Vụ thâu tóm khu đất vàng liên quan Vinafood II: Cú chuyển nhượng lãi gần 1.000 tỷ sau 33 ngày
Cơ quan điều tra đề nghị truy tố 3 bị can liên quan vụ chuyển nhượng đất công sản trái luật tại TP.HCM, gây thất thoát tài sản nhà nước gần 1.000 tỷ đồng.
Chuyển nhượng trái luật được ngụy trang bằng phương án “góp vốn – thoái vốn”
Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.HCM vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án liên quan đến khu “đất vàng” công sản tại số 33 Nguyễn Du và các số 34, 36, 42 đường Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, quận 1.
Cơ quan điều tra đã chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp, đề nghị truy tố ba bị can gồm: ông Huỳnh Thế Năng (66 tuổi, nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam – Vinafood II), ông Nguyễn Thọ Trí (64 tuổi, nguyên Phó Tổng Giám đốc Vinafood II) và ông Đinh Trường Chinh (51 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển và Kinh doanh nhà – Công ty Việt Hân) về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí.
Kết luận điều tra xác định Vinafood II là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, được giao quản lý nhà đất hơn 6.300 m2 tại số 33 Nguyễn Du và các số 34, 36, 42 Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé, quận 1 cũ). Năm 2010, sau khi hoàn tất nghĩa vụ tài chính hơn 766 tỷ đồng, Vinafood II được UBND TP.HCM cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng khu đất này với mục đích xây dựng khách sạn, cao ốc văn phòng và trung tâm thương mại.

Khu đất vàng ở đường Nguyễn Du và Chu Mạnh Trinh, quận 1. Ảnh: Vietnamnet.
Trong các năm 2014-2015, Vinafood II có chủ trương xử lý 4 khu đất này để lấy lại vốn, bù vào các khoản lỗ.
Mặc dù chưa được Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận cho phép bán tài sản nhưng khi ông Đinh Trường Chinh, đại diện Công ty Việt Hân, có văn bản đặt vấn đề xin được mua tài sản, ông Huỳnh Thế Năng đã đồng ý chuyển nhượng khu đất trên cho Công ty Việt Hân mà không cần phải thông qua đấu giá.
Ông Năng biết rõ theo quy định của pháp luật, việc chuyển nhượng tài sản Nhà nước là 4 cơ sở nhà đất nêu trên phải thông qua đấu giá nên đã lấy lý do khu đất đang còn 34 hộ dân sinh sống, chưa giải phóng được mặt bằng, không thể tổ chức bán đấu giá theo quy định.
Ông Chinh được cho là đã bàn bạc, thống nhất với ông Huỳnh Thế Năng thực hiện phương án "góp vốn - thoái vốn" để hợp thức hóa việc chuyển nhượng, thành lập Công ty Việt Hân Sài Gòn và tiếp tục dự án.
Tài sản Nhà nước bị rút ruột
Để hợp thức hóa về cơ sở pháp lý việc bán tài sản cho Công ty Việt Hân, theo phương án góp vốn, thoái vốn nêu trên, ông Năng đã đại diện cho Vinafood II ký văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để báo cáo tình hình tài chính khó khăn không thể tiếp tục đầu tư, thực hiện dự án; đồng thời xin ý kiến về việc dùng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất để góp vốn với đối tác có đủ điều kiện, năng lực tài chính, kinh nghiệm là Công ty Việt Hân, thành lập Công ty Việt Hân Sài Gòn để tiếp tục cùng triển khai thực hiện dự án.
Trên cơ sở các văn bản xin chủ trương, ý kiến nêu trên của Vinafood II, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, UBND TP.HCM đã chấp thuận cho phép Vinafood II được dùng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất để góp vốn với đối tác tiếp tục thực hiện triển khai dự án theo quy định. Tuy nhiên, không có nội dung cho phép Vinafood II được chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Công ty Việt Hân hoặc Công ty Việt Hân Sài Gòn.
Sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương, hai bên thống nhất giá chuyển nhượng toàn bộ khu đất là 730 tỷ đồng, gồm 570 tỷ đồng dưới hình thức chuyển nhượng phần vốn góp và 160 tỷ đồng tương ứng với việc Vinafood II thoái 20% vốn góp.
Ngày 23/12/2015, Vinafood II và Công ty Việt Hân ký hợp đồng góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Trong hợp đồng, ông Chinh cam kết tiếp tục thực hiện dự án. Tuy nhiên, chỉ 33 ngày sau khi hoàn tất thủ tục, ông Chinh bán lại 99% vốn góp tại Việt Hân Sài Gòn (tương đương 99% giá trị khu đất) cho Công ty TNHH Mùa Đông (pháp nhân do người khác đứng tên) với giá 1.683 tỷ đồng. Việc chuyển nhượng đã được thực hiện trái với quy định, gây thất thoát tài sản nhà nước trị giá 970 tỷ đồng.
Kết luận điều tra xác định, việc chuyển nhượng này diễn ra thông qua bà T.N.C.H (mang quốc tịch Canada, có quan hệ họ hàng với ông Chinh). Bà H. nhận chuyển nhượng từ ông Chinh với giá 792 tỷ đồng, sau đó bán lại cho Công ty Mùa Đông với giá hơn 1.600 tỷ đồng. Khoản tiền chênh lệch này được rút ra và gửi lại vào tài khoản của công ty Việt Hân và tài khoản cá nhân ông Chinh. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, ông Chinh không thừa nhận hành vi sai phạm.
Theo kết luận điều tra, khu đất trên thuộc tài sản Nhà nước, khi chuyển nhượng phải tổ chức bán đấu giá công khai. Trường hợp chưa được Chính phủ cho phép chuyển nhượng thì không được phép thực hiện. Tuy nhiên, do có sự thống nhất từ trước với ông Huỳnh Thế Năng, việc chuyển nhượng đã được thực hiện trái với quy định, gây thất thoát tài sản nhà nước trị giá 970 tỷ đồng. Ông Chinh bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm hình sự với hậu quả thiệt hại này.
Đối với ông Huỳnh Thế Năng, kết luận điều tra cho rằng, dù bị can biết rõ khu đất là tài sản Nhà nước, cần tổ chức đấu giá, nhưng vẫn bàn bạc với ông Chinh để chuyển nhượng trái pháp luật thông qua hình thức góp vốn - thoái vốn.
Tại cơ quan điều tra, ông Huỳnh Thế Năng đã thừa nhận toàn bộ hành vi sai phạm có liên quan nêu trên và khai sai phạm của bản thân không xuất phát từ động cơ vụ lợi mà do áp lực từ chỉ đạo cấp trên phải thực hiện thoái vốn trong năm 2015 và do nhận thức pháp luật chưa đầy đủ, đúng đắn.
Theo cơ quan điều tra, hành vi nêu trên của ông Năng có đủ yếu tố cấu thành tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Ông Năng với vai trò đồng phạm cùng bị can Định Trường Trinh, nên cần phải xử lý nghiêm trước pháp luật.
Nguyên nhân, điều kiện, động cơ, mục đích của hành vi phạm tội, quá trình điều tra có cơ sở xác định, hành vi sai phạm của ông Huỳnh Thế Năng bắt nguồn từ việc nhận thức sai pháp luật, sai chỉ đạo của cấp trên, chưa thu thập được tài liệu chứng minh bị can được hưởng lợi ích vật chất, phi vật chất từ hành vi sai phạm nêu trên. Quá trình điều tra, ông Năng thừa nhận toàn bộ hành vi sai phạm, nhưng không thừa nhận hậu quả thiệt hại 970 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thọ Trí bị cáo buộc cố ý giúp sức cho ông Năng thực hiện thủ tục hợp thức hóa việc chuyển nhượng khu đất. Cơ quan điều tra cho rằng hành vi của hai bị can Năng và Trí đều xuất phát từ nhận thức sai pháp luật và chỉ đạo cấp trên, đến nay chưa có chứng cứ xác định hai người này hưởng lợi vật chất từ vụ án.