Vụ tiểu thương chợ Di Linh tố bị hành hung: Công an vào cuộc

Sau mâu thuẫn tại chợ Di Linh (tỉnh Lâm Đồng), một nữ tiểu thương 55 tuổi tố bị 2 nhân viên ban quản lý chợ hành hung

Ngày 14-7, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Trần Thị Lệ Thủy (55 tuổi, tiểu thương chợ Di Linh, xã Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) cho biết Công an xã Di Linh đã nhận đơn yêu cầu giám định thương tật của bà để tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc.

Bị gãy xương sườn, tràn dịch màng phổi

Theo bà Thủy, sau vụ việc bị hành hung tại chợ vào sáng 5-7, bà phải điều trị tại Trung tâm Y tế Khu vực Di Linh với nhiều vết thương. Đến ngày 8-7, bà Thủy xuất viện với các chẩn đoán: bị vết thương hở của mi mắt và vùng quanh mắt; tổn thương nông nhiều vùng cơ thể; đụng giập thành bụng; đụng giập lồng ngực; rối loạn chức năng tiền đình…

Thấy bà Thủy vẫn còn mệt mỏi, gia đình đưa bà đến một phòng khám ở xã Di Linh khám lại. Kết quả siêu âm tại phòng khám cho thấy "cung xương sườn thành ngực: cung trước xương sườn số 2, 3, 4 bên phải có hình ảnh mất liên tục". Trong đơn thuốc do phòng khám này lập, có ghi "gãy xương sườn số 2-3-4 bên phải".

Gia đình bà Thủy tiếp tục đưa bà lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, kết quả chụp CT-scanner cho thấy bà bị tràn dịch màng phổi số lượng ít và gãy cung trước sườn số 7 bên phải; nứt thành trên xoang hàm, dày niêm mạc - tụ dịch xoang hàm và sưng nề mô mềm vùng má - mắt.

Chợ Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) - nơi xảy ra vụ việc

Chợ Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) - nơi xảy ra vụ việc

Bà Thủy cho biết do công việc nhiều nên những hôm nay bà phải ra chợ buôn bán nhưng vẫn còn đau nhiều ở vùng lưng; thỉnh thoảng đau đầu.

Sau khi xảy ra vụ hành hung tại chợ, bà Thủy đã có đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng đề nghị điều tra xử lý. Hiện vụ việc đang được Công an xã Di Linh điều tra làm rõ.

Liên quan đến những mâu thuẫn giữa bà Thủy với Ban Quản lý (BQL) chợ Di Linh, tháng 7-2024, bà Thủy có đơn kiện gửi UBND thị trấn Di Linh (cũ, nay là xã Di Linh) đối với một người thuộc BQL chợ về việc gây tổn thất tinh thần và vật chất đối với mình; yêu cầu công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại.

UBND thị trấn Di Linh sau đó trả lời rằng vấn đề không thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND thị trấn; căn cứ những quy định thì tòa án mới có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết.

Vào tháng 9-2023, bà Thủy cũng có đơn phản ánh về một tiểu thương trong chợ Di Linh kinh doanh thịt không bảo đảm chất lượng. UBND huyện Di Linh đã vào cuộc kiểm tra nhưng không phát hiện vi phạm.

Phóng viên Báo Người Lao Động sau khi tiếp nhận vụ việc cũng đã liên hệ với lãnh đạo Công ty Alata - đơn vị quản lý, khai thác chợ Di Linh. Người này cho biết không ở Lâm Đồng, sẽ có người của BQL chợ liên hệ trao đổi thông tin. Thế nhưng đến nay, phóng viên vẫn chưa nhận được câu trả lời từ BQL chợ Di Linh.

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, ngày 5-7, trong lúc xảy ra mâu thuẫn tại chợ Di Linh, bà Thủy tố bị 2 người trong BQL chợ là ông Th. và ông K. hành hung, phải nhập viện điều trị.

Tránh dẫn đến xung đột

Khi vụ việc được đưa lên mạng xã hội, trong lúc có nhiều người khẳng định "dù thế nào đi nữa thì việc 2 người đàn ông đánh một phụ nữ là không thể chấp nhận được", "phải xử lý nghiêm" thì một bộ phận khác lại cho rằng "dội nước hết người ta thế kia, thì bảo sao họ kiềm chế được"...

Theo luật sư Trương Văn Tuấn, Trưởng Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn, đối với hành vi cố ý gây thương tích, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi mà người có hành vi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, về xử phạt vi phạm hành chính, theo điểm a khoản 5 điều 7 Nghị định 144/2021: "Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự…".

Về trách nhiệm hình sự, theo điều 134 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, nếu có tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người; dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm; đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ…

Trường hợp gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 61% hoặc hơn, gây chết người, hoặc gây thương tích cho 2 người trở lên mà tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%… thì có thể bị phạt tù từ 2 năm đến chung thân.

Cũng theo luật sư Trương Văn Tuấn, khi xảy ra mâu thuẫn, các bên phải hết sức kiềm chế để tránh dẫn đến các xung đột. Vì hậu quả của việc thiếu kiềm chế trong việc giải quyết xung đột có thể dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật. Thực tế, đã có những hành vi vi phạm pháp luật xảy ra do thiếu kiềm chế gây ra những hậu quả lớn đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự như: "Gây rối trật tự công cộng", "Hủy hoại tài sản", "Cố ý gây thương tích", thậm chí "Giết người"...

Bài và ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/vu-tieu-thuong-cho-di-linh-to-bi-hanh-hung-cong-an-vao-cuoc-1962507142159144.htm
Zalo