan chi sẻ, hệ thống camera nhận diện biển số được lắp đặt trên khắp các ngã tư. Hệ thống này sẽ tự động sẽ giám sát, nắm bắt thông tin về năm sản xuất, tiêu chuẩn khí thải của phương tiện lưu thông vào khu vực này. Những phương tiện đạt tiêu chuẩn khí thải được dán sticker màu xanh sẽ được đi vào khu vực này. Nếu mà phương tiện dán sticker màu đỏ, lái xe sẽ phải quay lại. Nếu như các phương tiện cố tình vi phạm sẽ bị phạt tiền 140 Euro cho lần đầu vi phạm, 500 Euro cho lần thứ 2 và mức phạt cao nhất lên tới 800 Euro.
Hiệu quả từ mô hình Vùng phát thải thấp đã được chứng minh qua thực tiễn áp dụng tại các đô thị trên thế giới. Sau 10 tháng áp dụng mô hình này, thành phố London, Anh đã giảm 13.500 phương tiện gây ô nhiễm cao mỗi ngày, giảm 44% lượng khí NO2 và giảm 27% lượng bụi PM 2.5. Qua đó, tiết kiệm hơn 1,4 tỷ bảng Anh.
Còn tại thành phố Brussels, Bỉ từ năm 2018 cấm các phương tiện chạy diesel, các loại xe tải nhỏ, xe dịch vụ hạng nhẹ có tiêu chuẩn khí thải từ Euro 4 trở xuống đi vào vùng phát thải thấp. Các phương tiện vi phạm sẽ bị phạt 350 Euro. Nhờ áp dụng chính sách này, thành phố đã giảm 62% phương tiện diesel ngay trong năm 2018 và đến năm 2020, 50% phương tiện diesel đã được thay thế bằng động cơ hybrid.
Hạn chế phương tiện gây ô nhiễm, nâng tiêu chuẩn khí phát thải phương tiện và khuyến khích các phương tiện chạy bằng khí hydro, chạy điện là những giải pháp sử dụng kết hợp với chính sách vùng phát thải thấp mà nhiều đô thị đang áp dụng đã và đang chứng minh hiệu quả trong phát triển giao thông bền vững.