Vụ con trâu húc người phụ nữ đi đường: Trách nhiệm pháp lý của người chủ ra sao?

Trong vụ con trâu húc người phụ nữ đang chạy xe máy ở xã Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, chủ của con trâu có thể đối diện với các trách nhiệm pháp lý tương ứng, tùy thuộc vào tỉ lệ thương tích của nạn nhân.

Mạng xã hội đang lan truyền clip ghi lại cảnh một con trâu “điên” sổng chuồng gây náo loạn đường phố xã Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.

Camera hành trình của ô tô ghi lại cảnh con trâu đang chạy trên đường thì bất ngờ đổi hướng tông thẳng vào một người phụ nữ đang chạy xe máy.

Sự việc xảy ra vào khoảng 9 giờ 36 phút ngày 14-7, tại tiểu khu Đông Hòa, xã Nông Cống.

Theo đó, con trâu húc người phụ nữ đi đường - được người dân mua từ Nghệ An về - và đang nuôi nhốt tại nhà thì sổng chuồng.

Một lãnh đạo xã Nông Cống cho biết vụ trâu "điên” sổng chuồng khiến người phụ nữ bị gãy xương vai.

Liên quan đến vụ việc người tham gia giao thông bị trâu "điên” húc gây thương tích, luật sư Nguyễn Đình Thế, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết chủ vật nuôi có thể phải chịu trách nhiệm trên nhiều phương diện pháp lý.

 Trâu “điên” sổng chuồng gây náo loạn đường phố xã Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh cắt từ clip

Trâu “điên” sổng chuồng gây náo loạn đường phố xã Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh cắt từ clip

Cụ thể, theo Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015, chủ vật nuôi phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác.

Nếu súc vật gây ra thiệt hại cho sức khỏe con người, việc bồi thường được thực hiện theo quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015.

Theo đó, chủ vật nuôi phải bồi thường các khoản hợp lý như chi phí cứu chữa, phục hồi sức khỏe, thu nhập bị mất, chi phí chăm sóc người bị hại và tổn thất tinh thần.

Việc bồi thường thiệt hại có thể do các bên tự thỏa thuận. Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, người bị hại có quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu bồi thường theo quy định pháp luật.

Về xử phạt vi phạm hành chính, căn cứ điểm c khoản 2 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi để động vật nuôi gây thương tích hoặc gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân khác nhưng chưa đến mức bị truy cứu TNHS thì chủ vật nuôi sẽ bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng.

Ngoài trách nhiệm hành chính và dân sự đã nêu ở trên, chủ vật nuôi hoặc người có hành vi sơ suất trong việc rào chắn chuồng trại của vật nuôi dẫn đến việc trâu sổng chuồng và tấn công người đi đường, còn có thể bị truy cứu TNHS theo Điều 138 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung các năm 2017 và 2025) về tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Tùy theo mức độ thương tích, chủ vật nuôi hoặc người có hành vi sơ suất này có thể bị phạt tù lên đến 3 năm.

Luật sư Thế nhấn mạnh trong trường hợp trâu nhà có dấu hiệu hung dữ, chuồng trại không đảm bảo an toàn hoặc không có biện pháp phòng ngừa hợp lý, thì chủ vật nuôi được xem là có lỗi trong việc thiếu trách nhiệm quản lý.

Việc để vật nuôi tự do đi lại và gây ra hậu quả nghiêm trọng cho người đi đường là hành vi tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý, không chỉ thiệt hại về tài sản mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người khác.

Bạn đọc bất bình

Bạn đọc Nguyễn Hữu Trí viết: “Không thể gọi đây là tai nạn ngoài ý muốn. Trâu không tự ý phá chuồng nếu người nuôi có biện pháp an toàn tối thiểu. Không thể để người vô tội trên đường gánh hậu quả vì sự cẩu thả của người khác mà chỉ xử phạt hành chính là xong”.

Bạn đọc Phạm Thị Quỳnh cho rằng: “Với hậu quả là một người bị gãy xương vai, nằm viện, gián đoạn công việc và đời sống, mà chỉ xử phạt chủ nuôi vài triệu đồng thì liệu còn ai thực sự lo lắng việc ràng buộc vật nuôi?”.

Bạn đọc Trần Văn Cảnh phân tích: “Không thể để người dân thích thì nuôi, không thích thì buộc hời hợt. Cần quy định cụ thể về chuồng trại an toàn, điều kiện nuôi nhốt súc vật lớn và trách nhiệm bồi thường phải đi kèm chế tài nghiêm khắc”.

THẢO HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/vu-con-trau-huc-nguoi-phu-nu-di-duong-trach-nhiem-phap-ly-cua-chu-trau-ra-sao-post860683.html
Zalo