Vụ hiệu trưởng ở Cà Mau bị cáo buộc tham ô 10,7 triệu đồng: Cân nhắc kỹ việc xử hình sự
Hành vi của ông hiệu trưởng ở Cà Mau dù có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì chỉ nên xử lý bằng các biện pháp khác.
Nếu biết trước chỉ vì sự siêng năng, tháo vát, nghĩ tiết kiệm cho nhà trường mà dẫn tới có ngày bị tội tù, có lẽ ông thầy hiệu trưởng trường THCS ở Cà Mau Trần Văn Tâm đã làm khác. Thay vì nhọc công cầm que hàn, tận dụng từng mẩu sắt để làm thành chiếc thang, giá đỡ, cái kệ…, hẳn ông đã cho người ra tiệm mua cho lành.
Những đồng nghiệp, cấp trên của ông Tâm và cả những học trò của ông khi nghe tin vị hiệu trưởng vốn rất mực thước và “rõ nét” lại vướng vòng lao lý với cáo buộc tham ô, ai cũng ngạc nhiên, đau xót. Bởi với họ, những ông quan có thể thoái hóa, biến chất và ngã gục trước tiền muôn bạc vạn chớ ai đời một ông thầy khả kính lại đi thâm lạm số tiền chỉ nửa tháng lương để đánh đổi sự thiện lương của cả một đời.

Ngôi trường nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: TV
Ở xứ ta, chuyện cơ quan, đơn vị hay để cho nhân viên mua vật tư, sắt thép về lắp ráp, làm thành sản phẩm này, vật dụng kia phục vụ cho nhu cầu nội bộ là điều khá bình thường, phổ biến. Khi thì anh lái xe đi mua cái chậu về trồng cây mai để tận dụng cái cây người ta vừa biếu chưng Tết; khi thì anh nhân viên văn phòng mua những cây sắt về làm giá đỡ chậu cây, kệ đựng hồ sơ, giấy tờ. Cũng có khi anh em văn phòng mua vật tư, vật dụng về “hô biến” một căn phòng cũ thành một nơi làm việc mới để bố trí cho một bộ phận mới, một nhân sự mới được điều về… Và không phải lúc nào chúng ta cũng được cung cấp đủ hóa đơn, chứng từ cho những vật tư, vật dụng ấy. Khi đó, việc “hợp thức hóa” chúng là điều cực chẳng đã, dù không muốn nhưng chúng ta vẫn phải thực hiện.
Cho nên chuyện ông hiệu trưởng Trần Văn Tâm tự đi mua vật tư, sắt thép về để hàn thành cái thang, cái kệ phục vụ cho nhà trường âu cũng là điều dễ hiểu, kể cả chuyện “hợp thức hóa” hóa đơn, chứng từ. Vấn đề là ông Tâm có thâm lạm số tiền hơn 10,7 triệu đồng như cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm đã quy kết?
Muốn chứng minh điều này, theo lẽ thông thường, chúng ta phải liệt kê tất cả vật dụng mà ông Tâm đã mua vật tư về làm cho trường, từ cái thang, cái giá đỡ tấm bảng đến cái kệ đựng tivi và kệ đựng hồ sơ, sách vở. Sau đó, chúng ta phải khảo sát giá niêm yết của từng vật dụng này ở các tiệm, cửa hàng (dĩ nhiên phải theo trình tự, thủ tục tố tụng luật định). Có ba khả năng xảy ra: 1) Nếu số tiền tổng cộng của tất cả vật dụng thành phẩm này nhiều hơn số tiền mà ông Tâm được quyết toán thì rõ ràng việc làm của ông đã mang lại lợi ích cho ngân sách của trường; 2) Nếu tổng số tiền nói trên bằng số tiền ông được quyết toán thì việc làm của ông không mang lại lợi ích gì cho trường; 3) Nếu tổng số tiền nói trên ít hơn số tiền ông được quyết toán thì có khả năng ông đã thâm lạm số tiền chênh lệch này.
Ngay cả khi như thế thì cơ quan tố tụng cũng cần phải chứng minh kỹ càng hơn nữa, chẳng hạn phải tính đến những khoản chi thực tế khác như ông Tâm đã khai (như mua sơn về sơn bồn hoa). Và chỉ khi con số chênh lệch đủ định lượng (từ 2 triệu đồng trở lên) thì hành vi của ông mới được xem là có dấu hiệu cấu thành tội tham ô tài sản…
Ngoài ra, cứ coi hành vi của ông Tâm là tham ô đi nữa thì việc tòa sơ thẩm kết án ông đến 7 năm tù quả là rất nặng nề. Dẫu biết mọi sự so sánh đều khập khiễng song nếu đặt số tiền 10,7 triệu đồng với mức án 7 năm tù của ông Tâm với một số người khác, chúng ta sẽ thấy rất bất tương xứng. Chẳng hạn như cựu bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh (cũ) nhận hối lộ 4,1 tỉ đồng (và nhận quà biếu 10 tỉ đồng) bị phạt 4,5 năm tù; cựu bí thư tỉnh Quảng Ngãi (cũ) Lê Viết Chữ nhận hối lộ 6 tỉ đồng trong vụ Phúc Sơn bị phạt 7 năm tù… Dù chúng ta có lập luận kiểu gì đi chăng nữa thì dư luận và cả những người am hiểu pháp luật cũng khó lòng tìm thấy sự thỏa đáng giữa các ví dụ này.
Nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng vụ án này còn có rất nhiều vấn đề phải cân nhắc, đánh giá lại. Có lẽ đó cũng là lý do mà tòa phúc thẩm đã hủy án sơ thẩm để điều tra lại, ngoài vấn đề vi phạm thủ tục tố tụng. Bởi theo tòa, “để giải quyết vụ án một cách toàn diện, khách quan và đúng pháp luật, cần phải làm rõ giá trị thực tế của các sản phẩm mà bị cáo Tâm đã tạo ra. Các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm đã bỏ qua việc định giá tài sản này. Đây là một thiếu sót mấu chốt, ảnh hưởng trực tiếp đến việc xác định bản chất hành vi và mức độ thiệt hại (nếu có)”.
Kết án một con người không chỉ tước đi một số quyền công dân của họ. Bản án tội tù còn là một cái nhãn dán vào uy tín, danh dự của không chỉ cá nhân người bị kết án mà còn của cả gia đình, dòng họ của người đó. Vì vậy, quy trình này không chỉ tuân thủ thủ tục tố tụng chặt chẽ, khách quan, đúng luật mà đòi hỏi những người tiến hành tố tụng còn phải cân nhắc, đánh giá kỹ càng bằng cả cái đầu lạnh và trái tim rất nóng.
Cần nhớ rằng BLHS có một quy định rất tiến bộ là “Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác” (khoản 2 Điều 8). Hy vọng sau khi có kết quả điều tra lại, các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm ở Cà Mau có thể xem xét, vận dụng điều luật này để có phán quyết cuối cùng thấu lý đạt tình khiến dư luận tâm phục, khẩu phục.