Vũ điệu mới của múa Huế

HNN - Hội Nghệ sĩ (NS) Múa là hội non trẻ nhất trong số các hội chuyên ngành thuộc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP. Huế. Tuy nhiên, những năm gần đây, họ đã vươn mình trở thành một tập thể với nhiều cá nhân xuất sắc, dựng được nhiều vở múa chất lượng, hiện đại, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của công chúng Huế.

 Cảnh trong vở múa thơ “Gánh hàng rong xứ Huế”

Cảnh trong vở múa thơ “Gánh hàng rong xứ Huế”

Sáng tạo và “đắm nghề”

Khi diễn viên múa Tâm Thuận thực hiện một động tác khó nhưng rất đẹp, bay người trên cao rồi sà xuống sàn sân khấu trong vở “Gánh hàng rong xứ Huế”, nhiều người đã xuýt xoa bởi để thực hiện được vũ điệu đó, cần có sự khổ luyện và lòng dũng cảm.

NSND Bạch Hạc, Chủ tịch Hội NS Múa tâm sự: “Nghề múa khổ lắm, nhưng sau mỗi thành quả, người NS múa hạnh phúc biết bao. Đó chính là sự “đắm nghề” mà ai theo nghề múa rồi cũng sẽ vậy”.

Không chỉ riêng Tâm Thuận, gần như các diễn viên của Hội NS Múa TP. Huế đều mang trong mình ngọn lửa đam mê mãnh liệt. NSND Hà Thế Dũng, Phó Chủ tịch Hội NS Múa TP. Hồ Chí Minh trong những lần về Huế tham gia giao lưu văn học nghệ thuật (VHNT) ba thành phố Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh đã rất ngạc nhiên khi nhận ra “múa Huế” đang có những dấu hiệu mới: “Thật bất ngờ khi thời gian gần đây, Hội NS Múa TP. Huế đã xuất hiện một số biên đạo và nhiều NS biểu diễn tài năng. Họ đã mạnh dạn, tự tin và biết làm mới”.

Hiện, Hội NS Múa TP. Huế có 52 nghệ sĩ; trong đó, có 10 người là hội viên Hội NS Múa Việt Nam. Ngoài những biên đạo lão làng, như: Cao Chí Hải, Bạch Hạc… Hội có đội ngũ biên đạo vững vàng kế thừa, tiếp nối như: Mai Trung, Diệu Hy, Ánh Hồng, Hồng Nhâm, Phan Hoàng, Khánh Hiệp, Tâm Thuận... Một số biên đạo đã tự hoàn thiện mình thông qua tự đào tạo. Có 2 hội viên là biên đạo Phan Tuần, Bạch Mai đã tốt nghiệp thạc sĩ Nghệ thuật Sân khấu tại Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội.

Trong lĩnh vực biểu diễn có các nghệ sĩ tài năng, như: Văn Hoàng, Thế Tuệ, Phong Thủy, Kim Tuyến, Lệ Huyền, Hải Lý, Thu Thủy; trong đó, có nhiều NS tuổi đời rất trẻ như: Tâm Thuận, Quốc Phong, Hoài Nam, Phạm Lộc, Hoài Bơ, Ánh Tuyết, Quỳnh Như, Xuân Anh… Một sự năng động tuyệt vời là lực lượng biên đạo múa ở các nhà hát, trường văn hóa nghệ thuật đã tham gia tập huấn các lớp biên đạo, diễn viên trẻ, các lớp vũ điệu, trên cơ sở đó gây dựng được một đội ngũ nòng cốt trong các phong trào nghệ thuật múa đang phát triển ở Huế. Dù biểu diễn trên sân khấu nào, họ đều thắp sáng lên một niềm tin đam mê, nâng niu từng điệu múa, không chỉ giữ gìn những giá trị xưa cũ mà còn mở ra một tương lai tươi sáng, giàu cảm hứng cho múa Huế.

Trong 5 năm trở lại đây, chưa bao giờ phong trào nghệ thuật múa lại sôi nổi như hiện nay. Hầu hết trong các dịp lễ hội, các ngày lễ truyền thống của ngành, cơ quan, đơn vị, đoàn thể và các địa phương đều có múa trong các chương trình văn hóa - văn nghệ. Mỗi điệu múa, mỗi bước nhảy dù truyền thống hay đương đại đều mang đậm hơi thở của Huế, vừa xưa cũ vừa tươi mới.

Đáng chú ý, vở múa thơ “Gánh hàng rong xứ Huế” được Hội dàn dựng vào tháng 8/2024 đã làm rung động trái tim của khán giả. Vở diễn là một bữa tiệc thị giác và âm thanh đầy màu sắc, tái hiện sống động hình ảnh gánh hàng rong quen thuộc gắn bó với đời sống văn hóa và con người xứ Huế. Sự kết hợp giữa thơ và múa trong không gian của Huế - một Huế xưa cũ nhưng cũng đầy khát vọng, đầy mới mẻ, đã khiến đạo diễn Văn Thanh, Chủ tịch Hội Sân khấu TP. Huế hôm ấy phải thốt lên rằng: “Vở diễn này cho thấy múa Huế đương đại là nguồn năng lượng bất tận, không chỉ hướng về quá khứ mà còn mạnh mẽ vươn đến tương lai”.

Cống hiến và lan tỏa

Hội NS Múa đã khẳng định được vị thế của mình trong việc đóng góp làm phong phú đời sống văn hóa Huế đương đại. Múa đã tham gia các chương trình lớn của Lễ hội Festival như: Lễ tế Nam Giao, lễ tế Đàn Xã Tắc, Đêm Hoàng Cung, Văn Hiến Kinh kỳ…; các chương trình lễ hội tại các huyện, thị xã (cũ) như lễ hội cầu Ngư, vật võ làng Sình, lễ hội đền Huyền Trân, Lăng Cô huyền thoại biển, Thuận An biển gọi, Ấn tượng Bạch Mã… Gần đây, các lễ hội văn hóa tín ngưỡng tôn giáo, lễ hội điện Huệ Nam, Lễ Phật đản, lễ hội tưởng nhớ các vị khai canh, thần hoàng, lễ tưởng niệm các vị tổ sư làng nghề…, bà con các địa phương đều mời các NS múa về tận các làng quê biểu diễn.

Từ những lễ hội văn hóa xứ Huế, cho đến các tuần lễ văn hóa ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, hay Đà Nẵng, Ninh Bình, Phú Thọ, Nghệ An, Thanh Hóa… nghệ thuật múa của Huế đã làm say đắm lòng người. Nhưng không chỉ có vậy, những nghệ sĩ múa Huế còn mang tiếng thơm từ Huế ra thế giới, thông qua các cuộc giao lưu quốc tế, như: Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Họ không chỉ đơn thuần là những người biểu diễn, mà còn là những sứ giả của nghệ thuật, mang trong mình trọng trách gìn giữ văn hóa dân tộc, đồng thời mang Huế đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

Nhiều năm trở lại đây, Festival Múa Quốc tế được tổ chức tại Huế, như năm 2024 tại Huế diễn ra “Liên hoan múa quốc tế”. Đây được xem như là sự hội ngộ lớn của các vũ điệu trên thế giới, nghệ sĩ múa Huế có dịp được giao lưu, học hỏi thêm rất nhiều.

Múa Huế đang dần trở thành một sức sống mới, mỗi bước đi của các nghệ sĩ đều mang trong mình niềm tự hào, trách nhiệm, và khát vọng cống hiến.

Thanh Ngọc

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/vu-dieu-moi-cua-mua-hue-155785.html
Zalo