Vụ lật tàu ở vịnh Hạ Long: Thiết kế tàu đáy bằng có phù hợp ?
Sau vụ lật tàu ở vịnh Hạ Long, một số ý kiến cho rằng tàu du lịch thiết kế đáy bằng kèm chiều cao quá lớn dễ bị lật khi gặp sóng to, gió mạnh.
Tại cuộc họp báo liên quan đến vụ lật tàu ở vịnh Hạ Long vào chiều 20-7, ông Bùi Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh cho biết tàu Wonder Sea (tên khác là Vịnh Xanh) được đóng bằng vật liệu vỏ thép.
Tàu có chiều dài thiết kế 20,8m, chiều rộng thiết kế 5,91m; chiều cao mạn 1,70m, chiều chìm 1,20m. Tàu du lịch này được phép chở số lượng là 48 khách.
Chủ phương tiện là ông Đoàn Văn Trình (khu 3A, phường Hà An, thị xã Quảng Yên cũ, tỉnh Quảng Ninh). Tàu này được chứng nhận vùng hoạt động VR-SI (vùng có sóng biển cao 2m).
Tàu được đăng kiểm lần gần nhất vào ngày 10-1-2025 tại Trạm đăng kiểm phương tiện thủy nội địa, Sở GTVT Quảng Ninh. Tàu có hạn đăng kiểm đến ngày 4-2-2026. Như vậy, khi gặp nạn tàu vẫn còn hạn kiểm định.

Tàu Vịnh Xanh được thiết kế bằng đáy bằng. Ảnh: N.SƠN
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh, hiện 100% tàu du lịch trên vịnh Hạ Long có chất lượng an toàn đảm bảo cao hơn tiêu chuẩn quy định. Ví dụ tàu Vịnh Xanh đạt tiêu chuẩn về hệ số an toàn và ổn định là 2,3 (trong khi tiêu chuẩn của đăng kiểm là hơn 1).
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng cần xem xét lại thiết kế các tàu du lịch ở vịnh Hạ Long. Anh Đinh Thế Nam, người có nhiều năm làm thuyền trưởng, cho rằng nhiều tàu du lịch hiện nay sử dụng thiết kế đáy bằng (trong đó có tàu Vịnh Xanh 58), thay vì đáy tròn, sâu (dạng quả dưa) hay đáy chữ V như tàu cá hoặc tàu vượt sóng.
Thiết kế đáy bằng giúp tàu dễ neo đậu tại bến, tăng diện tích sử dụng và ổn định khi nằm yên, hay di chuyển trong điều kiện sóng gió nhỏ. Nhưng khi di chuyển trong điều kiện có sóng to – đặc biệt sóng ngang – thì tàu đáy bằng gần như ôm trọn lực va của sóng, tạo dao động mạnh theo phương ngang, dễ gây lắc, chao đảo và nguy cơ mất ổn định tĩnh học rất nhanh.
Thêm vào đó, tàu khách du lịch ở vùng vịnh được thiết kế 2-3 tầng và với đáy bằng khiến mớn nước (độ sâu trong nước) của tàu thường rất nhỏ, chỉ khoảng trên 1,2 - 2,5 m cũng dẫn đến những rủi ro nhất định.
“Tôi cho rằng cần xem xét việc thiết kế đáy các tàu du lịch làm sao cho phù hợp…”- anh Nam nói.
Đồng tình, một chuyên gia trong ngành hàng hải cho rằng nếu tàu làm đáy bằng mà chiều cao lớn độ rung lắc sẽ càng mạnh, bởi trọng tâm sẽ dồn lên cao và khi gặp sóng to gió lớn rất dễ lật. Vì vậy, cơ quan chức năng cũng cần tính toán lại xem các thiết kế hiện nay đã phù hợp với thực tiễn chưa.
Liên quan đến các vấn đề trên, Cục Đăng kiểm cho biết tàu Vịnh Xanh là phương tiện thủy nội địa và cấp SI (được phép hoạt động trong vùng biển có chiều cao sóng đến 2 m), áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 72:2013 và các bổ sung sửa đổi. Như vậy, tàu này đang ở cấp cao hơn so với yêu cầu hoạt động ở vùng vịnh.
Còn về thiết kế tàu, Cục Đăng kiểm cho rằng hiện có nhiều kiểu thiết kế tàu khác nhau. Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Đăng kiểm đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc rà soát thông số kỹ thuật kể cả quá trình quản lý phương tiện của Trung tâm đăng kiểm phương tiện thủy nội địa tỉnh Quảng Ninh sau đó phân tích.
“Còn với vụ việc vừa qua, chúng ta phải chờ kết luận của cơ quan điều tra, sau đó đề ra phương án khắc phục”- đại diện Cục Đăng kiểm cho hay.