Vũ khí 'cổ vật' thời Liên Xô tái xuất gây bất ngờ cho Ukraine

Giữa những cuộc giao tranh căng thẳng tại Donbass, nơi những trận pháo kích và đòn tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) diễn ra thường xuyên, Nga bất ngờ tái sử dụng một vũ khí tưởng đã lỗi thời: tàu bọc thép Yenisei.

Hình ảnh đoàn tàu chiến đấu thời Liên Xô di chuyển dọc theo các tuyến đường ray từng khiến thế giới nghĩ rằng chiến sự hiện đại không còn chỗ cho thứ "cổ vật" ấy, nhưng Moscow đã chứng minh điều ngược lại.

Binh lính Nga trên tàu bọc thép Yenisei. (Nguồn: X)

Binh lính Nga trên tàu bọc thép Yenisei. (Nguồn: X)

Được trang bị pháo phòng không hai nòng ZU-23-2, súng máy hạng nặng Utyos và xe chiến đấu bộ binh BMP-2 gắn trên toa xe lửa, Yenisey không chỉ làm nhiệm vụ vận chuyển tiếp tế mà còn là một tổ hợp chiến đấu cơ động trên đường ray.

Theo truyền thông Nga, đoàn tàu này đang hoạt động dưới sự chỉ huy của Trung tâm Chiến đấu, tham gia các cuộc tập trận "phối hợp chiến đấu" cùng với xe tăng, pháo tự hành và bộ binh cơ giới ở khu vực Donbass. Tàu bọc thép Yenisei với vai trò kép: vừa đảm nhận hậu cần cho các đơn vị tiền tuyến, vừa làm nhiệm vụ trinh sát, sửa chữa và bảo vệ mạng lưới đường sắt.

Tàu hỏa bọc thép vốn không phải là phát minh mới. Chúng từng là xương sống hậu cần của quân đội Nga trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Thời ấy, các đoàn tàu như vậy giúp Moscow kiểm soát lãnh thổ rộng lớn, vận chuyển binh lính và hỏa lực tới khắp mọi nơi.

Nhưng đến thời hiện đại, đặc biệt là sau Chiến tranh Lạnh, vai trò của chúng bị thu hẹp khi ưu thế chuyển sang không quân và xe cơ giới. Tuy vậy, việc hồi sinh Yenisei tại Donbass không đơn thuần là hoài niệm quá khứ, mà là một phản ứng chiến thuật trong bối cảnh Moscow đang gặp khó khăn lớn về hậu cần do các đòn trừng phạt của phương Tây, tổn thất thiết bị hiện đại và các cuộc tập kích ngày càng chính xác từ phía Ukraine.

Mạng lưới đường sắt tại Donbass được xây dựng từ thời Liên Xô, vẫn được Nga duy trì và sử dụng hiệu quả. Không giống như Ukraine, nơi nhiều tuyến đường đã bị phá hủy và phụ thuộc vào viện trợ phương Tây, Nga có thể vận chuyển một khối lượng lớn hàng hóa và binh lực nhờ vào hệ thống đường ray kết nối trực tiếp với lãnh thổ mình.

Trong bối cảnh các tuyến đường bộ bị UAV và pháo binh Ukraine rình rập, việc sử dụng tàu bọc thép cho hậu cần là một lựa chọn mang tính thực dụng cao.

Yenisei là một cỗ máy đa nhiệm: vừa vận chuyển đạn dược, nhiên liệu, phụ tùng; vừa có thể tự vệ nhờ hỏa lực mạnh, lại có khả năng hỗ trợ chiến đấu trực tiếp. Việc gắn xe chiến đấu bộ binh BMP-2 lên tàu giúp đoàn tàu này có thể khai hỏa pháo 30mm và tên lửa chống tăng, cung cấp hỏa lực cho các đơn vị đang giao tranh.

Thậm chí, nó còn mang theo các đội sửa chữa có thể can thiệp khẩn cấp khi đường ray bị phá hoại, điều xảy ra thường xuyên kể từ đầu năm 2025 khi Ukraine liên tục phá tuyến vận tải của Nga bằng UAV.

Dù vậy, sức mạnh của Yenisei cũng đi kèm với nhiều giới hạn. Đoàn tàu chỉ có thể di chuyển trên các tuyến đường ray cố định, khiến nó trở thành mục tiêu dễ đoán. Dẫu được bọc thép, nhưng lớp giáp của Yenisei chủ yếu chống đạn nhẹ và mảnh đạn pháo, hoàn toàn không đủ để cản phá các đòn tấn công bằng tên lửa dẫn đường, pháo phản lực HIMARS hay UAV mang đạn chính xác của Ukraine.

Đoàn tàu bọc thép Yenisei của Nga. (Nguồn: X)

Đoàn tàu bọc thép Yenisei của Nga. (Nguồn: X)

Tháng 6, các UAV trinh sát của Ukraine đã phá hủy một đoàn tàu tiếp dầu của Nga, gây ra hỏa hoạn trên 11 toa xe bồn và làm gián đoạn hậu cần trong nhiều tuần.

Sự hạn chế về công nghệ là một điểm yếu khác của Yenisei. Các hệ thống cảm biến trên tàu hầu hết đều lạc hậu, không thể so sánh với khả năng thu thập tình báo thời gian thực của Ukraine, vốn được hỗ trợ bởi vệ tinh và UAV do phương Tây cung cấp.

Trong khi NATO đã chuyển trọng tâm sang vận tải bằng không quân và biển, như sử dụng máy bay vận tải quân sự C-130 hay C-17 để tiếp tế nhanh chóng và linh hoạt, thì Nga vẫn buộc phải trông cậy vào đường ray, vừa là lợi thế, vừa là điểm yếu.

Ukraine cũng đã sử dụng chiến thuật bất đối xứng để đánh vào đúng điểm yếu của đối phương. UAV Bayraktar TB-2, tên lửa Javelin, HIMARS và thậm chí cả đạn chống UAV cỡ nhỏ đã giúp Kiev vô hiệu hóa không ít nỗ lực của Nga, trong đó có các đoàn tàu như Yenisei. Việc Ukraine kết hợp linh hoạt giữa công nghệ cao và chiến thuật cơ động đã tạo ra ưu thế trong nhiều cuộc giao trạnh, dù quy mô lực lượng nhỏ hơn đáng kể.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận vai trò chiến thuật của Yenisei. Ở mặt trận khắc nghiệt như Donbass, nơi mỗi đoạn đường ray đều có thể quyết định cục diện mặt trận, thì một cỗ máy có thể tiếp tế, bảo vệ và sửa chữa cùng lúc vẫn là một tài sản đáng giá. Liệu Nga có thể bảo vệ được nó trong bối cảnh đối phương ngày càng tinh vi và công nghệ ngày càng vượt trội hay không?

Xuân Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vu-khi-co-vat-thoi-lien-xo-tai-xuat-gay-bat-ngo-cho-ukraine-16925070210480835.htm
Zalo