Vụ lật tàu vịnh Hạ Long và lỗ hổng chuyển đổi số
Cách bờ 3 km, cách cảng Tuần Châu 1 km, tàu Vịnh Xanh 58 chở 49 người gặp giông lốc bất ngờ và lật giữa biển mà không hệ thống giám sát nào hay biết trong khoảng 2 giờ đồng hồ. Giữa kỷ nguyên số, sự chậm trễ ấy là 'lỗ hổng chết người'.
Trong thời đại mà mọi chuyển động của con người đều có thể được giám sát qua GPS, cảm biến, AI, dữ liệu lớn… thật khó hình dung một chiếc tàu du lịch dài 24 m, rộng 6 m, trọng tải 12 tấn, công suất chở 48 hành khách có thể “biến mất” ban ngày, khi cách đất liền khoảng 3 km, cách cảng Tuần Châu 1 km, mà không hệ thống nào phát hiện trong khoảng 2 giờ đồng hồ.
Sau khi phát hiện tàu lật, dù các lực lượng chức năng đã có nhiều hoạt động cứu hộ cứu nạn rất tích cực, không quản ngại nguy hiểm..., nhưng đã là quá muộn, bởi sự sống trên con tàu này chỉ tính bằng vài phút giây ngắn ngủi.
Nhiều địa phương đang được xếp trong top đầu về chuyển đổi số toàn diện, chính quyền điện tử, điều hành thông minh, “hình mẫu số hóa cấp tỉnh”.
Nhưng vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 khiến người ta đặt ra nhiều câu hỏi: Chuyển đổi số đang chạm tới đâu, giúp bảo vệ sinh mệnh con người thế nào khi suốt 2 giờ kể từ lúc tàu gặp nạn, không một chuông báo động vang lên, không hệ thống tự động định vị, không có cảnh báo cho cảng vụ... không có bất kỳ cơ chế cảnh giới nào được kích hoạt.

Cận cảnh con tàu bị đắm, nhiều bộ phận bị hư hại. Ảnh: Thạch Thảo/Vietnamnet.
Những người sống sót kể lại họ đã vật lộn trong giông gió. Nhiều giờ trôi qua trên biển - họ phó mặc sinh mạng mình cho sóng nước. Cho đến khi một số nạn nhân may mắn gặp được thuyền ngư dân tình cờ đi qua và cứu sống.
Giữa muôn vàn thành tựu, lời ca ngợi về chuyển đổi số, vụ lật tàu cách đây một tuần đã gióng lên hồi chuông báo động về những "vùng còn trống" trong "hải trình" chuyển đối số.
Hai tiếng trôi qua ấy tính bằng sự sống. Hai tiếng lênh đênh là cả trăm phút của "lỗ hổng chết người". Trong thời gian đó, Trung tâm điều hành thông minh (IOC) ở đâu? Hệ thống cảnh báo lỡ lịch cập bến - ở đâu?
Cú mất liên lạc đã nói lên nhiều điều.
Một chiếc tàu hoạt động theo lộ trình – giờ xuất phát, giờ quay về đều được đăng ký. Nếu quá giờ cập bến mà chưa thấy tàu trở lại, đáng lẽ hệ thống phải tự động đánh dấu đỏ.
Với công nghệ hiện có, chỉ cần mất liên lạc hoặc không cập nhật tín hiệu AIS (hệ thống nhận dạng tự động), tàu đã có thể bị xác định là “bất thường”. Nếu đã cách bờ 1–3 km thì tín hiệu GPS, AIS (hệ thống tự động trên tàu để nhận dạng và định vị tàu thuyền) hoặc cảm biến trên tàu phải cảnh báo mất liên lạc.
Nhưng không một hệ thống nào nhận diện “tàu bất thường”. Ở nơi đáng lẽ phải “đếm được từng con người ngoài biển”, thì tất cả im lặng. Chỉ có biển và những nạn nhân cô độc, hoảng loạn và tuyệt vọng trong giông gió, giữa biển khơi.
Cuộc sống thường nghe những ca ngợi “số hóa” kèm những bảng điều khiển bóng bẩy, bằng hệ thống cảm biến, dữ liệu lớn, camera và ứng dụng thông minh. Nhưng nếu chuyển đổi số thực sự thấm vào điều hành, thì mọi tàu du lịch phải được giám sát thời gian thực.
Vụ việc lần này không chỉ là một tai nạn hàng hải. Nó khiến dư luận lo lắng, làm lộ ra khoảng trống lớn, thiếu tính toàn diện, để thấy công nghệ vẫn chưa gắn chặt vào thực tế vận hành đời sống ở nhiều lĩnh vực.
Chuyển đổi số, công nghệ... có ý nghĩa khi nó chạm đến được những tình huống khẩn cấp nhất, khốc liệt nhất, nơi con người không còn đơn độc.
Chuyển đổi số không dừng lại là hệ thống camera nhận diện khuôn mặt trong thành phố, mà còn cần một hệ thống giám sát các tàu du lịch, radar cảnh báo thời tiết, cảnh báo khi lịch trình bất thường. Chuyển đổi số không chỉ cần vẽ bản đồ đẹp - mà là ứng cứu người đúng lúc, trong nguy cấp.
Đến lúc một con tàu lật, nhiều người vội đặt câu hỏi: “Vì sao không ai phát hiện?
Ngay bây giờ, các địa phương, trong đó có Quảng Ninh; bộ, ngành liên quan cần nhanh chóng số hóa các tình huống khẩn cấp: Tàu ra khơi phải có thiết bị định vị và truyền dữ liệu thời gian thực. Hệ thống IOC phải tích hợp AI phát hiện các lộ trình bất thường. Khi một tàu không về đúng giờ, phải có cảnh báo. Khi mất tín hiệu, phải có quy trình truy vết nhanh xác định vùng tìm kiếm. Và khi có mưa bão, phải có radar thời tiết - tín hiệu số gửi đến từng tàu, từng thuyền viên.
Các quy trình phản ứng khẩn cấp cần có cơ chế “kích hoạt số” thay vì chờ điện thoại. Sự sống không chỉ trông chờ vào wifi mạnh và “may rủi” trong kỷ nguyên chuyển đổi số.
Chiếc tàu lật gần bờ, hàng chục người chết - không ai biết trong thời gian dài... là một báo động đỏ cho hệ thống công nghệ số chưa được như kỳ vọng.