Vững bước song hành - viết tiếp tương lai khu vực

Năm 2025 là một năm đặc biệt, đánh dấu kỷ niệm 10 năm hình thành Cộng đồng ASEAN và mở ra giai đoạn phát triển mới, hướng đến Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045. Trong dòng chảy lịch sử ấy, Việt Nam tự hào đánh dấu cột mốc tròn 30 năm gia nhập 'mái nhà chung' ASEAN. 30 năm qua là hành trình ghi dấu một Việt Nam ngày càng bản lĩnh và chủ động hơn trong tham gia ASEAN cũng như trong tiến trình hội nhập quốc tế và khu vực.

Ngày 28/7/1995, Việt Nam trở thành thành viên thứ 7 của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Gia nhập ASEAN là bước đột phá, phá thế bao vây cấm vận, đưa Việt Nam từng bước hội nhập sâu rộng với khu vực và vươn tầm quốc tế. Trong bài phát biểu chính sách tại lễ kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước Indonesia và thăm chính thức Ban Thư ký ASEAN vào tháng 3 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: “Việt Nam tự hào với tiến trình hội nhập quốc tế được triển khai trong hơn 30 năm qua, mà trong đó ASEAN là điểm khởi đầu, là tiền đề cho Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào khu vực và thế giới”.

Từ một nước bị cô lập, cấm vận, Việt Nam ngày nay có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia và là thành viên của hơn 70 diễn đàn, tổ chức khu vực và thế giới. Mạng lưới hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết và triển khai với hơn 60 quốc gia và nền kinh tế đã góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới về thu hút đầu tư nước ngoài và về quy mô thương mại. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với 35 quốc gia, gồm tất cả các thành viên ASEAN và các đối tác quan trọng của ASEAN.

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

“Có thể khẳng định, hợp tác với các thành viên ASEAN và với mạng lưới các đối tác của ASEAN đã góp phần quan trọng vào việc bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho Việt Nam phát triển và ngày càng thịnh vượng, mở ra không gian phát triển đầy tiềm năng cho Việt Nam và giúp Việt Nam nâng cao uy tín, vai trò và vị thế quốc tế”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.

Thực tiễn đã chứng minh chủ trương gia nhập ASEAN là một quyết sách đúng đắn, có ý nghĩa lịch sử và chiến lược của Đảng và Nhà nước, mang lại lợi ích quan trọng về an ninh, phát triển và vị thế. Là một thành viên ASEAN, Việt Nam đã tận dụng hiệu quả vai trò thành viên của ASEAN để thu hút đầu tư, mở rộng thị trường sản xuất và gia tăng kết nối kinh tế khu vực. ASEAN hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 và nhập khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam, đồng thời là cầu nối kết nối với các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ. Thông qua Cộng đồng Kinh tế (AEC), Việt Nam tiếp cận một thị trường chung rộng lớn, tăng cường hội nhập sâu rộng. Tham gia ASEAN giúp Việt Nam đưa được nhiều ưu tiên đất nước vào chương trình nghị sự khu vực và tận dụng hiệu quả nguồn lực quốc tế.

Song song với đó, với phương châm chủ động, tích cực và trách nhiệm, Việt Nam trong suốt 30 năm qua đã có nhiều đóng góp thiết thực cho thành công của ASEAN. Việc Việt Nam tham gia ASEAN góp phần thúc đẩy quá trình kết nạp Lào, Myanmar và Campuchia, hoàn thành ASEAN-10, đánh dấu bước ngoặt mới trong hợp tác khu vực. Bên cạnh đó, Việt Nam ghi dấu ấn mạnh mẽ qua các đóng góp nổi bật như Tuyên bố Hà Nội năm 2001 về thu hẹp khoảng cách phát triển vì một ASEAN hội nhập sâu rộng hơn, sáng kiến ứng phó COVID-19 và phục hồi kinh tế năm 2020, chủ trì xây dựng Kế hoạch Tổng thể Kết nối ASEAN năm 2010. Việt Nam tiên phong tổ chức Hội nghị Lãnh đạo nữ ASEAN và Diễn đàn Cấp cao ASEAN lần đầu tiên về hợp tác tiểu vùng năm 2020, đồng thời thúc đẩy cách tiếp cận “lấy người dân làm trung tâm” thành định hướng bao trùm của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, góp phần xây dựng một ASEAN hội nhập, bao trùm và phát triển bền vững.

