Vùng ĐBSCL đối mặt với nhiều thách thức về an ninh nguồn nước
Chiều 29/11, tại Cần Thơ, Cục Thủy lợi, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn 'Đẩy mạnh truyền thông sử dụng nước hợp lý, hiệu quả đảm bảo an ninh nguồn nước vùng ĐBSCL'. Diễn đàn nhằm đẩy mạnh hoạt động truyền thông thực hiện các giải pháp, sáng kiến, mô hình, kinh nghiệm, đảm bảo an ninh nguồn nước cho vùng ĐBSCL.
Vùng ĐBSCL là vựa lúa, vựa thủy sản, vựa trái cây lớn nhất cả nước, thế nhưng đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng liên quan đến an ninh nguồn nước. Những vấn đề nổi bật gồm: Sự gia tăng các chuỗi đập thủy điện ở thượng nguồn, việc chuyển hướng dòng chảy sông Mê Kông sang các khu vực khác, suy giảm chất lượng môi trường đất và nước, thay đổi mục đích sử dụng đất kèm theo mâu thuẫn trong phân bổ nguồn nước, hiệu quả sử dụng nước thấp, khai thác tài nguyên nước vượt quá mức cho phép, cùng với tác động ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu và hiện tượng nước biển dâng. Chính những thách thức này đe dọa trực tiếp đến sinh kế của người dân địa phương và an ninh lương thực quốc gia.
Theo báo cáo của Cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT, thời gian qua, mặc dù Trung ương và địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc quản lý điều hòa các nguồn nước sẵn có, các hoạt động phát triển, đô thị hóa, công nghiệp hóa, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và thói quen sử dụng nước chưa tiết kiệm của người dân đã và đang tạo sức ép rất lớn đến cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, thủy sản, tiêu thoát nước cho đô thị, xử lý nước thải.
Báo cáo cũng chỉ rõ, nguồn nước ở ĐBSCL phụ thuộc chính vào dòng Mê Kông. Thống kê cho thấy, từ 2011 về trước khoảng 4 đến 5 năm xuất hiện 1 trận lũ vừa hoặc lớn. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay lũ nhỏ liên tục xuất hiện. Trong tương lai 30 đến 50 năm tới gần như số năm lũ lớn không đáng kể và gia tăng mạnh các năm lũ nhỏ và mất lũ. Vấn đề về đảm bảo an ninh nguồn nước là thách thức lớn đối với vùng ĐBSCL.
Ông Đinh Thanh Mừng, Cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT cho biết, với đặc điểm là quốc gia nằm ở hạ lưu 2 lưu vực sông lớn quan trọng (sông Hồng và sông Mê Kông), Việt Nam vẫn đang đối mặt trước nguy cơ phải gánh chịu nhiều tác động bất lợi từ các chương trình, dự án phát triển trên dòng chính ở phía thượng nguồn.
Theo ông Đinh Thanh Mừng, giải pháp là bảo đảm số lượng, chất lượng nước cấp cho sinh hoạt trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu nước cho sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các ngành kinh tế quan trọng, thiết yếu; bảo đảm mọi người dân được tiếp cận sử dụng nước. Cùng với đó là chủ động tích trữ, điều hòa nguồn nước; ứng phó hiệu quả, giảm thiểu rủi ro thiệt hại từ các thảm họa, thiên tai liên quan đến nước, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm sức khỏe, đời sống, sản xuất của người dân; bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.
“Tập trung vào nhóm giải pháp lớn, đấy là giải pháp xây dựng, củng cố, nâng cấp, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đáp ứng được yêu cầu chống chịu mưa, lũ lớn dài ngày kết hợp các giải pháp chủ động ứng phó hiệu quả với các tình huống thiên tai, bất lợi đầu tư công trình phòng, chống lũ quét, sạt lở bờ sông, bờ biển, ngập úng. Tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ và khu vực bị sạt lở vùng ĐBSCL. Ngoài ra, cần phải đầu tư sửa chữa, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước cho khu dân cư tập trung nông thôn, đảm bảo tiêu thoát theo thiết kế”, ông Đinh Thanh Mừng nêu rõ.
Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ quan điểm “Nước là tất yếu của sự sống, là nguồn lực của quốc gia, có vai trò quan trọng đặc biệt trong phát triển nhanh và bền vững đất nước, bảo đảm an ninh quốc gia, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, bảo vệ môi trường. Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước là vấn đề cấp bách, tất yếu khách quan; là trách nhiệm và nghĩa vụ của cả hệ thống chính trị và toàn dân”.
Trong bối cảnh vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều thách thức về an ninh nguồn nước, truyền thông không chỉ là phương tiện để lan tỏa thông điệp mà còn là cầu nối giữa tri thức khoa học và hành động thực tiễn. Chiến lược truyền thông bài bản, đa dạng và sáng tạo sẽ góp phần to lớn vào việc đảm bảo an ninh nguồn nước, thúc đẩy phát triển bền vững cho vùng ĐBSCL phát triển bền vững trước những tác động của thiên tai.