Vùng áp thấp sẽ mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, Trung Bộ mưa rất to
Theo bản tin của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong 24 giờ tới, vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới
Từ ngày 16-10 đến ngày 18-10, khu vực Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi tiếp tục có mưa to đến mưa rất to từ 150-300 mm, có nơi trên 450 mm.
Khu vực từ Nam Hà Tĩnh đến Quảng Trị có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến từ 50-100 mm, có nơi trên 200 mm.
Trong 24 giờ qua, khu vực các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Lưu vực thủy điện Rào Trăng 498,2 mm (Thừa Thiên-Huế); Hồ nước Rôn 106,2 mm (Quảng Nam); Trà Hiệp 141 mm (Quảng Ngãi)...
Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 90%) hoặc đạt trạng thái bão hòa. Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều địa bàn.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã ban hành văn bản số 382/VPTT ngày 16-10 gửi các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa, về việc chủ động ứng phó với vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Các tỉnh, thành tiếp tục triển khai Công điện số 950/CĐ-TTg ngày 12-10 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó mưa lũ khu vực miền Trung. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của vùng áp thấp; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của vùng áp thấp để chủ động phòng tránh. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống.
Triều cường gây ngập ở Đông Nam Bộ
Tại Đông Nam Bộ, cơ quan khí tượng cho biết mực nước quan trắc cao nhất tại trạm hải văn Vũng Tàu ghi nhận được là 3,98 m vào lúc 2 giờ 15 ngày 16-10. Theo ghi nhận số liệu sóng quan trắc cho thấy tại vùng biển ngoài khơi phía Đông Nam Bộ độ cao sóng phổ biến 0,5 - 1,5 m; dự báo mực nước tại ven biển phía Đông Nam Bộ có xu hướng tăng, độ cao lớn nhất tại trạm Vũng Tàu có thể đạt 4,1 m.
Do ảnh hưởng của triều cường, các vùng trũng, thấp, ven sông, vùng ngoài đê bao khu vực ven biển phía Đông Nam Bộ có khả năng ngập úng (sáng sớm và buổi chiều), làm tăng nguy cơ xâm nhập mặn trên các sông ở khu vực phía Đông Nam Bộ.