Trải qua 30 năm gắn bó với ASEAN, Việt Nam từng bước khẳng định uy tín và vai trò chủ động trong khu vực. Nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 là dấu mốc quan trọng, thể hiện năng lực điều hành xuất sắc, giúp ASEAN vượt qua đại dịch COVID-19 và thúc đẩy tinh thần “Gắn kết và Chủ động thích ứng”. Việt Nam cũng tiên phong định hướng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, củng cố đoàn kết và phát triển bền vững.

Trong vai trò điều phối viên quan hệ giữa ASEAN và nhiều đối tác lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Việt Nam đã phát huy hiệu quả vai trò cầu nối, đưa hợp tác đi vào chiều sâu và nâng tầm quan hệ đối ngoại của ASEAN. Từ kinh nghiệm hội nhập ASEAN, Việt Nam ngày càng tự tin, chủ động khẳng định vai trò tại các diễn đàn lớn hơn như ASEM, APEC và LHQ.

Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến mang dấu ấn riêng, góp phần kết nối ưu tiên của ASEAN với cộng đồng quốc tế. Nổi bật là sáng kiến tổ chức phiên họp đầu tiên của Hội đồng Bảo an LHQ về hợp tác ASEAN–LHQ, thúc đẩy quan hệ giữa hai tổ chức và nâng cao vị thế khu vực. Bên cạnh đó, thành công của Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 và 2025 tại Hà Nội tiếp tục cho thấy năng lực dẫn dắt của Việt Nam trong định hình các thảo luận chiến lược hướng tới Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045.

Và giờ đây, “mái nhà chung” cũng đang bước vào một giai đoạn mới. Năm 2025, ASEAN kỷ niệm 10 năm hình thành Cộng đồng, bước vào năm cuối cùng triển khai các Kế hoạch Tổng thể 2025. Cũng trong năm nay, ASEAN sẽ thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 cùng 4 chiến lược triển khai về chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội và kết nối, xác lập khuôn khổ hợp tác cho giai đoạn mới, hướng tới “ASEAN tự cường, năng động, sáng tạo và lấy người dân làm trung tâm”. Là một thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm của ASEAN, Việt Nam cũng không ngừng nỗ lực đóng góp vào những mục tiêu quan trọng ấy.

Còn nhớ tại lễ khai mạc Diễn đàn Tương lai ASEAN ngày 25/2 vừa qua tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh rằng, ba thập kỷ đồng hành cùng ASEAN đã khẳng định tầm nhìn chiến lược đúng đắn của Việt Nam. Nhắc lại câu tục ngữ Việt Nam "Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao", Thủ tướng cho rằng điều này càng đúng đắn hơn trong bối cảnh hiện nay khi ASEAN và Việt Nam đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, cùng hướng tới những mục tiêu đầy khát vọng.

"Chúng tôi cam kết là thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, bao trùm và tự cường, cùng nhau hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 vì lợi ích của mọi người dân trong khu vực, cùng các nước thành viên, đối tác và bạn bè quốc tế viết tiếp những trang sử mới đầy tự hào trong hành trình phát triển của ASEAN", người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh.

Đứng trước khởi điểm lịch sử mới, Việt Nam và ASEAN cùng hướng tới những mục tiêu đầy khát vọng. Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, ưu tiên đối ngoại của Việt Nam thời gian tới là nỗ lực cùng ASEAN tiếp tục xây dựng một cộng đồng vững mạnh, đoàn kết, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phồn vinh ở khu vực. “Việt Nam sẽ tiếp tục chung tay cùng các nước ASEAN hiện thực hóa sứ mệnh lịch sử của ASEAN, lan tỏa các câu chuyện thành công của ASEAN”, lời khẳng định của Tổng Bí thư không chỉ phác họa hành trình gắn bó vững bền của Việt Nam trong ASEAN, mà còn là tương lai song hành đầy triển vọng lấy người dân làm trung tâm.

Linh Chi

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/vung-buoc-song-hanh-viet-tiep-tuong-lai-khu-vuc-i776062/
Zalo