Vựa lúa nếp 415 thơm ngon ở Bình Giang được mùa, được giá

Vụ đông xuân này tiếp tục là vụ mùa bội thu với nông dân Bình Giang khi lúa nếp 415 được mùa, được giá. Với nhiều ưu điểm như năng suất cao, hương thơm đặc trưng, Bình Giang đã gieo cấy đại trà giống lúa này nhiều năm nay và là một trong những địa phương có diện tích lớn nhất của Hải Dương.

Xã Long Xuyên đã xây dựng 5 vùng lúa chất lượng cao, trong đó có 4 vùng cấy lúa nếp 415

Xã Long Xuyên đã xây dựng 5 vùng lúa chất lượng cao, trong đó có 4 vùng cấy lúa nếp 415

Năng suất cao

Cách đây gần chục năm, nông dân xã Long Xuyên đã đưa giống lúa nếp 415 vào sản xuất. Dẫn chúng tôi đi thăm những ruộng lúa nếp 415 trĩu bông, ông Hoàng Hữu Bắc, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Long Xuyên cho biết vụ đông xuân 2023-2024, xã có 260 ha cấy lúa, trong đó 60% nếp 415. Đây là giống lúa có nhiều ưu điểm như ít sâu bệnh, năng suất cao, giá bán ổn định. Vụ này, hợp tác xã đã xây dựng 5 vùng lúa chất lượng cao với quy mô 5 ha/vùng. Trong đó có 4 vùng cấy lúa nếp 415. Hợp tác xã đã tập trung chỉ đạo việc quy vùng sản xuất lúa hàng hóa, áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các biện pháp canh tác vào sản xuất. Theo ông Bắc, vụ này năng suất lúa nếp 415 đạt từ 2,4-2,5 tạ/sào.

Có khoảng chục năm cấy giống lúa nếp 415 nên nông dân xã Thái Dương đã đúc rút nhiều kinh nghiệm. Theo ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Thái Dương, vụ này toàn xã có khoảng 197 ha lúa nếp 415, chiếm khoảng 50% diện tích cấy lúa. Năng suất trung bình khoảng 2,4 tạ/sào. Những ruộng áp dụng phương thức canh tác mạ khay cấy máy thì năng suất có thể cao hơn so với cấy bằng tay từ 10-20 kg/sào.

Bà Lê Thị Bầy ở xã Thái Dương chia sẻ: "Vụ này, tôi cấy 5 sào nếp 415 và đã cho thu hoạch. Chúng tôi cũng thường bán thóc tươi cho các thương lái tại ruộng. Vì vậy không phải mất thời gian, công sức phơi, bảo quản, mà lại yên tâm về đầu ra".

Xây dựng vùng lúa sản xuất hàng hóa

Diện tích lúa nếp 415 của huyện Bình Giang dao động từ 2.000-3.000 ha/vụ

Diện tích lúa nếp 415 của huyện Bình Giang dao động từ 2.000-3.000 ha/vụ

Giống lúa nếp 415 đã được công nhận là giống quốc gia vào năm 1987, gieo cấy được cả 2 vụ trong năm. Vụ mùa sớm có thời gian sinh trưởng từ 110-115 ngày và vụ đông xuân 145 ngày. Giống lúa này có một số ưu điểm như khả năng đẻ nhánh khá, gạo nấu xôi có hương thơm đặc trưng, dẻo.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Giang, lúa nếp 415 được nông dân trong huyện gieo cấy đại trà khoảng 10 năm trở lại đây. Nông dân cấy nếp 415 cả hai vụ, trong đó vụ đông xuân dao động từ 2.000-2.500 ha, vụ mùa từ 2.500-3.000 ha, chiếm 50-60% tổng diện tích gieo cấy. Các xã có nhiều diện tích cấy lúa nếp 415 như: Thái Dương, Long Xuyên, Thúc Kháng...

Tuy nhiên, giống lúa này có nhược điểm là khả năng chống đổ kém và dễ bị nhiễm bệnh đạo ôn trong vụ đông xuân. Để khắc phục tình trạng này, huyện Bình Giang đã áp dụng biện pháp cấy máy mạ khay. Diện tích lúa 415 cấy máy của huyện đạt từ 800-1.000 ha/vụ. Lúa nếp 415 cấy bằng máy đã tăng khả năng chống đổ và ít bị nhiễm sâu bệnh, tăng năng suất so với cấy bằng tay.

Giống lúa nếp 415 có một số ưu điểm như khả năng đẻ nhánh khá, năng suất cao, ổn định, gạo nấu xôi có hương thơm đặc trưng, dẻo

Giống lúa nếp 415 có một số ưu điểm như khả năng đẻ nhánh khá, năng suất cao, ổn định, gạo nấu xôi có hương thơm đặc trưng, dẻo

Vụ đông xuân 2023-2024, Bình Giang xây dựng 2 vùng lúa sản xuất hàng hóa lớn, đó là vùng lúa Bắc thơm số 7 và vùng lúa nếp 415, nếp Hưng Yên. Việc tiêu thụ thóc thuận lợi cả về giá và thị trường. Nông dân Bình Giang thường bán lúa tươi ngay tại ruộng mà không mất công phơi sấy, bảo quản. Nông dân đang bán thóc nếp 415 tại ruộng từ 8.800-9.000 đồng/kg, có vụ lên đến 9.500 đồng/kg. Mức giá này cao hơn từ 500-1.800 đồng/kg so với các giống lúa khác trên địa bàn huyện. Không chỉ có dịch vụ thu mua thóc tươi cho nông dân tại ruộng, nhiều hộ tại các xã đã đầu tư xây dựng lò sấy lúa với quy mô từ 15-30 tấn/lò tại Thái Hòa, Long Xuyên, Thái Dương... Thị trường tiêu thụ lúa gạo của Bình Giang thuận lợi do có nhiều lò sấy với quy mô lớn, mạng lưới xay xát gạo phát triển mạnh tại nhiều xã, thị trấn đã tạo điều kiện thúc đẩy quá trình thu mua thóc cho nông dân. Việc xây dựng các mô hình sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn, có bao tiêu sản phẩm cho nông dân đã giúp nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích gieo trồng.

Theo ông Vũ Văn Luyện, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Giang, mỗi sào lúa nếp 415 cho doanh thu từ 2-2,5 triệu đồng, lãi từ 1-1,5 triệu đồng. Đây là mức lãi cao so với các giống lúa khác trên địa bàn huyện.

HUYỀN TRANG

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/vua-lua-nep-415-o-binh-giang-duoc-mua-duoc-gia-384001.html
Zalo