Vụ Tập đoàn Sơn Hải trượt thầu dù bỏ giá thấp nhất: Phó Thủ tướng phê bình Bộ Tài chính, đề nghị làm rõ nhiều nội dung
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Tài chính rút kinh nghiệm việc chậm báo cáo và khẩn trương làm rõ toàn bộ quá trình lựa chọn nhà thầu gói thầu cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Phước (nay thuộc tỉnh Đồng Nai).
Ngày 1/7, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà liên quan đến việc kiểm tra quá trình lựa chọn nhà thầu gói thầu thi công Dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Phước (nay thuộc tỉnh Đồng Nai).
Theo báo cáo của Bộ Tài chính (văn bản số 8747/BTC-QLĐT ngày 19/6), quá trình kiểm tra việc lựa chọn nhà thầu tại gói thầu trên đã được thực hiện, tuy nhiên việc gửi báo cáo bị đánh giá là chậm so với yêu cầu. Cụ thể, tại văn bản ngày 29/5, Phó Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo trước ngày 10/6, nhưng đến ngày 19/6 cơ quan này mới gửi báo cáo. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải - ông Nguyễn Viết Hải
Cần làm rõ quá trình đánh giá của Tổ chuyên gia và Chủ đầu tư
Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện báo cáo chi tiết, có đánh giá rõ ràng và kiến nghị cụ thể theo đúng chức năng, nhiệm vụ và quy định của pháp luật, tập trung vào các vấn đề trọng tâm:
Thứ nhất, đánh giá hồ sơ mời thầu (E-HSMT) cần làm rõ liệu có đảm bảo đúng quy định hiện hành không, đặc biệt là các yêu cầu về mô hình thông tin công trình (BIM) có thể gây ra cách hiểu khác nhau; kiểm tra yêu cầu về ký hiệu, mã hiệu, nhãn mác và xuất xứ của vật tư, thiết bị chính có phù hợp với hướng dẫn tại Thông tư 22/2024/TT-BKHĐT không; đánh giá sự thống nhất trong tiêu chí năng lực thiết bị và yêu cầu kỹ thuật, xác định liệu có sự mâu thuẫn nào ảnh hưởng đến kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu hay không.
Thứ hai, đánh giá hồ sơ dự thầu (E-HSDT) cần làm rõ quá trình đánh giá của Tổ chuyên gia và Chủ đầu tư có tuân thủ đúng yêu cầu của E-HSMT không; đảm bảo việc đánh giá thiết bị thi công được thực hiện khách quan, chính xác, thống nhất giữa các tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm và kỹ thuật; kiểm tra xem việc Tổ chuyên gia không thực hiện làm rõ E-HSDT theo Điều 28 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP có ảnh hưởng đến độ chính xác của kết quả đánh giá hay không.
Thứ ba, về năng lực của Tổ chuyên gia, đề nghị có nhận xét cụ thể về số lượng, năng lực, kinh nghiệm của các thành viên theo đúng quy định pháp luật về đấu thầu. Ngoài các yêu cầu về chứng chỉ, cần xem xét sự khác biệt giữa Báo cáo đánh giá chi tiết và Báo cáo tổng hợp, đặc biệt là trong các nội dung chưa được làm rõ E-HSDT.
Thứ tư, kết quả lựa chọn nhà thầu cần đánh giá tính chính xác, khách quan, minh bạch và hiệu quả kinh tế của kết quả chấm thầu; làm rõ việc nhà thầu được đề xuất trúng thầu có đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm và giải pháp thực hiện dự án theo tiến độ và chất lượng đề ra hay không.

Ảnh minh họa
Có tiếp tục ký kết với nhà đầu được chọn?
Đặc biệt, Phó Thủ tướng đề nghị cần có kiến nghị cụ thể, rõ ràng đối với việc xử lý tiếp theo như: tiếp tục ký kết với nhà thầu được lựa chọn hoặc cần phải yêu cầu Chủ đầu tư, bên mời thầu, Tổ chuyên gia hoàn thiện nội dung gì hoặc các biện pháp cần thiết khác.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Bình Phước (nay là UBND tỉnh Đồng Nai) khẩn trương hoàn thiện báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 5/7, tránh ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.
UBND tỉnh Đồng Nai được yêu cầu chỉ đạo Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, Tổ chuyên gia đấu thầu kịp thời phối hợp với Tổ công tác theo Quyết định số 1935/QĐ-BTC ngày 2/6 của Bộ Tài chính trong việc cung cấp hồ sơ, tài liệu và thông tin liên quan. Đồng thời, cần tổ chức giải quyết các kiến nghị từ phía nhà thầu đúng theo quy định pháp luật về đấu thầu.
Ngày 26/5, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải có văn bản kiến nghị về dấu hiệu khuất tất trong kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu xây dựng cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua Bình Phước. Gói thầu trị giá hơn 880 tỷ đồng, mở thầu ngày 17/3 với 5 nhà thầu tham gia. Sơn Hải dự thầu 732 tỷ đồng - giá thấp nhất nhưng bị loại, song chủ đầu tư chọn liên danh có giá cao nhất, lên đến 866 tỷ đồng với lý do các đơn vị còn lại không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.
Sau đó, UBND tỉnh Bình Phước phản hồi, khẳng định việc chấm thầu tuân thủ đúng quy định, nội dung kiến nghị của Tập đoàn Sơn Hải không phù hợp.