Vũ khí Mỹ khiến châu Âu quan tâm nhất hiện nay không phải Patriot
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius hôm 14.7 xác nhận trong chuyến thăm Washington rằng Berlin đã chính thức gửi yêu cầu mua hệ thống tên lửa Typhon do Mỹ sản xuất.
Đây không chỉ là động thái quân sự trong bối cảnh căng thẳng với Nga, mà còn là bước chuyển quan trọng trong định hướng hiện đại hóa công nghệ quốc phòng Đức, giúp tăng cường năng lực răn đe tầm xa dựa trên nền tảng vũ khí công nghệ cao.

Hệ thống tên lửa tầm trung Typhon - Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ
Hệ thống tên lửa đa nhiệm tầm trung thế hệ mới
Theo Army Recognition, Typhon (còn gọi là MRC, Mid-Range Capability) là một hệ thống tên lửa mặt đất do Lockheed Martin phát triển cho lục quân Mỹ. Hệ thống tích hợp bệ phóng Mk 41 dạng thẳng đứng vốn được dùng trên tàu chiến Mỹ, cho phép phóng hai loại tên lửa chiến lược gồm tên lửa hành trình Tomahawk và tên lửa đa năng SM-6. Điều đặc biệt là cả hai loại vũ khí này đều đã được chứng minh năng lực trong thực chiến và tương thích với nhiều nền tảng chỉ huy, kiểm soát hiện đại.
Về mặt cấu hình, một khẩu đội Typhon bao gồm 4 bệ phóng, trung tâm điều hành, phương tiện điều khiển, xe vận tải và hệ thống hỗ trợ kỹ thuật đi kèm. Với kiến trúc mở, hệ thống có thể tích hợp vào mạng tác chiến đa miền (multi-domain operations), giúp thu hẹp khoảng trống giữa tên lửa tấn công chính xác (PrSM) và vũ khí siêu thanh trong tương lai (LRHW, Long-Range Hypersonic Weapon).
Công nghệ tên lửa
Tomahawk là tên lửa hành trình tầm xa (khoảng 2.500km) có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, bay ở độ cao chỉ 30 - 50m để tránh radar, đạt vận tốc 920km/giờ. Các biến thể mới như Block Vb có thể xuyên phá mục tiêu kiên cố, bay luồn địa hình với độ chính xác đến 10m nhờ hệ thống dẫn đường kết hợp GPS, INS, TERCOM và DSMAC. Đặc biệt, Tomahawk có khả năng “tuần kích”, thay đổi mục tiêu giữa hành trình và trao đổi dữ liệu chiến thuật với UAV, máy bay, tàu chiến và vệ tinh. Một quả Tomahawk có thể mang đầu nổ nặng đến 450kg.
SM-6 là tên lửa hai tầng được phát triển bởi Raytheon, có thể thực hiện nhiều vai trò: phòng không tầm xa, đánh chặn tên lửa đạn đạo pha cuối và chống tàu mặt nước tốc độ cao. SM-6 sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính kết hợp radar chủ động và bán chủ động, có tốc độ tối đa Mach 3,5 (3.705km/giờ), tầm bắn lên tới 460km và trần bay trên 34.000m. Đây là loại tên lửa đầu tiên trong biên chế hải quân Mỹ có thể đánh trúng cả mục tiêu trên không và mặt đất từ khoảng cách ngoài tầm nhìn.
Đức lựa chọn Typhon
Việc Đức đề xuất mua Typhon không chỉ xuất phát từ yêu cầu răn đe quân sự, mà còn phản ánh tư duy chiến lược mới về tự chủ công nghệ. Ông Pistorius cho biết hệ thống sẽ chỉ được dùng phòng thủ trong kịch bản bị tấn công bằng vũ khí quy ước trước, đồng thời nhấn mạnh rằng tầm bắn 2.500km không nhằm mục tiêu chủ động đánh sâu vào lãnh thổ đối thủ.
Typhon được xem là giải pháp “lấp khoảng trống” cho Đức trước khi các chương trình tên lửa tầm xa do châu Âu tự phát triển (hợp tác với Anh và các đối tác khác) đi vào vận hành, dự kiến mất từ 7 đến 10 năm. Điều này đặc biệt quan trọng khi châu Âu đang phải đối mặt với thách thức từ các loại pháo phản lực, UAV cảm tử và tên lửa chiến thuật mà Nga đang sử dụng hiệu quả tại Ukraine.
Typhon không phải là hệ thống lý thuyết. Nó đã được triển khai thực địa lần đầu tại Philippines vào tháng 4.2024 trong cuộc tập trận Salaknib giữa Mỹ và Philippines. Hệ thống được vận chuyển bằng máy bay vận tải C-17 Globemaster III và hiện vẫn hoạt động tại đảo Luzon, bất chấp phản đối mạnh mẽ từ Trung Quốc, vốn coi đây là động thái "gây bất ổn".
Tại châu Âu, Typhon sẽ được triển khai cho lữ đoàn đa miền số 2 (MDTF) của Mỹ tại Wiesbaden (Đức) vào năm tài khóa 2026. Quân đội Mỹ dự kiến thành lập bốn MDTF trang bị Typhon trên toàn cầu vào năm 2028. Đây là bước đi trong nỗ lực mở rộng năng lực tấn công tầm trung đối phó chiến tranh hỗn hợp hiện đại, nơi tốc độ, linh hoạt và kết nối mạng giữ vai trò then chốt.
Đức và vai trò công nghệ trong NATO
Ngoài việc đề xuất mua hệ thống Typhon, Đức cũng đang chuẩn bị chuyển giao hai tổ hợp phòng không Patriot cho Ukraine. Những tổ hợp này có thể được lấy từ kho dự trữ của Mỹ hoặc trực tiếp từ lực lượng Bundeswehr (tên gọi của lực lượng vũ trang Đức), với kế hoạch nhận bổ sung sau đó. Điều này cho thấy Berlin đang ngày càng cam kết trách nhiệm an ninh châu Âu bằng cách sử dụng các vũ khí công nghệ cao.
Từ năm 2025 đến 2029, ngân sách quốc phòng Đức dự kiến tăng từ 95 tỉ euro lên 162 tỉ euro, đạt mục tiêu chi tiêu 3,5% GDP theo chuẩn NATO. Với động thái mua Typhon, Berlin cho thấy không chỉ theo sát các tiêu chuẩn công nghệ của Mỹ mà còn chuẩn bị thích ứng với môi trường chiến tranh số, nơi các hệ thống như Typhon đóng vai trò trung gian giữa đòn phủ đầu siêu thanh và năng lực tấn công chính xác tầm gần.